Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 9 năm 2022 | 14:11

Phát triển chăn nuôi theo hướng “làm ăn lớn”

Những năm gần đây, số mô hình chăn nuôi nông hộ với quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đang có xu hướng giảm dần. Thay vào đó là sự phát triển nhanh của trang trại chăn nuôi có quy mô từ nhỏ đến lớn. Đây là xu hướng tích cực, góp phần phát triển ngành chăn nuôi địa phương theo hướng bền vững.

Thay đổi tư duy sản xuất

Năm 2015, ông Đàm Văn Thủy, ở xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng, bắt đầu xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà với quy mô khoảng 500 con. Sau một thời gian, nhận thấy những hạn chế của việc chăn nuôi nhỏ lẻ nên từ năm 2019, ông mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lên gần 4.000 con gà/lứa.

Chăn nuôi theo quy mô trang trại giúp gia đình ông Đàm Văn Thủy (xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng) thu được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Thủy chia sẻ: Khi chuyển sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, tôi thấy thuận lợi hơn nhiều. Giờ đây, tôi có thể nhập thức ăn, con giống, thuốc thú y trực tiếp từ các công ty với giá thành rẻ hơn so với mua tại cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ như trước. Hằng năm, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi; được hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại, làm hồ sơ chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Từ đó, tôi có thêm kiến thức về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ngoài ra, khi tổng đàn tăng, tôi không cần phải chở gà ra chợ bán vì đã có thương lái đến tận nơi thu mua với số lượng lớn. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ngày càng cao. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 4 lứa gà, mỗi lứa khoảng 4.000 con, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/lứa.

Không chỉ hộ ông Thủy, những năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và kiến thức đầu tư phát triển kinh tế, tư duy sản xuất của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Lương dần thay đổi.

Cụ thể, giai đoạn 2017-2022, huyện tổ chức và phối hợp tổ chức trên 100 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi; tuyên truyền về quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi…

Bên cạnh đó, huyện Phú Lương cũng phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các trang trại làm hồ sơ chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAHP; thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 9 trang trại chăn nuôi được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp Giấy chứng nhận VietGAHP.

Trên địa bàn huyện còn có 165 cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm (tăng 56 cơ sở so với năm 2020). Hiện, Phú Lương có 254 trang trại chăn nuôi tập trung (tăng 26 trang trại so với năm 2020). Trung bình mỗi trang trại giải quyết việc làm cho 2-3 lao động.

Chú trọng xây dựng mô hình trang trại điểm

Việc chuyển dịch theo xu hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đã đáp ứng đúng định hướng phát triển ngành chăn nuôi của huyện Phú Lương. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện đạt 471,3 tỷ đồng (tăng 149,3 tỷ đồng so với năm 2015); tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 10.912 tấn (tăng 1.687 tấn so với năm 2015). Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc phát triển  trang trại còn giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi.

Ông Lương Xuân An, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ, cho hay: Trước đây, tình trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả nước thải ra đường, vứt xác động vật bừa bãi thường xuyên xảy ra tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết trang trại trên địa bàn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải tiên tiến, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi giảm khoảng 60%.

Nói về định hướng phát triển chăn nuôi của địa phương, ông Ma Tiến Kốp, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; kiểm tra và đôn đốc các trang trại chăn nuôi xây dựng và duy trì vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn; chú trọng xây dựng một số mô hình trang trại điểm về ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo chuỗi giá trị…

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top