Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 7 năm 2024 | 21:14

Phát triển nông nghiệp xanh hướng đến những giá trị xanh

Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Việc thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh đang là xu thế tất yếu của nông dân.

Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Trọng Tùng)

Hà Nội: Phát triển nông nghiệp xanh, an toàn bền vững

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như phù hợp với xu thế phát triển, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã định hướng cho nông dân tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn và thân thiện với môi trường.

Từ đây, nhiều mô hình nông nghiệp xanh đã ra đời không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, hướng tới xuất khẩu, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nuôi giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hay cho lợn nghe nhạc tưởng chừng như rất lạ lẫm, nhưng đã hiện hữu tại trang trại của bà Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn). Với cách làm này, mỗi tháng trang trại cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn giun giống, 1 tạ giun khô và 4 tấn thịt lợn, đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Đặc biệt, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học, không gây ô nhiễm môi trường.

Tại vùng đất ven sông Đáy, mô hình trồng nho hạ đen của ông Nguyễn Văn Mỡ ở xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm, mà còn cho giá trị kinh tế cao. Toàn bộ quy trình trồng nho hạ đen của nhà ông đều tuân thủ các quy định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, để nho sinh trưởng, phát triển tốt và không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vườn nho được thiết kế đưa công nghệ cao vào sản xuất, như: Nước tưới chủ động theo kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước; nhiệt độ, ánh sáng cũng được chủ động điều tiết. Với diện tích 1.500m2, 600 gốc nho, một năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ cung cấp cho thị trường từ 15 đến 20 tấn, tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng/vụ.

Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh an toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã triển khai 18 mô hình khuyến nông (10 mô hình trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình thủy sản). Các mô hình này chủ yếu là phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường… Nhìn chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân đã chủ động trong việc nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững thông qua các biện pháp canh tác cải tiến, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng cách); giảm lượng phân bón vô cơ...

Nông nghiệp xanh ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vẫn còn khó khăn như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Việc lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác, như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… còn nhiều hạn chế.

Để nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả an toàn Hồng Hà (huyện Phú Xuyên) Đồng Thị Vinh, các ngành chức năng cần bố trí nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm để hỗ trợ hợp tác xã sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh. Cùng với đó, hướng dẫn hợp tác xã đăng ký quy trình, hoàn thiện nhãn mác, bao bì và tem truy xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản; xây dựng, triển khai sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, hợp tác xã với người tiêu dùng.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, để phát triển nông nghiệp xanh, an toàn bền vững, huyện tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã, người dân về các quy trình sản xuất an toàn, nhất là cách chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh trên cây trồng, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhằm hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh cho vật nuôi, hướng tới sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản..., tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất nông sản chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho rằng, việc thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh đang là xu thế tất yếu của nông dân. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung thực hiện cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và chuyển đổi số trong nông nghiệp; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất; tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn là xu hướng tất yếu, song việc chuyển đổi sản xuất cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thanh Hóa: Giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc dịch chuyển này cũng để lại những tác động không nhỏ tới môi trường, nhất là chất thải nhựa đã và đang trở thành thách thức lớn trong quá trình sản xuất nông nghiệp.Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt gần 400.000ha cây trồng các loại. Đi cùng với đó là rác thải nhựa phát sinh gồm các loại chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), túi bọc quả... mỗi năm bình quân lên tới hơn 600 tấn. Trên các cánh đồng sản xuất, các địa phương đã tích cực xây dựng và triển khai mô hình bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV nhưng vẫn còn tình trạng người dân vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, bờ ruộng... Lượng rác được thu gom và xử lý chiếm tỷ lệ thấp so với lượng rác xả thải ra và tồn đọng trên đồng ruộng.

Thay vì lắp vòm che nilon, người dân xã Xuân Du (Như Thanh) đã đầu tư lưới che để sử dụng lâu dài.

Vùng sản xuất rau màu tập trung tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) được xem là một trong những “vựa rau” lớn của tỉnh với diện tích khoảng 28ha. Trong quá trình sản xuất, đối với một số loại cây trồng, người dân đã sử dụng nilon che phủ để giúp cây trồng duy trì được độ ẩm, làm tăng nhiệt độ đất, giúp cây trồng sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao hơn. Mặt khác, người dân dùng nilon để che phủ trên khung vòm để hạn chế tác động của thời tiết, sâu bệnh... Một vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã không còn sử dụng phương pháp này nữa bởi những màng phủ nilon giá rẻ chỉ sử dụng được một vụ, sau đó bị rách nên phải vứt bỏ và đốt, khói bay vào khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa, số nilon thu gom không hết trôi theo dòng nước làm tắc hệ thống thoát nước.

Anh Trịnh Văn Phương, một trong những hộ dân có diện tích sản xuất rau an toàn lớn cho biết: “Sau khi được HTX tuyên truyền về tác hại của khói đốt nilon đối với môi trường, tôi đã nghiên cứu và sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu để phủ mặt luống thay thế cho phủ bằng nilon để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho cây, cải tạo đất. Đồng thời, xây dựng bể chứa vỏ thuốc BVTV cũng như thu gom chất thải nhựa trong quá trình sản xuất để tập kết đến nơi quy định”.

Để giảm thiểu việc sử dụng nilon trong quá trình sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân xã Hà Long (Hà Trung) đã tuyên truyền cho người dân sử dụng loại nilon có độ bền tốt, có thể sử dụng từ 2 - 3 năm mới cần thay thế. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ của UBND xã, hội nông dân xã đã xây dựng khoảng 250 bể chứa rác thải trên các cánh đồng, đặt ở những vị trí xa nguồn nước, thuận lợi cho bà con nông dân khi sử dụng thuốc BTTV và thu gom vỏ thuốc mà không ảnh hưởng tới môi trường ở khu vực lân cận. Hàng tháng giao cho các tổ thu gom, vận chuyển về bãi rác tập trung của xã. Anh Trần Văn Phương, hộ dân có diện tích trồng cây ăn quả lớn cho biết: “Đối với các loại cây ăn quả như ổi, cam, để tránh tác hại của gió, côn trùng, sâu bệnh... trước đây tôi phải sử dụng các loại túi nilon hoặc xốp để bọc quả, khi rách sẽ được đốt hoặc chôn. Tuy nhiên, sau khi được xã tuyên truyền về tác hại khi tiêu hủy nilon không đúng cách, gia đình tôi đã thay thế túi nilon bằng túi vải không dệt có thể tái sử dụng nhiều lần. Mặt khác, từ khi được hội nông dân xã tuyên truyền và lắp đặt bồn chứa tại các cánh đồng, tôi và người dân trong xã đã nâng cao ý thức, hình thành thói quen bỏ vỏ, chai lọ thuốc BTTV sau sử dụng vào đúng nơi quy định, góp phần giữ sạch môi trường trên đồng ruộng”.

Hiện nay, để giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã mở các lớp tập huấn, triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp - IPM, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn cho người dân. Toàn tỉnh đã xây dựng 25.000 bể chứa tại các cánh đồng; các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hại của các loại rác thải nông nghiệp đối với môi trường và con người và tổ chức thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, vỏ vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm. Cùng với đó là hướng dẫn người dân phân loại, tập kết đúng nơi quy định, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và góp phần bảo vệ môi trường sống được trong lành...

Bắc Ninh: Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một nội dung quan trọng trong lộ trình hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn. Đây cũng là vấn đề có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đặc biệt coi trọng.

Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh tham quan một mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Gia Bình.

Hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Như Mừng ở Thị Thôn, xã Hán Quảng, thị xã Quế Võ hiện duy trì 27 chuồng nuôi cá lồng trên sông Đuống. Anh Trương Văn Tài, đại diện hộ kinh doanh cho biết, nhờ được thụ hưởng nhiều đợt hỗ trợ về lồng, con giống, thức ăn của tỉnh mà mô hình có lãi suất đều đặn từ 10-15 triệu đồng/năm. “Tham gia mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, chúng tôi được tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ về giống, thức ăn. Hiện nay, mô hình chủ yếu nuôi cá lăng đen (cá nheo Mỹ), sử dụng thức ăn của đơn vị cung cấp được kiểm nghiệm, ký kết hợp đồng với thương lái để bảo đảm đầu ra, bình quân từ một tháng đến tháng rưỡi xuất một chuồng” - anh Tài cho biết.

Đây là một trong 3 mô hình điểm sản xuất ban đầu an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh triển khai trong giai đoạn 2020-2022. Hai mô hình còn lại là mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình) với diện tích 2,5ha và mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAPH theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đối với hộ ông Đào Viết Tiến (xã Phù Lương, thị xã Quế Võ).

Quản lý ATTP được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó quản lý ATTP theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu cho đến người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm chất lượng, ATTP. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích đất nông nghiệp giảm, song giá trị sản xuất theo giá thực tế liên tục tăng.

Cuối năm 2020, Đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ban hành và các sở, ngành tích cực triển khai trong bối cảnh việc xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn chậm, các sản phẩm thực phẩm của chuỗi chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ sản lượng tiêu thụ thực phẩm hằng năm của người dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm để truy suất nguồn gốc thực phẩm chưa được ứng dụng rộng rãi, sản lượng thực phẩm an toàn, đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm của các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tiêu thụ qua các hệ thống phân phối và kinh doanh còn hạn chế do chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và đa dạng sản phẩm.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm đến sản xuất thực phẩm an toàn. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao…

Nhận thức rõ điều đó, Ban Quản lý ATTP tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản thực hiện việc xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đến nay, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã xác nhận được 97 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn về: Rau, củ, quả, thịt lợn, trứng, thủy, hải sản… cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn cũng góp phần giúp cho cơ quan quản lý ATTP quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất thực phẩm, cung ứng suất ăn... Thực tế tại một số doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn như: Công ty Chế biến thực phẩm Dabaco; Công ty TNHH Việt Farm chi nhánh miền Bắc, Công ty TNHH Hương Việt Sinh,… nhận thấy việc xây dựng chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn thực phẩm an toàn, kiểm soát được chất lượng.

Để bảo đảm ATTP từ trang trại tới bàn ăn, cần thực hiện tốt tất cả các khâu, bắt đầu từ nuôi trồng, sơ chế, kinh doanh cho đến chế biến thực phẩm. Các biện pháp bảo đảm ATTP như: Hướng dẫn, cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, ký cam kết bảo đảm ATTP, kiểm tra, giám sát… cần được thực hiện đồng bộ. Để tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi bảo đảm ATTP, cần triển khai giải pháp về quản lý ở các cấp, giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật, đầu tư và hỗ trợ sản xuất cũng như xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm./.

 

 

Thanh Tâm (t/h theo hanoimoi.vn, baothanhhoa.vn, baobacninh.com.vn...)
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm giống

    Cà Mau tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm tra chất lượng tôm giống

    Những năm qua, ngành Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn Cà Mau cùng các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình nuôi tôm đạt năng suất, sản lượng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

  • Đảm bảo ngành Trồng trọt vùng ĐBSCL phát triển bền vững

    Đảm bảo ngành Trồng trọt vùng ĐBSCL phát triển bền vững

    Mặc dù là vựa lúa, vùng trồng trái cây lớn của cả nước, nhưng vùng ĐBSCL cũng đang tồn tại, đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng vật tư đầu vào chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường… Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra để khắc phục trong thời gian tới.

  • Trà Vinh: Nuôi tôm thâm canh cho lợi nhuận cao gấp từ 7-10 lần

    Trà Vinh: Nuôi tôm thâm canh cho lợi nhuận cao gấp từ 7-10 lần

    Nhờ kỹ thuật bố trí ao nuôi có lót bạt đáy và thành ao, có nhà lưới bao che, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy, có máy cho thức ăn tự động nên hạn chế thấp nhất mầm bệnh từ trong đất gây nhiễm cho tôm.

Top