Bắt nhịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0, ngành Nông nghiệp các địa phương đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trang trại ứng dụng công nghệ 4.0 chăn nuôi gà đẻ của gia đình anhBùi Văn Bình, xã Thanh Vân (Tam Dương) cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Thế Hùng)
Vĩnh Phúc: Đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường
Dù đã được lãnh đạo xã Phú Đa (Vĩnh Tường) giới thiệu từ trước, nhưng khi đến trang trại chăn nuôi gà của anh Lê Văn Đại chúng tôi vẫn bất ngờ, cảm giác nơi đây giống một khuôn viên cây xanh hơn là một gia trang chăn nuôi.
Xung quanh khu vực chăn nuôi là một không gian trong lành và yên tĩnh với nhiều cây xanh, cây ăn quả đan xen vươn cao góp phần xanh hóa và cải tạo môi trường; không khí cũng chẳng đậm đặc mùi chất thải như ở những trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn từng được biết đến.
Theo anh Đại, “khí hậu” trong chuồng nuôi được vận hành bằng cảm ứng nhiệt thông qua dàn điều hòa làm mát duy trì nhiệt độ chuồng gà khoảng 27 - 30 độ C - đây là điều kiện lý tưởng để đàn gà phát triển tối ưu nhất, cho sản lượng trứng cao.
Hệ thống cho gà ăn, nước uống phần lớn tự động, đảm bảo gà được ăn đúng giờ, đủ lượng thức ăn, tăng khả năng hấp thụ và chuyển hóa thức ăn; đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý bằng công nghệ sinh học.
Các thông số chăn nuôi tại chuồng trại đều được mã hoá, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh. Vì vậy, ở bất kỳ đâu, thời gian nào, tôi cũng nắm bắt tình hình chăn nuôi và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Anh Đại cho biết thêm: "Trước đây, diện tích gần 4ha trang trại chăn nuôi hiện nay là vùng trũng cấy 1 vụ lúa không ăn chắc. Năm 2020, thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng của địa phương, gia đình đã quy về một thửa và thuê ruộng của người dân xung quanh đầu tư 4 dãy chuồng trại chăn nuôi gà theo mô hình chuồng gà lạnh và khu nhà ở cho công nhân.
Để chuồng gà được thông thoáng, gia đình đã gắn bộ điều khiển nhiệt độ tự động trong chuồng nuôi, để tắt mở quạt hút và máy bơm nước giàn lạnh. Nhờ đó, chuồng trại luôn sạch thoáng, giúp ngăn chặn vi khuẩn và dịch bệnh. Với 80 nghìn gà đẻ, mỗi ngày cho sản lượng trứng 70 nghìn quả trứng, đạt tỷ lệ gần 90% gà đẻ.
Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Lê Văn Đại là 1 trong nhiều mô hình trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tư duy cách làm nông nghiệp để bắt nhịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0 và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để nông nghiệp Vĩnh Phúc cất cánh, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ người nông dân được tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; xây dựng các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tăng cường kết nối với thị trường thông qua các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trang thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 18 mô hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao; 8 vùng sản xuất rau an toàn thuộc Dự án QSEAP; có 23 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; 25 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
Riêng giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ VietGAP cho 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt. Qua đó đưa tốc độ tăng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng 3%/năm, vượt mục tiêu đề ra từ 1,5 - 2,0%/năm.
Riêng 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Phấn đấu đến năm 2045, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục xây dựng các chương trình ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp tuần hoàn phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số; phát triển khuyến nông điện tử, thương mại nông sản điện tử; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc hữu cho vùng, địa phương; hình thành liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Thanh Hóa: Trồng rau khí canh cho hiệu quả kinh tế vượt trội
Nhận thấy tính ưu việt, hiệu quả của mô hình trồng rau khí canh, ông Huỳnh Đức Hiếu ở phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) đã học hỏi, triển khai thực hiện. Sau gần nửa năm đi vào hoạt động, mô hình đã cho thu hoạch những lứa rau đầu tiên. Nhờ quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, an toàn, nên đã nhận được sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng, hứa hẹn khi được triển khai áp dụng quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Mô hình trồng rau khí canh của ông Huỳnh Đức Hiếu (TP Thanh Hóa) mở ra hướng sản xuất mới cho ngành nông nghiệp.
Với đam mê phát triển sản xuất nông nghiệp, từ nhiều năm nay ông Hiếu luôn tìm hiểu về những xu hướng, kỹ thuật nông nghiệp hiện đại. Sau khi tìm hiểu thông qua internet, ông biết đến mô hình trồng rau khí canh. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp mới, không sử dụng đất, nước, mà sử dụng thể chất dinh dưỡng ở dạng bụi phun sương để nuôi cây trồng. Ở Việt Nam, phương pháp sản xuất nông nghiệp áp dụng khí canh đã được triển khai, nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phố. Sau khi nhận thấy tính ưu việt của mô hình, ông đã khăn gói vào TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để học hỏi phương pháp sản xuất nông nghiệp hiện đại này.
Sau hơn 2 tháng miệt mài học hỏi ông đã hiểu hơn phương pháp sản xuất mới và quyết tâm triển khai mô hình trồng rau khí canh. Tháng 8/2023, ông bắt đầu thuê đất, nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty CP Đầu tư sản xuất rau sạch khí canh Việt Nam (VA Farm), đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện mô hình tại phường Tân Sơn. Bước đầu mô hình chỉ sản xuất thí nghiệm diện tích rộng hơn 300m2 với các đối tượng cây trồng như rau cải, xà lách, cần tây, su hào... Đồng thời, đang hướng tới sản xuất những dòng rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng cao như xà lách, cải kale, rau chân vịt, cải bó xôi...
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình, ông say sưa giới thiệu: "Vườn rau bao gồm 60 trụ đứng, mỗi trụ 48 hốc trồng giá thể, tương ứng với 48 cây/bụi rau. Các trụ rau hoạt động theo công nghệ tuần hoàn, nước tích trữ trong bồn được bơm lên hệ thống tưới tiêu để cung cấp dưỡng chất cho rau thông qua hệ thống phun sương gắn trên các trụ đứng. Quá trình phun sương được thực hiện trong vòng vài phút, hệ thống phun trực tiếp một lớp màn sương mỏng, giàu dinh dưỡng lên bộ phận rễ cây hoặc củ, đảm bảo cây trồng vừa có đủ thức ăn, vừa có đủ nước uống và luôn có không khí để hô hấp. Sau khi phun, lượng nước còn lại được bơm về bồn chứa để tái sử dụng, giúp tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất. Trồng rau theo mô hình này cây phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, năng suất cao hơn từ 40-50%. Cây rau không phải phun bất kỳ loại thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh nào nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Với những tính năng như trên, việc sản xuất rau khí canh giúp tiết kiệm tối đa nguồn nước, dưỡng chất so với những loại hình canh tác khác. Trong sản xuất khí canh, mỗi lứa rau kéo dài từ 25 - 30 ngày; mỗi trụ cho năng suất từ 7-10 kg sản phẩm nên sản lượng rau của vườn 300m2 này có thể đạt 4,2 đến 6 tạ rau/tháng, nếu áp dụng xen canh các loại rau ngắn ngày và dài ngày thì có thể sản xuất 10 - 12 lứa/năm.
Theo ông Hiếu, ban đầu nhiều người chưa hiểu, chưa phân biệt được nên nhầm lẫn giữa thủy canh - khí canh và nghĩ rằng phương pháp khí canh sẽ cho sản phẩm tương tự hoặc không bằng canh tác thủy canh, thổ canh. Song, qua thời gian sản xuất, quảng bá, nhiều người tiêu dùng đã đến tìm hiểu quy trình sản xuất, trực tiếp sử dụng sản phẩm rau khí canh đều cho nhận xét là rau ngọt đậm, giòn, thơm, ngon. Đồng thời, dần thay đổi thói quen sử dụng và tiếp nhận sản phẩm khí canh.
Thực tế cho thấy, khí canh là mô hình sản xuất mới, song lại có ưu thế phát triển trong tương lai bởi nhu cầu của con người ngày càng thay đổi, đó là ăn ngon, ăn sạch và chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Cùng với đó, mô hình sản xuất khí canh chi phí lắp đặt không quá cao (từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/trụ) và khá phù hợp với không gian sản xuất nhỏ hẹp, nên có thể ứng dụng sản xuất trong các hộ gia đình, công sở, trường học, bệnh viện... Nhiều hộ gia đình nhận thấy tính ưu việt của mô hình nên đã liên hệ, lắp đặt hệ thống khí canh quy mô nhỏ để sản xuất tại nhà.
Bắc Ninh: Nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân “đổi đời”
Xuân Lai là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của huyện Gia Bình. Trên những cánh đồng hôm nay không chỉ có lúa và hoa màu mà có cả những vườn cây ăn quả, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đưa lại giá trị kinh tế cao và cuộc sống ấm no, phát triển cho nhiều người dân.
Cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tư nhân Trịnh Chung (xã Xuân Lai) kiểm tra cây trồng trên diện tích chuyển đổi.
Xã Xuân Lai có diện tích đất canh tác hơn 765,6ha. Trước đây, trên diện tích này, người dân chủ yếu cấy lúa và trồng hoa màu, tuy nhiên nhiều khu ruộng trũng, ruộng cao hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, các thôn trong xã tích cực phát triển nghề truyền thống, mở mang nghề phụ… giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nên một số hộ chưa thực sự quan tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 21/5/2020 của BCH Đảng bộ huyện Gia Bình về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2020-2025, xã Xuân Lai đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch triển khai; tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp... Xã chỉ đạo các thôn, các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền về Nghị quyết; rà soát diện tích đất trũng, đất cấy lúa kém hiệu quả để tuyên truyền, vận động nhân dân giao hoặc cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hoa màu… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các thôn, HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường tập huấn các nội dung liên quan, tuyên truyền, vận động người dân hiểu mục đích, lợi nhuận của việc để cá nhân, doanh nghiệp vào thuê đất ruộng kém hiệu quả chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho xã; tranh thủ chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện về việc hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư...
Theo anh Trần Đức Việt, cán bộ địa chính, nông nghiệp, xây dựng, môi trường xã Xuân Lai thì: Từ chủ trương đúng cùng với sự ủng hộ tích cực của người dân, nhiều diện tích đất cấy lúa không ăn chắc đã được chuyển đổi sang các mô hình trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã đã chuyển được 72,3ha sang trồng cây ăn quả và là một trong các xã có diện tích chuyển đổi lớn nhất của huyện. Diện tích được chuyển đổi đã được các cá nhân, doanh nghiệp triển khai xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng cây ăn quả. Điển hình như doanh nghiệp tư nhân Trịnh Chung chuyển đổi được hàng chục ha sang trồng bưởi da xanh, hồng xiêm, nho… trong đó một số cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch. Bưởi da xanh Xuân Lai cũng được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Không chỉ góp phần nâng cao giá trị canh tác của đất nông nghiệp, những mô hình này còn giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động trong và ngoài xã.
Cũng theo anh Trần Đức Việt, từ nhiều năm nay, xã chủ trương tuyên truyền, vận động người dân dồn điền, đổi thửa để thuận tiện ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã hiện có 80ha đất nông nghiệp áp dụng mô hình “cánh đồng không bước chân”, thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch. Mô hình “cánh đồng không bước chân” đưa lại hiệu quả thiết thực, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, công lao động, khắc phục tính mùa vụ… nên đã được nông dân hưởng ứng.
Đất không phụ công người, những vườn bưởi, vườn nho… đến thời kỳ thu hoạch mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bưởi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai thì những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp được quan tâm góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện giảm còn 0,61%, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Các công trình phúc lợi xã hội được quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông được mở rộng đáp ứng tốt nhu cầu công tác của cán bộ và sinh hoạt của nhân dân.
Được sự quan tâm của các cấp, ngành, hiện thôn Xuân Lai đang tiến hành trải nhựa đường trục chính với chiều dài gần 5 km, kinh phí đầu tư khoảng 39 tỷ đồng. Trong thời gian tới sẽ tiến hành xây dựng một số công trình phúc lợi xã hội, trong đó có nhà văn hóa của 5 thôn. Xuân Lai đang nỗ lực để sớm trở thành xã Nông thôn mới nâng cao.
Đồng đất Xuân Lai đã đưa lại giá trị kinh tế cao để mỗi người dân ngày càng yêu ruộng, bám đồng, xây dựng cuộc sống ấm no, phát triển, cảm nhận được sự đổi thay tích cực của xã Anh hùng LLVT nhân dân và cả những niềm vui, sự phấn chấn của mỗi người dân vì quê hương đang từng ngày vươn lên giàu mạnh, văn minh./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.