Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 10 năm 2023 | 10:33

Phú Yên gỡ “nút thắt” thiếu biên chế giáo viên

Bước vào năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Phú Yên gặp không ít khó khăn khi thiếu gần 1.000 giáo viên. Lãnh đạo địa phương đang tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Bỏ trống phòng, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp thấp

Báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên cho biết,  năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh này có 108 trường mầm non với 870 lớp học, gồm 24.522 trẻ em trong độ tuổi; 104 trường tiểu học với 2.789 lớp học, gồm 75.782 học sinh; 103 trường trung học cơ sở với 1.611 lớp học, gồm 57.703 học sinh và 32 trường trung học phổ thông với 731 lớp học, gồm 30.365 học sinh.

Theo kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2023-2024 ở Phú Yên, trong tổng số 2.230 người làm việc và hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ của cấp học mầm non có 1.895 giáo viên; 4.877 người của cấp tiểu học có 4.146 giáo viên; 4.012 người của cấp trung học cơ sở có 3.160 giáo viên và 1.997 người của cấp trung học phổ thông có 1.777 giáo viên. Do số lượng viên chức giảng dạy, làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập ở Phú Yên không đáp ứng yêu cầu thực tế, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo, kiến nghị Bộ Nội vụ bổ sung 946 biên chế viên chức cho ngành Giáo dục tỉnh. Trong đó, bậc mầm non 474 người, bậc tiểu học 235 người, bậc trung học cơ sở 149 người và bậc trung học phổ thông 73 người.

Hiện nay, cả bốn cấp học Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn đều thiếu giáo viên. Trong đó, cấp mầm non thiếu nhiều nhất.

Trước thực trạng đó, từ đầu năm học mới này, ngành Giáo dục tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tránh tình trạng có trường, lớp nhưng không có giáo viên. Mặc dù vậy, các địa phương vẫn gặp không ít khó khăn vì thiếu giáo viên đứng lớp.

Huyện Phú Hoà là một trong những địa phương thiếu giáo viên ở các cấp học tương đối cao. Cụ thể, cấp mầm non, tiểu học và THCS thiếu 90 giáo viên, trong khi năm nay sẽ có 28 giáo viên đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Võ Thượng Phùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Phú Hoà (huyện Phú Hoà), cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường có 23 lớp (giảm 3 lớp so với năm trước) do thiếu giáo viên. Bởi những năm gần đây, trường không được bổ sung biên chế, cộng với số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu hàng năm khiến cho tình trạng thiếu giáo viên tăng theo từng năm. Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường đành phải tăng số lượng học sinh trên lớp (theo quy định một lớp học không quá 35 học sinh), nên nhiều lớp có số học sinh vượt quá quy định. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, giáo viên vất vả hơn mà còn khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Như hiện tại, khối lớp 2 tăng lên bình quân 38,2 học sinh/lớp, khối lớp 4 bình quân 36,8 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, khi thực hiện chương trình mới (dạy 2 buổi/ngày), tình trạng thiếu giáo viên càng tăng.

Hiện nay, cả bốn cấp học, gồm: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn đều thiếu giáo viên.

Theo ông Đặng Trần Trung Đông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Hoà, trong năm học này, đối với cấp học mầm non, địa phương có 115 phòng học có thể huy động trẻ các độ tuổi ra lớp với số lượng 115 nhóm lớp, cần có 273 biên chế. Tuy nhiên, huyện chỉ được giao 161 biên chế, còn thiếu 112 biên chế so với quy định. Với số biên chế hiện có, địa phương chỉ huy động được 65 lớp, trước mắt ngành sẽ ưu tiên huy động 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi (52 lớp) và 13 lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi ra lớp. Như vậy, còn 50 phòng học chưa được đưa vào sử dụng.

“Trong thời gian chờ tuyển dụng giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện tạm thời hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập để đáp ứng giáo viên giảng dạy”, ông Đông cho biết thêm.

Tháo gỡ khó khăn trước mắt

Thiếu giáo viên đang là vấn đề nan giải của các địa phương ở tỉnh Phú Yên. Ngoài khó tuyển dụng, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó có việc tăng quy mô học sinh. Còn một nguyên nhân khác là ngành Giáo dục cũng như các ngành khác đang phải bảo đảm tinh giản 10% biên chế theo lộ trình quy định. Thế là biên chế giáo viên vốn đã thiếu, giờ lại càng thiếu hơn.

Trước tình hình thiếu giáo viên trầm trọng, từ tháng 5/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất bổ sung hơn 1.500 biên chế giáo viên ở các cấp học. Ở bậc học mầm non, vì thiếu biên chế giáo viên, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp những năm qua của tỉnh Phú Yên đạt rất thấp. Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã đề xuất bổ sung 634 biên chế giáo viên mầm non.

Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cho biết, việc thiếu nhiều giáo viên là do thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế theo lộ trình. Phú Yên là một trong những tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo 3 - 4 tuổi ra lớp những năm qua thấp nhất cả nước vì không có biên chế giáo viên. Điều này đang gây ra nhiều khó khăn cho ngành Giáo dục tỉnh.

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã phối hợp với các địa phương triển khai rất nhiều giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” về việc thiếu giáo viên. Một trong số đó là đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, sáp nhập các trường quy mô nhỏ trên cùng địa bàn để giảm biên chế cán bộ quản lý, nhân viên trường học; nâng sĩ số học sinh/lớp, bảo đảm giáo viên dạy đủ số tiết dạy/tuần ở từng bậc học.

Để đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy và căn cứ báo cáo nhu cầu từ các địa phương, UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ về nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung 946 biên chế viên chức (mầm non 474 biên chế, tiểu học 235 biên chế, THCS 164 biên chế và THPT 73 biên chế).

Năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã tổ chức đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên và đại diện cha mẹ học sinh ở các địa phương, kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Thông qua các cuộc đối thoại, Sở nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của giáo viên; đồng thời cũng để địa phương biết được tình hình giáo dục trên địa bàn để phối hợp với Sở hỗ trợ về chính sách, chuyên môn, cơ sở vật chất… Từ đó tìm ra giải pháp cũng như đề xuất tháo gỡ khó khăn lên cấp trên.

 

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top