Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 11 năm 2023 | 10:8

Nuôi dúi và lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ngành chăn nuôi đang gặp phải những khó khăn do giá thức ăn tăng cao, trong khi giá các sản phẩm lại xuống thấp, lại thêm dịch bệnh bùng phát. Nhiều hộ nông dân ở một số tỉnh miền Trung đã lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển kinh tế.

Làm giàu từ nuôi dúi

Trong điều kiện giá thức ăn cho chăn nuôi tăng cao liên tục, còn giá sản phẩm thì lại xuống thấp, người chăn nuôi sau khi xuất bán sản phẩm không có lãi. Do đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang nuôi dúi, đây là một trong những mô hình chăn nuôi được nhiều hộ nông dân lựa chọn chuyển đổi bởi cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi dúi của anh Trần Ngọc Hòa cho thu nhập cao.

Dúi là loài gặm nhấm, ưa sống trong bóng tối, thức ăn chủ yếu là thân cây tre, mía, ngô, khoai, sắn. Dúi má vàng khi trưởng thành, có cân nặng từ 4 - 5 kg/cá thể. Còn dúi mốc đại khi trưởng thành, có cân nặng từ 3 - 4 kg/cá thể.

Trần Ngọc Hòa (SN 1990) ở tổ dân phố 1 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới - Quảng Bình) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dúi tại nhà. Qua 2 năm, mô hình của anh đã cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân có ý tưởng khởi nghiệp.

Theo giá thị trường, dúi thương phẩm có giá thành khoảng 600.000-700.000 đồng/kg, mỗi cặp dúi con có giá khoảng 1 triệu đồng. Riêng dúi hậu bị (để làm giống), trọng lượng từ 1,5-2kg/con có giá khoảng 3 triệu/cặp, nguồn đầu ra rất dồi dào. Theo tính toán, mô hình nuôi dúi của anh Hòa mỗi năm cho lãi ròng trên 250 triệu đồng.

Toàn xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện có 23 mô hình kinh tế doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình với các giống vật nuôi ‘độc, lạ’ cho giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Cương ở thôn Trung Tiến cho hay: “Dúi là vật nuôi còn lạ trên địa bàn nên chúng tôi phải thật sự cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ nguồn thức ăn an toàn như: ngô, mía, tre… và sinh sống trong nền nhiệt độ dưới 30°C nên dúi khỏe mạnh, phát triển tốt. Từ 40 cặp giống ban đầu, đến nay, đàn dúi của gia đình đã sinh sản lên trên 200 con. Dúi thịt hiện có giá 500.000 đồng/kg, dúi giống giá 2,2 triệu đồng/kg; mỗi năm chúng tôi đạt thu hơn 400 triệu đồng”.

Nuôi lươn không bùn

Với đầu óc nhạy bén, thêm ý chí cần cù, đầu năm 2022, ông Nguyễn Minh Hà (SN 1970, ở thôn 5, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã cải tạo lại mảnh vườn của gia đình để tiến hành xây dựng 10 bể nuôi lươn và bể lọc nước giếng khoan cùng các thiết bị nuôi chuyên dụng với tổng mức đầu tư gần 400 triệu đồng.

“Trong quá trình đi làm tại các tỉnh phía Nam như Tiền Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, tôi đã được tham quan, học hỏi kỹ năng nuôi lươn không bùn của người dân vùng này. Thấy cách nuôi không quá phức tạp, tạo nguồn kinh tế khá nên ngay khi về quê tôi đã lên ý tưởng để khởi nghiệp” - ông Hà tâm sự.

Ông Nguyễn Minh Hà - chủ mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Sơn Bình (Hương Sơn).

Lươn nuôi tại mô hình của ông Hà có trọng lượng từ 3-4 con/kg. Với 25.000 con giống ban đầu, sau khi trừ đi số lươn mắc bệnh, thiệt hại trong quá trình nuôi thì sản lượng đạt khoảng 5 tấn. Hiện giá lươn thị trường dao động từ 120-130 nghìn đồng/kg lươn sống, ước tính cho doanh thu trên 600 triệu đồng.

Ông Hà dự định sau khi bán hết số lươn vụ này, sẽ tái đàn và đầu tư thêm máy móc, nhân công để chế biến và đóng gói các sản phẩm về lươn ngay tại cơ sở. Qua đó, tiếp tục mở rộng mô hình để phát triển kinh tế.

Lươn là loài thủy sản rất được thị trường ưa chuộng bởi có giá trị dinh dưỡng cao.Tuy nhiên, do nhu cầu lớn và việc đánh bắt lươn tự nhiên theo kiểu tận diệt, lươn ngoài tự nhiên ngày càng ít đi. Vì thế, đây sẽ là cơ hội tốt để phát triển nghề nuôi lươn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng và có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại Nghệ An, mô hình nuôi lươn không bùn đã được nhiều hộ dân áp dụng như Yên Thành, Nghĩa Đàn, Đô Lương… và mới đây, tại huyện Quỳnh Lưu đã triển khai mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng cho lợi nhuận cao.

Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Ngô Sỹ Quân ở xóm 6, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu có diện tích 132 m2 mỗi năm thu lãi hơn 600 triệu đồng từ bán lươn thương phẩm. Đây cũng là mô hình nuôi lươn không bùn thành công đầu tiên ở Quỳnh Đôi.

Đầu năm 2021, sau khi nghiên cứu kỹ kỹ thuật nuôi lươn không ùn cũng như các kiến thức về phòng chống bệnh cho lươn anh đã xây dựng 22 bể vuông, mỗi bể có diện tích 6 m2, được lát gạch xung quanh và dưới đáy bể nhằm tạo độ trơn, giúp vật nuôi không bị tổn thương, trầy xước khi di chuyển.

Mô hình đã thả 10.000 con giống lươn bán nhân tạo, với đủ các loại kích cỡ từ 500 - 2.000 con/kg. Tất cả các khâu đều được áp dụng bài bản và đúng kỹ thuật. theo anh Quân chia sẻ: Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt thì trước tiên khi làm trại nuôi phải chú trọng đảm bảo yếu tố thoáng mát vào mùa Hè, che chắn tạo độ ấm vào mùa Đông.

Cần nắm bắt kinh nghiệm để chăn nuôi đạt hiệu quả

Anh Hòa cho biết: “Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên dúi bị chết khá nhiều do mắc bệnh đường ruột và hô hấp. Không tìm ra cách chữa bệnh cho dúi nên đôi khi tôi hoang mang. Sau đó, tôi lại tìm đến những mô hình trang trại nuôi dúi để học hỏi thêm kinh nghiệm, nhất là cách điều trị các loại bệnh thường gặp ở dúi”.

Theo anh Hòa, dúi thuộc loài động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi phải cẩn thận hơn các loài khác. Người nuôi phải nắm chắc tập tính, thói quen của dúi thì mới phát triển được. Anh Hòa chia sẻ: “Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm. Thức ăn ưa thích của dúi là các loại cây thuộc họ tre, mía, ngô, sắn, cỏ voi… và cấp nước liên tục. Chuồng nuôi dúi phải duy trì nhiệt độ từ 25-28 độ C. Để tránh bị sốc nhiệt cho dúi, tôi phải áp dụng các biện pháp để làm mát chuồng nuôi”.

Đối với nuôi lươn không bùn ông Nguyễn Minh Hà cho biết, do lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể nuôi, vì vậy mỗi ngày phải tiến hành thay nước 2 lần theo đúng khung giờ buổi sáng và chiều. Nguồn nước được lấy từ kênh mương nên trước khi cho vào bể nuôi phải đưa nước vào bể chứa qua hệ thống lọc có chứa than, cát, đá để lọc các thành phần tạp chất như phèn sắt... Sau 30 phút thay nước, khi lươn đã ổn định thì mới cho vật nuôi ăn thức ăn để tránh bị sốc.

Sau 12 tháng, lươn thương phẩm đạt trọng lượng từ 3 - 4 lạng/con, với chiều dài 55 - 60 cm thì mới tiến hành xuất bán. Khi thương lái vào mua sản phẩm luôn kiểm nghiệm xem trong lươn có tồn dư chất tăng trọng, hoóc môn sinh trưởng, kháng sinh hay không, nếu đạt chuẩn thì họ mới tiến hành thu mua, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Việc người nông dân chuyển hướng chăn nuôi dúi và lươn không bùn được nhiều hộ nông dân trên địa bàn cả nước, nhất là ở những vùng có điều kiện thuận lợi chăn nuôi. Tuy nhiên muốn thành công đòi hỏi người chăn nuôi phải có những kiến thức tối thiểu, hoặc kinh nghiệm được học hỏi từ những người chăn nuôi thành công, để áp dụng vào mô hình chăn nuôi cho chính mình.

 Về phía chính quyền địa phương, cũng cần tổ chức cho các hộ chăn nuôi đi tham quan, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi tại các mô hình tiềm năng; đề xuất ngành chuyên môn hướng dẫn người nuôi về khoa học kỹ thuật đối với những vật nuôi mới; hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn vay ngân hàng… Qua đó, không ngừng nhân rộng các mô hình kinh tế triển vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

 

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top