Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2023 | 10:6

Nông sản vươn xa: Dấu ấn, thách thức và giải pháp

Bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự định hướng đúng đắn của Đảng, sự điều hành linh hoạt, kiên quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương, sự đồng thuận, đoàn kết của Nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023, đi qua 6 “cơn gió nghịch” chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài tầm dự báo của cả thế giới, đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đạt hơn 316 tỷ USD, xuất siêu 12,25 tỷ USD; đón gần 5,6 triệu lượt khách quốc tế (đạt 70% mục tiêu năm 2023). Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%;  tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 12%; 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ… Thặng dư thương mại hàng nông, lâm, thủy sản đạt 4,63 tỷ USD. GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%,…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế cả trong nước và quốc tế, mức tăng trưởng tuy không cao (mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm qua) nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ở cả trong và ngoài nước. Nguyên nhân đã được các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ phân tích, mổ xẻ, chỉ rõ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc cách đây ít ngày.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đạt hơn 316 tỷ USD, xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Nhìn vào bức tranh tổng thể nền kinh tế 6 tháng qua, chúng ta có thể thấy rất rõ sự tăng trưởng sáng dần: GDP quý I tăng 3,32%, quý II tăng 4,14%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2023 đạt 11,19 tỷ USD, quý II ước 13,4 tỷ USD. Gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế đến trong quý I, quý II đạt trên 2,9 triệu lượt. Quý I năm 2023, giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%  nhưng quý II tăng 3,25%,…

Đặc biệt, trong 6 tháng qua, xuất khẩu gạo, cà phê, rau quả… tạo những mảng màu tươi sáng trên bức tranh toàn cảnh: Chỉ trong 1 tháng (tháng 6), xuất khẩu rau quả thu về gần 1 tỷ USD, con số chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng rau quả Việt Nam. Tính đến hết quý II, xuất khẩu càphê đạt 2,4 tỷ USD, cà phê Robusta của Việt Nam được nhiều thị trường đón nhận thay cho càphê Arabica; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, giá gạo của ta hiện đứng đầu thế giới, thị trường mở rộng; xuất khẩu nhóm hàng rau quả thu về 2,8 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2022, được nhiều thị trường khó tính đón nhận.

Trên cơ sở thực tế, các chuyên gia kinh tế nhận định: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của nền kinh tế là thách thức lớn bởi các thị trường “ăn” hàng Việt vẫn trong tình trạng lạm phát cao, kinh tế suy giảm sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chưa tăng; xung đột Nga - Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc; biến đổi khí hậu diễn biến khó lường,…

Đối với kinh tế nông nghiệp, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD cũng gặp những khó khăn không nhỏ từ các thị trường lớn và những mặt hàng chủ lực, như thủy sản, đồ gỗ,…

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, rau quả, gạo, càphê sẽ đạt, thậm chí vượt mục tiêu. Theo các chuyên gia kinh tế, tất cả các ngành hàng cần khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và tiếp tục mở rộng các thị trường mới, nhất là thị trường khu vực châu Phi, khu vực Tây và Nam Á (Trung Đông, Ấn Độ,...), thị trường các quốc gia Hồi giáo. Tận dụng tối đa lợi thế (những ưu đãi thuế quan) từ 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời cần xây dựng tư duy “làm kinh tế” thay cho tư duy “buôn chuyến” cho cả người hoạch định chính sách, người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu.

Chế biến mắc ca xuất khẩu tại Công ty TNHH Việt Xanh. Ảnh: NTV 

Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm yếu “chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu theo từng thị trường” chính là nơi chúng ta cần khai thác để chuyển hướng, nâng tầm, mở rộng và nâng cao giá trị nông sản Việt.

Để có thể thực hiện những giải pháp trên, việc đầu tiên, phải làm ngay là, nhanh chóng xây dựng vùng nuôi, trồng đủ điều kiện được cấp mã số để thỏa mãn yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống logistics để hạ giá thành, đảm bảo cung ứng hàng nhanh với chất lượng cao.

Tất cả những việc này cần sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, cùng một ý chí của cả Nhà nước - Người sản xuất – Doanh nghiệp – Ngân hàng – Cơ quan ngoại giao.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top