Bằng nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới và khuyến nông, căn cứ kết quả đề tài khoa học công nghệ của Trung tâm Giống nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp.
Với kỹ thuật nuôi mới, việc chăm sóc lươn dễ dàng hơn, môi trường nuôi sạch sẽ, không có mùi hôi nên mô hình thu hút nhiều hộ dân trên địa bàn đăng ký tham gia.
Tăng thu nhập
Đến thăm mô hình của ông Nguyễn Thanh Việt ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), chúng tôi thấy nhiều bể được xây san sát. Xung quanh bể được rào chắn cẩn thận, đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Bên trong các bể lát gạch men trắng là nhung nhúc những con lươn dưới các tấm giá thể làm bằng sợi dây nylon màu đen.
Những sợi nilon màu đen bỏ dưới bể để lươn trú ẩn.
Ông Việt cho biết, gia đình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn với diện tích 200m2, cộng với việc trước đây ông đã thấy và tìm hiểu cách nuôi này ở miền Tây nên nhanh chóng triển khai với 12.000 con lươn giống, mật độ 60 con/m2. Ông xây bể diện tích 10m2, ốp gạch men xung quanh, mực nước duy trì 15-20cm để tạo môi trường sống thuận lợi cho lươn.
Theo ông Việt, nuôi lươn không bùn có độ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 2%. Nhưng để đạt được tỷ lệ này, người nuôi phải giữ môi trường sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay kháng sinh. Hàng ngày phải thay nước sạch và chà bể vệ sinh 2 lần theo đúng khung giờ buổi sáng - chiều để đảm bảo môi trường sạch sẽ. Sau 30 phút thay nước, khi lươn đã ổn định thì mới cho vật nuôi ăn thức ăn để tránh bị sốc và chỉ việc đưa thức ăn xuống bể cân đối theo trọng lượng, mật độ, độ tuổi của lươn. Quá trình nuôi cần bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, đặc biệt là vitamin C, giúp lươn tăng trọng nhanh, khỏe, chống chịu bệnh tật… Ngoài kỹ thuật nuôi do cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông TX. Đông Hòa hướng dẫn, ông Việt còn thường xuyên tắm cho lươn nuôi bằng nước muối pha loãng hoặc chất sát khuẩn iodine định kỳ 3 lần/tháng để phòng bệnh, thường xuyên thay và giặt chùm dây nylon trong bể nuôi…
Mô hình nuôi lươn không bùn tại huyện Tây Hoà.
“Sau 10 tháng nuôi, lươn phát triển khá tốt, tỉ lệ sống khoảng 83%, thu hoạch hơn 3 tấn lươn thịt, với giá lươn thịt thời điểm xuất bán 120.000 đồng/kg, tổng thu hơn 370 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 73 triệu đồng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm khá ổn định. Vì vậy, gia đình dự định tăng số lượng thả giống cho vụ sản xuất tới”, ông Việt nói.
Gia đình ông Lê Văn Sở ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hoà) là một trong những hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên hỗ trợ 5.700 con lươn giống để nuôi thí điểm với diện tích 95m2. Ông Sở cho biết, thời gian qua, nhiều hộ nuôi lươn ở địa phương không thành công. Nguyên nhân là các hộ không nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi. Cùng đó là những hạn chế do mua con giống không rõ nguồn gốc nên tỷ lệ sống đạt không cao, chi phí đầu tư lớn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
“Gia đình tôi sử dụng lươn giống có nguồn gốc đảm bảo, lại nuôi theo đúng kỹ thuật được cơ quan khuyến nông hướng dẫn nên lươn phát triển tốt. Hiện, gia đình chuẩn bị xuất bán đợt đầu tiên. Sau thành công bước đầu, tôi sẽ phấn đấu xây dựng lươn thương phẩm của mình thành sản phẩm OCOP của xã và liên kết, hợp tác với các hội, đoàn thể phát triển phong trào nuôi lươn, thu mua sản phẩm cho người dân, giúp lao động nông thôn có thu nhập ổn định…”, ông Sở chia sẻ.
Nhân rộng mô hình
Nghề nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn khá mới mẻ. Trước đây, chỉ vài hộ nuôi thí điểm ở huyện Phú Hòa. Bà con phải vào miền Nam đặt mua con giống, chủ yếu nuôi lươn có bùn và cho ăn cá tạp xay nhỏ, rất khó quản lý trong quá trình nuôi.
“Nắm bắt được nhu cầu của nhiều nông dân trong tỉnh, từ năm 2020-2023, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn cho 18 hộ tham gia, với tổng diện tích 766m2. Tham gia mô hình, người nuôi được trung tâm hỗ trợ 35% chi phí con giống, 35% chi phí thức ăn, 100% chi phí thuốc, hóa chất, điện, công lao động, khấu hao chi phí xây bể nuôi... Năm 2022, 4 hộ tham gia mô hình đều nuôi thành công với sản lượng thu hoạch đạt 14,8 kg/m2, tỷ lệ sống khoảng 83%, kích cỡ lươn khi thu hoạch 3 - 4 con/kg sau 10 tháng thả nuôi. Mô hình mang lại hiệu quả cao, tận dụng được lao động nông nhàn và diện tích sân vườn trống, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản”, ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cho biết.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã hỗ trợ thức ăn cho các hộ dân nuôi lươn, đồng thời đôn đốc các hộ dân ghi nhật ký theo dõi và đánh giá sau chu kỳ nuôi. Tổng khối lượng thức ăn hỗ trợ là 1.135,4 kg. Tính đến thời điểm nghiệm thu năm 2023, sau gần 7 tháng nuôi, tỷ lệ sống lươn đạt khoảng 97,5%, kích cỡ lươn 85 g/con, phù hợp với thời gian nuôi. Các hộ dân sẽ cố gắng đầu tư chăm sóc để đạt được các chỉ tiêu đề ra sau 10 tháng nuôi.
Theo ông Huỳnh Thúc Khoa, Trưởng trạm Khuyến nông TX Đông Hòa, mô hình nuôi lươn không bùn được đông đảo các hộ dân trên địa bàn thị xã và trong tỉnh tham quan, tìm hiểu để nhân rộng.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, cho biết, mục đích của chương trình này nhằm góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt tại địa phương. Giới thiệu đối tượng dễ nuôi, có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện hộ gia đình. Tăng thêm thu nhập cho các hộ tham gia thực hiện mô hình. Việc triển khai mô hình nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, cũng như sự chỉ đạo sâu sát của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh… Hiện tại, kỹ thuật nuôi lươn trong bể, không bùn, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp qua các năm triển khai tại các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thiện, vì vậy, các hộ dân có thể tham thảo kết hợp với tham quan thực tế để vận dụng nuôi lươn tại hộ gia đình.
“Thành công của các hộ dân trong đầu tư, phát triển mô hình nuôi lươn không bùn đã mở ra cơ hội để người dân học tập, làm theo. Đây là mô hình hiệu quả, dễ làm, dễ thực hiện, đầu ra thuận lợi. Đơn vị sẽ phối hợp với các cấp, ngành tổ chức hội thảo, diễn đàn truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, giúp nông dân tăng thu nhập…”, ông Tuấn nói.
Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, nuôi lươn không bùn là mô hình phù hợp, có thể nhân rộng với các nông hộ ít đất sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn, cải thiện thu nhập gia đình. Các địa phương, hội đoàn thể cần tích cực vận động người dân tham gia các mô hình khuyến nông, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố chất lượng con giống, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, các cấp ngành cần quan tâm hơn nữa, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện việc liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho lươn nói riêng cũng như sản phẩm thủy sản nói chung. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.