Lấy việc phát triển kinh tế VAC làm nội dung hoạt động chính, Hội Làm vườn Đồng Tháp đã phát triển mô hình kinh tế hợp tác (Hội quán, THT, HTX), thực hiện việc kết nối với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hội trở thành “cánh tay nối dài” của ngành Nông nghiệp trong việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn tại địa phương.
Phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch
Các vườn quýt hồng ở huyện Lai Vung bắt đầu vào vụ thu hoạch. Những vườn quýt chuyển từ màu xanh sang màu vàng, quả bóng, đẹp. Một số nhà vườn đã đầu tư thêm cơ sở vật chất, đón khách vào tham quan, chụp ảnh, kết hợp phục vụ ăn uống, dã ngoại, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần quảng bá đặc sản quýt Lai Vung đến với du khách gần xa.
Với khu vườn rộng hơn 1,4ha, trồng chủ yếu quýt hồng, năm nay là năm thứ 4 vườn quýt hồng Hưng Phát (xã Hòa Thành, huyện Lai Vung) mở cửa đón khách tham quan.
Chủ vườn áp dụng biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng phân, thuốc hóa học nên cây phát triển tốt, năng suất tăng cao hơn so với năm 2021.
Theo chị Lê Thúy Hằng, quản lý Điểm tham quan vườn quýt hồng Hưng Phát, vườn quýt hồng cho nhiều trái, trái đồng đều, có màu sắc bóng đẹp nên mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 10/12/2022.
Điểm tham quan vườn quýt hồng Hưng Phát có phục vụ nhiều món ăn từ quýt như cá lóc sốt quýt hồng, gà nấu quýt, nước ép quýt, rượu quýt…
Điểm tham quan vườn cây ăn quả Linh Trang (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) của gia đình anh Đào Nhựt Linh vừa khai trương ngày 12/12/2022.
Anh Đào Nhựt Linh cho biết, anh trồng nhiều loại cây ăn quả có múi như quýt hồng, quýt đường, cam sành và bưởi da xanh trong khu vườn rộng 2ha. Vườn cây ăn quả của anh xanh tốt, trái to, sản lượng và chất lượng quả đều tốt.
Hiện tại, quýt hồng, quýt đường đang sai quả, màu sắc đẹp. Để tăng thu nhập cho gia đình và quảng bá hình ảnh quýt hồng Lai Vung, anh đầu tư xây dựng nhà chờ, lối đi, tiểu cảnh… và năm nay, lần đầu tiên vườn cây ăn quả của gia đình đón du khách.
Huyện Lai Vung có 8 điểm tham quan vườn quýt hồng ở các xã Long Hậu, Tân Thành, Hòa Thành và Vĩnh Thới, tổng diện tích hơn 8ha. Với mỗi vé vào cổng có giá 50.000 đồng đối với người lớn, 30.000 đồng đối với trẻ em, du khách được thưởng thức quýt hồng, tham quan, chụp ảnh trong vườn quýt, trải nghiệm chèo xuồng, đi cầu khỉ, được phục vụ những món ăn đặc sản miền Tây…
Nhiều nhà vườn đầu tư các tiểu cảnh để du khách có những bức ảnh đẹp; bố trí khu vực cho khách du lịch tự tay hái những quả quýt hồng mang về làm quà cho người thân. Thời gian hoạt động của các điểm tham quan này là từ nay đến cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Huyện Lai Vung được mệnh danh là xứ sở quýt hồng bởi thời hoàng kim, nơi đây có hơn 1.000ha trồng quýt hồng. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh vàng lá, thối rễ tấn công gây hại đã làm thiệt hại lớn những vườn đang cho trái, làm giảm diện tích trồng loại cây đặc sản này. Toàn huyện hiện còn gần 300ha canh tác cây quýt hồng.
Đưa nông sản chủ lực lên sàn điện tử
Chủ tịch Hội Làm vườn Đồng Tháp - ông Lê Văn Tâm cho biết, thời gian qua, Hội đã tiến hành nhiều hoạt động đưa nông sản chủ lực địa phương lên các sàn giao dịch điện tử trong, ngoài tỉnh và ngoài nước, để thực hiện kết nối tiêu thụ. Phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản (trái cây) cho bà con nông dân ở các Hội quán, THT, HTX được 120 tấn trái cây các loại và 150 tấn khoai lang.
Du khách trải nghiệm bơi xuồng trong vườn quýt Linh Trang (xã Long Hậu, huyện Lai Vung).
Xây dựng mã số vùng trồng 300ha trên các loại cây ăn trái chủ lực (xoài, nhãn, cam quýt...) gắn kết doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm cho hội viên.
Thực hiện Kế hoạch Khuyến nông Trung ương năm 2022, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ với chủ đề : “Ứng dụng Khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu nội tiêu và xuất khẩu”, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu. Hội đã xây dựng mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh có nguồn gốc từ thảo mộc trên các loại cây trồng - vật nuôi chính của tỉnh (xoài, nhãn, cam quýt, rau màu, lúa, tôm).
Đồng thời, Hội đã liên kết với các viện, trường, doanh nghiệp làm dịch vụ nông nghiệp như tư vấn, cung ứng vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào, cây - con giống, kết nối tiêu thụ nông sản. Theo đó, Hội tổ chức 3 cuộc Tọa đàm/300 hội viên về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (Tư vấn, thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước, thiết bị bay phun thuốc, bón phân...), hướng dẫn hội viên phát triển sản xuất hiệu quả và đạt chất lượng cao.
Xây dựng mã số vùng trồng
Trên cơ sở kết quả đạt được, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp - Lê Văn Tâm cho biết, năm 2023, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, cử người tham gia, đồng hành, ghi nhận, chia sẻ về phát triển kinh tế vườn ở các Hội quán nông nghiệp trong tỉnh. Đồng thời, phối kết hợp cùng Trung tâm DVNN Nước sạch nông thôn, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, triển khai chương trình tọa đàm các vấn đề sản xuất nông nghiệp ở các Hội quán, xây dựng mã số vùng trồng trên cây ăn trái.
Cùng với Hội Làm vườn cấp cơ sở phối kết hợp với ngành chuyên môn, doanh nghiệp, các viện, trường tổ chức huấn luyện 05 - 10 lớp về kết nối doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ trái cây cho hội viên.
Tiếp tục cùng với Hội Làm vườn Việt Nam - Chi nhánh phía Nam, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tỉnh, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh tư vấn, huấn luyện cho nhà vườn ở các hội quán, tổ hợp tác, HTX về xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất trái cây theo hướng an toàn,, VietGAP, GlobalGAP, hạ giá thành, kết hợp chế biến, du lịch sinh thái vườn, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Tâm cũng đề xuất tỉnh Đồng Tháp có chủ trương củng cố lại tổ chức các hội xã hội nghề nghiệp và tạo điều kiện cho các hội hoạt động, thông qua việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao theo cơ chế đặt hàng. Đồng thời, các hội cũng tranh thủ các chương trình, dự án, đề án của Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ngoài nước được viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ cho hoạt động Hội.
“Hội Làm vườn Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hội làm vườn Đồng Tháp được tiếp cận và phối hợp tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC. Thông qua đó để củng cố tổ chức Hội ở các cấp cơ sở”, ông Tâm bày tỏ mong muốn.
Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp hiện có 19.000 hội viên cá nhân. 7 Hội cấp quận/huyện; 95 Hội/chi hội cấp xã; 79 Hội/chi hội cấp thôn, bản. Có 12 hội viên là doanh nghiệp; 29 hội viên là HTX, tổ hợp tác; 09 hội viên là trang trại; 98 Câu lạc bộ, hội quán… Năm 2023, Hội phấn đấu phát triển mới thêm 80 - 100 hội viên. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.