Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 4 năm 2023 | 14:11

Phát triển kinh tế VAC theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái

Nhu cầu và xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và kinh tế VAC nói riêng sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam.

Hội phải tích cực đổi mới nội dung, cách thức hoạt động theo hướng nâng cao tính chủ động, sáng tạo của từng tổ chức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Theo thông tin từ Hội Làm Vườn Việt Nam, thị trường tiêu thụ nông sản nói chung và rau, quả nói riêng sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng: cạnh tranh về giá cả, thị phần ngày càng gay gắt; yêu cầu về nền nông nghiệp có trách nhiệm để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ngày càng chặt chẽ; quy mô sản xuất của nông hộ và trang trại, gia trại sẽ tiếp tục mở rộng, yêu cầu ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản theo hướng công nghệ xanh, công nghệ số, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, liên kết chuỗi, phát triển VAC đa mục tiêu  để tăng hiệu qủa và phát triển bền vững…. sẽ tăng nhanh. 

Đột phá trong hoạt động

Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam Phan Huy Thông cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế nông nghiệp nói chung và kinh tế VAC nói riêng trong nước cả về quy mô và chất lượng, cùng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đã tạo nhu cầu khách quan, tất yếu để cả người sản xuất và doanh nghiệp muốn tham gia vào Hội Làm vườn Việt Nam để tăng cơ hội hợp tác, liên kết giữa sản xuất và tiêu  thụ sản phẩm VAC. Đây cũng là điều kiện để Hội củng cố, phát triển tổ chức và hội viên cả về quy mô và chất lượng.

Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam thăm mô hình nhãn chín muộn của hội viên Hội Làm vườn và Nuôi ong Hưng Yên.

Sau Đại hội nhiệm kỳ VII (ngày 23/10/2020), Điều lệ Hội sửa đổi, bổ sung được Bộ Nội vụ phê duyệt; các quy định, quy chế của Hội được ban hành kịp thời, đồng bộ đã giúp cho hoạt động của Hội đi vào nề nếp, đúng Điều lệ và quy định pháp luật.

Từ Đại hội nhiệm kỳ VII đến nay,  Hội đã hoàn thành các nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao. Văn phòng Hội phối hợp với 6 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ và Hòa Bình triển khai Dự án Khuyến nông trung ương về cải tạo vườn tạp (2019- 2021). Kết quả,  trồng mới 50ha bưởi Diễn, 10ha lê VH6, 15ha nhãn chín sớm và ghép cải tạo 4,2ha nhãn chín muộn; 317 hộ tham gia là hộ nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Tổ chức 45 lớp tập huấn cho 1.196 học viên; 11 cuộc tham quan hội thảo với 440 người tham gia; in 2.530 cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật cải tạo vườn tạp.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình vườn mẫu VAC tại các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc” thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Năm 2021, dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, cải tạo ao hồ, trong năm 2021-2022, hàng nghìn hecta vườn tạp tiếp tục được hội viên cải tạo (Bắc Giang 380ha, Trà Vinh 1322ha, Hải Phòng 512ha, Phú Yên 14.000ha …). Đặc biệt, Hội Làm vườn Hà Giang là thành viên tích cực tham gia thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp của tỉnh với kết quả 2.467 hộ tham gia, 229ha vườn được cải tạo, 30,5 tỷ đồng vốn vay được giải ngân. Phong trào cải tạo ao, hồ để nuôi trồng thủy sản được nhiều địa phương triển khai hiệu quả (Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang nâng cấp cải tạo 748ha ao hồ; Hội Làm vườn Hải Phòng có 4.224ha ao, đầm được cải tạo...).

Theo thống kê chưa đầy đủ, 2 năm 2021-2022, các Hội thành viên đã chủ trì hoặc phối hợp xây dựng 1.300 mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn (VAC, VACR, VA, VC, AC…) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình làm vườn kết hợp du lịch: Hội Làm vườn Bà Rịa-Vũng Tàu duy trì 8 mô hình sản xuất VAC kết hợp du lịch nông nghiệp khá bền vững, hiệu quả; Hội Làm vườn và Trang trại TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại trên 100 vườn sinh thái đẹp đã được Sở cấp giấy chứng nhận qua 6 lần Hội thi. Hội Làm vườn Thái Nguyên có cách làm độc đáo là xây dựng mô hình cho hộ người khuyết tật, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hộ nghèo…

Phong trào xây dựng “ vườn kiểu mẫu” gắn với xây dựng NTM đã có nhiều dấu ấn đậm nét. Đơn cử như Hội Làm vườn tỉnh Hà Tĩnh, nơi khởi phát của phong trào với việc ban hành Bộ tiêu chí vườn mẫu đầu tiên, áp dụng thí điểm trong giai đoạn 2011-2015 . Đến nay, phong trào đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Giai đoạn 2021-2022, nhiều Hội thành viên đã tích cực triển khai phong trào xây dựng mô hình vườn mẫu: Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa xây dựng được 334 vườn mẫu, được tỉnh giao chủ trì và  tổ chức thành công Cuộc thi “vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu lần thứ nhất trên toàn tỉnh; Hội Làm vườn Nghệ An hỗ trợ xây dựng 33/92 vườn mẫu NTM cấp huyện trên toàn tỉnh, được tỉnh giao chịu trách nhiệm về chuyên môn cuộc thi “ Vườn chuẩn NTM đẹp tỉnh Nghệ An năm 2022” (tổ chức trao giải ngày 31/3/2023); Hội Làm vườn Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch, bước đầu lựa chọn 21 mô hình để đầu tư, hoàn thiện trong thời gian tới…

Ứng dụng công nghệ thông tin tạo bước đột phá trong hoạt động Hội. Tạp chí Kinh tế nông thôn đã qua vượt khó khăn, hoạt động khá tốt sau khi chuyển đổi; trang Web của Hội và của một số Hội viên cấp tỉnh có số người truy cập tăng lên; Hội tổ chức thành công 4 hội thảo, diễn đàn; các hội viên cấp tỉnh trực tiếp tổ chức 1.616 lớp và phối hợp tổ chức 1.548 lớp đào tạo, tập huấn cho hàng vạn hội viên, nông dân; tham gia cải tạo hàng nghìn hecta vườn tạp, xây dựng 1.300 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất…

Duy trì, phát triển quan hệ tốt với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục BVTV…), với 9 đơn vị trong Cụm thi đua lĩnh vực Kinh tế và một số Hội; quan tâm hơn công tác hợp tác quốc tế ( thành lập Ban, mở rộng hợp tác với AsiaDHRRA, thiết lập hợp tác với ICRRAF…) 

Phát triển VAC theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái

Phát triển nghề làm vườn và mô hình VAC theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ được Hội kỳ vọng. Hội sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, kết nạp hội viên mới, đặc biệt là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại…; tạo điều kiện, cơ hội để các hội viên doanh nghiệm tham gia đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động của Hội.

Phối hợp với các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các viện, trường, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức các diễn đàn, hội thảo ( trực tiếp, trực tuyến); phổ biến các chính sách, quy định, quy chuẩn,  tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật liên quan đến sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm làm vườn;  cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; vùng nuôi an toàn, chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...

Đồng thời, Hội sẽ tiếp tục đổi mới về  phương thức hoạt động Hội trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các Hội thành viên để tìm các giải pháp có kinh phí cho các hoạt động. Tiếp tục đẩy mạnh vận động, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, ao hồ theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn , nâng cao hiệu quả kinh tế vườn và VAC. Tổ chức các diễn đàn, tham quan mô hình, trao đổi, rút kinh nghiệm, thông qua Tạp chí Kinh tế nông thôn, Website của Hội, trực tuyến trên internet nhằm  tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế vườn.

Biên tập và phát hành các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), làm vườn hữu cơ, vườn đô thị, vườn sinh thái... làm tài liệu tập huấn cho cán bộ, hội viên; đồng thời đưa lên trang Web của Hội, Tạp chí Kinh tế nông thôn và các phương tiện truyền thông khác. Theo đó, hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa người làm vườn với HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiêu thụ; xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản phẩm nghề làm vườn.

“Thời gian tới, Hội sẽ tổng kết thực tiễn và nhân rộng phong trào xây dựng vườn kiểu mẫu (vườn mẫu , vườn chuẩn…) theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái với đa dạng loại hình (vườn nhà, vườn rừng, vườn đô thị, vườn 4.0, trang trại, các mô hình VAC, VC, VA…) nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao”, ông Thông nhấn mạnh.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top