Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của gia đình anh Phạm Thanh Sơn, thôn Song Long, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) sử dụng ít diện tích nhưng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Gia đình anh Sơn có nhiều năm nuôi cua quảng canh trong hồ nước lợ. Mặc dù mô hình này cho thu nhập khá, song nuôi cua trong hồ gặp nhiều rủi ro, dễ mắc bệnh nên anh quyết định tìm tòi, học hỏi chuyển sang mô hình nuôi cua khác.
Sau thời gian nghiên cứu, anh Sơn nhận thấy mô hình nuôi cua trong hộp nhựa ở một số tỉnh phía Nam đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2023, anh quyết định đầu tư xây dựng trại nuôi gần 600m2 và đặt mua 6.000 hộp nhựa từ Cà Mau với số tiền gần 700 triệu đồng để nuôi cua. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật có chiều dài 40cm, rộng 22cm, cao 30cm, được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn nuôi một con.
Trại nuôi cua công nghệ cao được anh Sơn đầu tư rất bài bản bằng hệ thống chuồng nuôi hộp nhựa.
Anh Sơn chia sẻ: Các mô hình nuôi cua ở địa phương khác người ta xếp hộp nhựa thành nhiều tầng để nuôi. Nhận thấy việc này sẽ gây khó khăn cho quá trình chăm sóc cua nên khi mua hộp nhựa về, tôi chỉ xếp hộp thành một tầng để kiểm soát cua dễ dàng hơn.
Mô hình nuôi cua công nghệ cao trong hộp nhựa của anh Sơn tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo chủ trang trại này, hệ thống công nghệ cao nuôi cua trong nhà có ưu điểm là không cần nhiều nước bởi nhờ nguyên lý tuần hoàn của hệ thống sục khí tạo ôxy.
Cua giống do anh Sơn thu mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Khi cua lớn đủ kích cỡ, sẽ tách riêng vào từng hộp để chăm sóc. Việc tách riêng cua khi đã trưởng thành nhằm tránh cua ăn thịt nhau.
Thức ăn của cua chủ yếu là cá trích, ngao, vẹm, ốc... mỗi ngày chi phí thức ăn khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Sau thời gian nuôi, anh nhận thấy cua phát triển tốt, sinh trưởng nhanh.
Theo anh Sơn, so với nuôi cua trong ao thì nuôi trong hộp tốn nhiều thời gian cho ăn hơn vì phải thả thức ăn vào từng hộp, ngược lại, việc nuôi cua trong hộp sẽ kiểm soát chặt hơn số lượng con, dễ chăm sóc. Cứ 15 ngày cua lại lột xác một lần, mỗi lần lột trọng lượng tăng 50-100g (cua lột xác sẽ tách đi bộ mai cũ; bộ mai mới vẫn còn mềm, toàn bộ con vật có thể ăn được, thay vì phải bỏ vỏ để lấy thịt cua). Sau khoảng 2 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt 300-400g/con, bắt đầu có thể thu hoạch.
Anh Sơn cho biết, nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa quan trọng nhất là nguồn nước phải đảm bảo độ pH, độ mặn và nhiệt độ môi trường nước phù hợp, trong khoảng 25 - 30 độ C. Bởi vậy, hằng ngày, anh phải thường xuyên kiểm tra, đo các chỉ số để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo điều kiện sống cho cua. Đặc biệt, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa sử dụng máy nâng nhiệt, kiểm soát được nhiệt độ của nước nên cua vẫn nuôi được vào mùa đông, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quanh năm.
Lứa cua đầu tiên gia đình anh Sơn thu hoạch được hơn 500 con, trung bình 3 - 4 con/kg. Thu về khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 70 triệu đồng. Hiện tại, nhiều nhà hàng trên địa bàn đã liên hệ với gia đình anh để đặt số lượng lớn, với giá khoảng 600.000 đồng/kg, cua lột có giá 800.000 - 850.000 đồng (có chất dinh dưỡng cao gấp 20% so với cua thịt).
Ông Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghi Xuân, cho biết: Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của anh Phạm Thanh Sơn là mô hình đầu tiên ở Hà Tĩnh, mở ra hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững trong tương lai. Mô hình mới thành công bước đầu nhưng kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao khi được đầu tư bài bản, áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.