Để Sóc Trăng đạt được sản lượng tôm nuôi hơn 201.000 tấn/năm và kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD (năm 2022), ngoài việc triển khai lịch mùa vụ nuôi phù hợp, quản lý tốt các loại dịch bệnh... thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao là thành tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng tôm nuôi sau thu hoạch.
Thu nhập tiền tỷ
Năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt hơn 54.000ha với mô hình nuôi truyền thống và nuôi công nghệ cao. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xem là một trong những cách thức nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì đây là mô hình nuôi quản lý tốt dịch bệnh, tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt trọng lượng như mong muốn, tỷ lệ nuôi thành công cao, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và hộ dân đầu tư mô hình.
Một trong những hộ dân nuôi tôm công nghệ cao khá thành công trong những năm qua được nhiều người dân địa phương biết đến là ông Tăng Văn Xúa, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu. Ông Xúa nuôi tôm bằng ao đất hàng chục năm nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ông chuyển đổi sang nuôi tôm bằng ao lót bạt (nuôi công nghệ cao). Theo lời ông Xúa, ông có 4 ao nuôi tôm lót bạt (tổng diện tích hơn 4.000m2). Để có mùa vụ nuôi tôm ăn chắc, ông thường chọn nuôi tôm 2 vụ/năm và năng suất tôm nuôi đạt khá cao, 8 - 9 tấn/ao/năm, trừ chi phí, lợi nhuận 400 - 500 triệu đồng/ao, tổng thu nhập 2 tỷ đồng/năm.
Nuôi tôm công nghệ cao giúp nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Ông Xúa tâm tình: “Mặc dù mô hình nuôi tôm bằng ao lót bạt tốn chi phí đầu tư nhưng cái lợi đem đến cho hộ nuôi là tôm ít gặp các loại dịch bệnh và thả nuôi được mật độ dày (150-200 con/m2) nên tôm nuôi cho sản lượng lớn, chất lượng đạt chuẩn, đầu ra ổn định, giá bán cao, lợi nhuận khá tốt”.
Thông tin về mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, chia sẻ: “Nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến xuất khẩu, công ty đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhiều năm qua. Theo đó, công ty phát triển 2 trang trại nuôi tôm tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, diện tích gần 150ha với hơn 230 ao, sản lượng tôm thu về hàng ngàn tấn/năm. Hiện tại, với 2 trang trại nuôi, trong đó có 1 trang trại đã thả nuôi tôm đạt 100% và số lượng giống gần 100 triệu con, tôm nuôi phát triển khá tốt. Để tôm nuôi đạt năng suất cao và tỷ lệ tôm nuôi thành công trên 98%, công ty quan tâm đặc biệt đến vấn đề xử lý nước trước khi lấy nước vào ao nuôi; tất cả các ao nuôi đều trải bạt đáy, phía trên ao nuôi có mái che để không bị ảnh hưởng bởi nắng, mưa…”.
Chuyển đổi mô hình
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng Đào Văn Bảy cho biết: “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho năng suất cao, với diện tích ao nuôi khoảng 1ha, thả nuôi mật độ 150 con/m2, sản lượng sau thu hoạch ước đạt hơn 30 tấn/ha/đợt. Với mô hình này, hộ nuôi tôm có thể thả nuôi được nhiều đợt trong năm. Đồng thời, để đảm bảo tôm sinh trưởng tốt, hộ nuôi lưu ý trước khi thả nuôi tôm cần phải cải tạo ao thật kỹ; chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; trước khi thả nuôi phải lấy mẫu xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm như: đốm trắng, vi bào tử trùng, hoại tử gan tụy cấp; thả nuôi mật độ phù hợp khả năng đầu tư ao nuôi; thường xuyên kiểm tra môi trường trong ao nuôi để tầm soát các bệnh truyền nhiễm nêu trên để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan trong các ao nuôi…”.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích nuôi tôm theo mô hình lót bạt (công nghệ cao) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là hơn 5.680ha, tập trung ở các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Diện tích nuôi tôm công nghệ cao tăng dần theo từng năm, bởi hộ nuôi tôm nhận thấy đây là mô hình cho năng suất cao hơn nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất. Với hiệu quả này, hộ dân có thể chuyển đổi mô hình nuôi tôm ao đất sang nuôi tôm công nghệ cao để các vụ tôm nuôi trong năm đều đạt năng suất cao, chất lượng đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.Nuôi tôm công nghệ cao giúp nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.