Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, gia đình anh Đoàn Văn Giáp ở thị trấn Phú Thiện (Phú Thiện - Gia Lai) đã đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu các sản phẩm dược liệu sấy khô, tạo đầu ra ổn định, góp phần đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Anh Giáp cho biết, những loài cây dược liệu như đu đủ, khổ qua (mướp đắng), sâm bố chính… là món ăn, thức uống phổ biến của người dân trong vùng bởi có nhiều dược tính tốt cho sức khỏe, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể. Năm 2018, anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hường mở cơ sở thu mua sản phẩm dược liệu tại thôn Thắng Lợi 2 (xã Ia Sol).
Theo anh Giáp, hoa đu đủ đực, khổ qua rừng, sâm bố chính đều là những dược liệu tự nhiên, do người dân thu hái từ rừng về hay tự trồng trong vườn nhà mà không sử dụng bất cứ loại phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật nào nên dược tính tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sau 1 năm thu mua, anh nhận thấy các sản phẩm khi bán tươi có hạn chế như không bảo quản được lâu, tốn chi phí vận chuyển. Khi mua về sử dụng, người dùng phải rửa sạch, dùng ấm sắc thuốc nấu mất khá nhiều thời gian. Sản phẩm không có bao bì, nhãn mác khiến nhiều người tiêu dùng ít nhiều e ngại.
Hệ thống lò sấy do anh Đoàn Văn Giáp tự thiết kế với lượng nhiệt vừa đủ, giúp giữ được dược tính và hương vị đặc trưng của sản phẩm. Ảnh: Vũ Chi
Anh Giáp cho hay: Trung bình khoảng 7 kg sâm bố chính tươi chế biến được 1 kg sấy khô; 9-10 kg hoa đu đủ đực và khổ qua rừng tươi chế biến được 1 kg sấy khô. Thời gian sấy kéo dài 14-20 giờ/lượt với lượng nhiệt duy trì mức 50-60 độ C, sản phẩm được cô đặc từ từ, không bị mất đi dược tính và giữ được mùi vị đặc trưng. Thời gian sử dụng có thể kéo dài hơn 1 năm, thuận tiện cho người sử dụng.
“Hiện, mỗi tháng, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 300 kg hoa đu đủ đực, 200 kg sâm bố chính và 100 kg khổ qua rừng sấy khô. Với giá bán 320 ngàn đồng/kg hoa đu đủ đực, 180 ngàn đồng/kg khổ qua và 500 ngàn đồng/kg sâm bố chính sấy khô, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình lãi trên 150 triệu đồng”, anh Giáp chia sẻ.
Cũng theo anh Giáp, nếu như sản phẩm sâm bố chính và khổ qua rừng đảm bảo nguồn nguyên liệu đều đặn quanh năm thì hoa đu đủ đực chỉ có từ tháng 6 đến tháng 10. Mùa khô, hoa đu đủ đực rất hiếm nên giá sản phẩm sấy khô cũng tăng lên mức 500-600 ngàn đồng/kg. Do cung không đủ cầu nên sản phẩm của cơ sở ra lò bao nhiêu là xuất bán bấy nhiêu, chủ yếu tại các tỉnh, thành như: Kon Tum, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…
Nhằm đánh giá sự thích nghi của thổ nhưỡng và khí hậu địa phương với một số cây dược liệu, anh Giáp sử dụng 3.000m2 đất vườn của gia đình để thử nghiệm. Từ hiệu quả mô hình trồng cây đu đủ đực, khổ qua rừng mang lại, nhiều người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số học tập làm theo, đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững và tạo điều kiện để cơ sở mở rộng sản xuất. Năm 2023, anh Giáp đăng ký sản phẩm của cơ sở tham gia Chương trình OCOP.
Mô hình trồng cây dược liệu của HTX Nông nghiệp Dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai, huyện Kbang) phát triển tốt. Ảnh: Minh Nguyễn
Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: Năm 2023, huyện có 15 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Bên cạnh một số sản phẩm truyền thống như lúa gạo, năm nay xuất hiện nhiều sản phẩm mới, trong đó có sản phẩm dược liệu sấy khô. Huyện cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cũng như làm cầu nối trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện do tỉnh, huyện tổ chức, qua đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng cũng như mở ra hướng đi mới cho địa phương.
Hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý ở miền núi Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Thông tư quy định rõ về nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Cụ thể, chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý gồm: Chi mua sắm trang-thiết bị duy trì hoạt động thường xuyên trong hàng rào dự án. Mức hỗ trợ theo Quyết định của cấp có thẩm quyền trong phạm vi dự toán được giao, đảm bảo theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ: Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người lao động, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng/người lao động. Hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh: Hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức tối đa 50% tổng kinh phí của hoạt động và không quá 1 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng: Mức hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ/kết quả nghiên cứu. Hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, tối đa không quá 150 triệu đồng/dự án. Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm. Mức hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 126 triệu đồng/ha. Đối với các dự án trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ 1 lần tối đa 80% chi phí sản xuất giống gốc, và 50% chi phí sản xuất giống thương phẩm. Theo Thông tư, hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với các nội dung sau: Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 5 khóa/mô hình; Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 5 hợp đồng/mô hình; Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.