Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 5 năm 2023 | 21:52

Phát triển cây ăn quả chủ lực: Không để ''vượt rào'' quy hoạch

Hiện tại, việc phát triển "nóng", không đúng với quy hoạch của một số loại cây ăn quả chủ lực đã dẫn tới những tác dụng ngược.

 Rà soát, kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng, không để "vượt rào" quy hoạch và tập trung vào khâu chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu là điều mà các địa phương cần làm trong bối cảnh hiện nay để giúp người dân phát triển bền vững.

Mô hình trồng bưởi Diễn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản tại thôn Núi Bé, xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Thành

Vẫn điệp khúc "được mùa rớt giá"

Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: "Vài năm gần đây, nhiều hệ lụy đã xảy ra khi một số cây ăn quả ở các địa phương phát triển tự phát. Diện tích và sản lượng cây ăn quả tăng đã gây khó khăn cho việc tiêu thụ. Điệp khúc được mùa, mất giá vì thế vẫn tái diễn".

Ông Cường lấy ví dụ, từ năm 2018, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo các địa phương giữ ổn định diện tích cây cam khoảng 85 nghìn héc ta, nhưng đến nay đã vượt 12 nghìn héc ta so với quy hoạch, lên 97 nghìn héc ta… Đặc biệt, cây sầu riêng đang phát triển “nóng”, nhất là từ khi Bộ NN&PTNT ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường này. Nếu như năm 2010, diện tích cây sầu riêng chỉ có 17,6 nghìn héc ta (sản lượng 107.600 tấn quả/năm), thì đến nay, cả nước có khoảng 90 nghìn héc ta sầu riêng đang cho thu hoạch, với sản lượng 1,3 triệu tấn quả/năm.

Tình trạng này cũng xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Năm 2007-2008, diện tích cây ăn quả có múi, chủ yếu là cây bưởi và cây cam trên địa bàn thành phố chỉ khoảng 2 nghìn héc ta và sản lượng khoảng 10.000 tấn quả/năm, thì đến năm 2021-2022 đã tăng lên gần 10 nghìn héc ta, với sản lượng khoảng 100.000 tấn quả/năm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, diện tích trồng cây ăn quả của thành phố tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng hơn 1,5% mỗi năm. Do diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi tăng nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Thông tin thêm về điều này, ông Cao Văn Mai, ở xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, cách đây 10 năm giá bưởi Diễn từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/quả, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, do người dân trồng nhiều, nên chỉ bán được 10.000 đồng/quả.

Không những vậy, theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong tháng 4-2023, giá một số loại quả tiếp tục giảm so với tháng 3-2023. Cụ thể, giá xoài cát Hòa Lộc giảm từ 51.000 đồng/kg, xuống còn 22.700 đồng/kg; xoài cát Chu từ 24.700 đồng/kg, giảm còn 8.100 đồng/kg… Còn giá sầu riêng, sau nhiều ngày tăng và duy trì ở mức cao đã có xu hướng hạ nhiệt trong tháng này, do nguồn cung dồi dào hơn khi vào chính vụ. Hiện tại, sầu riêng Ri6 có giá 97.500 đồng/kg, giảm 4.200 đồng/kg… so với tháng trước.

“Việc tăng diện tích trồng cây ăn quả một cách ồ ạt khiến cung vượt cầu, dư thừa, giá bán giảm. Nghiêm trọng hơn, cây ăn quả trồng ở vùng không phù hợp, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của sản phẩm…”, ông Nguyễn Như Cường cho hay.

Sơ chế sầu riêng xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre).

Cần kiểm soát, nâng giá trị sản phẩm

Trước thực trạng trên, ngày 27-10-2022, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT đã ký Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, gồm 14 loại cây: Thanh long, xoài, chuối, vải, nhãn, cam, bưởi, sầu riêng, mít... Cây cam ổn định diện tích 100 nghìn héc ta; bưởi khoảng 110-120 nghìn héc ta...

Để cây ăn quả trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công thông tin, tỉnh tập trung xây dựng được các vùng trồng cây ăn quả có chất lượng tốt, đáp ứng được các quy định để xuất khẩu. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu để thu mua sản phẩm cho nông dân khi vào vụ thu hoạch.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội đã xây dựng xong bản đồ vùng trồng, xác định rõ từng khu vực để phát triển loại cây ăn quả phù hợp. Thời gian tới, Hà Nội phát triển theo quy hoạch, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng: VietGAP, GlobalGAP… và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Hà Nội có khoảng 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, thay vì tăng diện tích, sản lượng, các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần phải xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến đóng gói, vận chuyển và phân phối; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để từng bước thay đổi thói quen, nhận thức của người dân, các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm được việc trồng phải theo quy hoạch, không tự phát mở rộng diện tích… Các địa phương cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, gắn với chỉ dẫn địa lý; hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và doanh nghiệp thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu; trọng tâm là sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu và tháo gỡ rào cản thương mại.

 

Ngọc Quỳnh/Hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

  • Nhiều giải pháp giúp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An vượt qua hạn mặn

    Nhiều giải pháp giúp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An vượt qua hạn mặn

    Bến Tre: Nhiều giải pháp giúp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An vượt qua hạn mặn Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 19/04/2024 Ngày cập nhật: 20/4/2024 English Tiếng Việt Mỹ Thạnh An là xã ngoại ô của TP. Bến Tre, nằm cặp sông Bến Tre. Toàn xã có 7 ấp, 115 tổ nhân dân tự quản (NDTQ), 3.055 hộ dân, với 10.297 nhân khẩu. Người dân thu nhập chủ yếu từ trồng bưởi và dừa. Hiện tại, tổng diện tích canh tác bưởi da xanh của toàn xã khoảng 50ha. Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh An có 7 chi hội, 45 tổ hội nông dân và tổ hội nghề nghiệp với 603 hội viên.

Top