Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 27 tháng 2 năm 2024 | 10:41

Nuôi dúi, hướng phát triển kinh tế hiệu quả

Dúi là động vật hoang dã thuộc loài gặm nhấm, thường sống trong hang hốc với nguồn thức ăn chủ yếu là tre, nứa. Những năm gần đây, mô hình thuần hóa và nuôi dúi xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước và Hà Tĩnh, mang lại thu nhập khá cao, đồng thời mở ra hướng chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả.

Mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình có quy mô lớn và được đầu tư khá bài bản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số mô hình hiệu quả

Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình ở thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên (Nghi Xuân). Mô hình không chỉ gây ấn tượng bởi quy mô số lượng, sự đầu tư về mặt chuồng trại mà còn bởi ông Tình là người đầu tiên thuần hoá và nhân giống được dúi để nuôi ở một địa bàn đồng bằng ven biển như Nghi Xuân.

Ông Tình chia sẻ: Trước đây, gia đình sống ở xã Kỳ Giang (Kỳ Anh), 2 vợ chồng làm công nhân tại Nhà máy gạch ngói Kỳ Giang. Năm 2019, nhà máy không có việc làm, vợ chồng quyết định về quê ở xã Xuân Viên sinh sống.

“Thời gian ở Kỳ Anh, tôi từng nuôi dúi rừng, nhưng không thể duy trì. Khi trở về quê, đồng ruộng không có, hai vợ chồng loay hoay chưa biết làm gì để mưu sinh, lập nghiệp. Với chút kinh nghiệm từng nuôi dúi, và tìm hiểu thêm thông tin trên sách báo, internet, tôi quyết định bỏ ra hơn 600 triệu đồng xây dựng chuồng trại rộng 200m2 nuôi dúi rừng”, ông Tình chia sẻ.

Từ khi chuyển hướng phát triển nuôi dúi, ông Nguyễn Văn Cương có thu nhập ổn định.

Ban đầu, ông khởi tạo mô hình với 3 cặp dúi rừng. Từ chỗ tìm hiểu tập tính, tiến tới thuần hoá và gây giống, đến nay, mô hình của ông được đánh giá là có quy mô lớn, duy trì với gần 200 con dúi sinh sản và hơn 100 con dúi thương phẩm. Đồng thời, đây cũng là mô hình đầu tiên và duy nhất ở Nghi Xuân được cơ quan chức năng cấp phép nuôi động vật rừng.

Theo ông Tình, dúi tự nhiên thường sống trong hang, hốc, chịu được lạnh nhưng chịu nóng kém và ưa bóng tối. Bởi vậy, việc làm chuồng trại cho dúi cần được tính toán kỹ. Để đảm bảo điều kiện cho dúi phát triển, phải đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió, trần cách nhiệt để luôn đảm bảo nhiệt độ trong chuồng không quá 35 độ C. Bên cạnh đó, chuồng trại cần được xây dựng kiên cố để tránh gió lùa hay mưa bão thường xuyên ở vùng đồng bằng ven biển. Thiết kế chuồng nuôi dúi trong nhà đảm bảo thông thoáng nhưng ít ánh nắng rọi vào. Nên bố trí làm chuồng ở các khu vực yên tĩnh. Đây là điều cần phải đặc biệt lưu ý trong kỹ thuật nuôi dúi. 

Trong quá trình nuôi dúi, ông Tình nhận thấy, điều khó nhất vẫn là cho dúi sinh sản. Việc ghép đực cái sao cho phù hợp và theo dõi khi dúi sinh sản cần phải tách ngay con đực để tránh dúi đực cắn chết dúi con. Với kinh nghiệm nuôi dúi, sự am hiểu về đối tượng này, ông Tình đã thành công và số lượng nuôi dần tăng lên. Gia đình ông đang tiếp tục mở rộng quy mô và nhân đàn dúi sinh sản lên 300 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.

Đến nay, đàn dúi của ông Tình đang có đầu ra thuận lợi khi nhiều nhà hàng ở TP. Vinh (Nghệ An) và TP.Hà Tĩnh thường xuyên đặt dúi thương phẩm với giá bình quân 500.000 đồng/kg; còn dúi giống có giá 2,2 triệu đồng/cặp. Ước mô hình mỗi năm cho ông Tình thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Là  gia đình thuần nông, ngoài làm ruộng, tận dụng diện tích vườn khá rộng, ông Nguyễn Văn Cương ở xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) từng nuôi gà và lợn, nhưng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, giá cả lại bấp bênh. Sau thời gian tìm hiểu về quy trình kỹ thuật và nhu cầu thị trường tiêu thụ, ông quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 40 cặp dúi về nuôi.

Ông Cương cho biết, nuôi  dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, nhiệt độ phù hợp nhất từ 25-28 độ C. Hiện nay, gia đình ông nuôi 2 loại dúi: dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như: dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác. Không chỉ nuôi thương phẩm, ông còn nuôi dúi sinh sản để nhân đàn và bán giống nhằm tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm dúi sinh sản 3 lứa, mỗi lứa 2 - 4 con. Từ 40 cặp dúi ban đầu, hiện nay, đàn dúi của ông lên tới 200 con. Với giá bán dúi thịt 500.000 đồng/kg, dúi giống 2,2 triệu đồng/cặp, gia đình ông thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.

Anh Ngô Sỹ Cương ở thôn Nam Thành (xã Cẩm Trung) cho biết, tận mắt tham quan mô hình nuôi dúi của ông Cương, tôi rất tâm đắc và quyết định nuôi thử nghiệm 60 cặp. Tuy lần đầu nuôi nhưng theo cảm nhận của tôi, dúi là loài dễ nuôi, hầu như không có dịch bệnh xảy ra. Thức ăn dễ kiếm, tuy nhiên, phải đảm bảo sạch sẽ, không bị ôi mốc để phòng tránh dịch bệnh, bởi dúi dễ mắc các bệnh về đường ruột.

Hiểu được tập tính của loài vật này, anh Cương bố trí chuồng nuôi nơi kín gió, ít tiếng động, làm cả hệ thống chống nóng. Ngoài ra, anh còn tận dụng vườn rộng trồng mía, cỏ voi để cung cấp thức ăn cho dúi, vừa giảm bớt chi phí, vừa đảm bảo nguồn thức ăn sạch, chủ động. Hiện nay, anh tiếp tục xây dựng thêm các ô chuồng để tăng đàn.

Cần sự hỗ trợ của địa phương

Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Trung, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện một số mô hình phát triển kinh tế mới. Chính quyền đã phối hợp với ngành chuyên môn huyện hỗ trợ tích cực về mặt  kỹ thuật và cơ chế, chính sách kích cầu, tìm đầu ra giúp bà con yên tâm sản xuất. Riêng mô hình nuôi dúi, đến nay, xã Cẩm Trung có 5 hộ dân áp dụng triển khai với quy mô từ 50 con đến vài trăm con. Nuôi dúi không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp địa phương củng cố vững chắc tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Có thể thấy, nghề nuôi dúi đã giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế gia đình, trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi tại địa phương. Thành công của  mô hình nuôi dúi đã mở ra hướng đi mới, giúp người dân khai thác hiệu quả diện tích sẵn có tại nông hộ, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng, cần phải làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời phải liên hệ nguồn giống đảm bảo, tìm đầu ra ổn định cho người dân.

Nguyễn Hoàn
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top