Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 3 năm 2023 | 15:50

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng an toàn gắn với bảo vệ môi trường

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống nông dân, song cũng kéo theo những lo ngại về môi trường do lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)...

HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên xản xuất lúa theo VietGAP và hướng hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Thế Hùng.

Vĩnh Phúc: Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trong trồng trọt

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống nông dân, song cũng kéo theo những lo ngại về môi trường do lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đốt phụ phẩm trồng trọt. Trước thực tế đó, nhiều địa phương, HTX trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT) song song với nhiệm vụ sản xuất, góp phần hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Là xã thuần nông, hằng năm, xã Phú Xuân (Bình Xuyên) cần tới một lượng lớn phân bón, thuốc BVTV để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cũng chính vì vậy, ở vào thời điểm người dân vẫn sử dụng chủ yếu thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, những lo ngại về an toàn thực phẩm (ATTP) và ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, với vai trò "đầu tàu" của HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, thực trạng này đang dần được thay đổi.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý cho biết: “Không còn xa lạ với khái niệm sản xuất an toàn, đến nay, toàn bộ 140 ha gieo cấy của HTX đều được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo ATTP và vệ sinh môi trường”.

Để thay đổi thói quen sản xuất đã có từ lâu không phải là chuyện dễ dàng. Tuy vậy, sau nhiều năm nỗ lực, cùng với việc đẩy manh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất gắn với BVMT, tình trạng sử dụng thuốc BVTV hóa học một cách bừa bãi của bà con trong HTX dần được hạn chế. Tỷ lệ thuốc BVTV sinh học được sử dụng chiếm gần 70%; diện tích sản xuất sử dụng thường xuyên phân hữu cơ cũng đạt 130 ha.

Ý thức giữ gìn vệ sinh đồng ruồng của bà con trong HTX cũng có chuyển biến tích cực. Bao bì thuốc BVTV sử dụng đều được bỏ và các điểm cố định tạo thuận lợi cho người làm công tác thu gom, xử lý.

Với sự quyết tâm của Ban quản trị cũng như thành viên HTX, đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý đã trở thành một trong những HTX nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa đem lại sản phẩm nông nghiệp tốt để cung ứng ra thị trường.

Sản phẩm Gạo ngon Phú Xuân của HTX đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020 và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Cùng với HTX dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, trong những năm qua, nhiều HTX, DN trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn như HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, HTX Rau an toàn ViSa, Công ty CP Nông lâm nghiệp và Môi trường Vĩnh Hưng...

Đến năm 2022, tổng diện tích gieo trồng rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.900 ha.

Sản xuất nông sản hàng hoá an toàn theo VietGAP, hướng hữu cơ đã và đang góp phần tích cực vào BVMT, sinh thái đồng ruộng. Đặc biệt phân hữu cơ - sinh học - vi sinh được sử dụng trong sản xuất không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây rau mà còn cung cấp các loại vi sinh vật hữu ích cho đất, giúp phân huỷ nhanh tàn dư cây trồng, các chất hữu cơ trên đồng ruộng, cải tạo đất đai trở lên tốt hơn.

Ngoài sự chủ động của bà con nông dân, các HTX, DN, nhằm thúc đẩy sản xuất gắn với BVMT nông nghiệp nói chung và trong trồng trọt nói riêng, không thể thiếu được các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều kinh phí hỗ trợ về giống, thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ - sinh học - vi sinh để người dân mở rộng vùng sản xuất rau quả an toàn.

Chỉ tính riêng trong năm 2022 vừa qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP, hướng hữu cơ được 3.573,5 ha rau, quả các loại.

Việc hỗ trợ mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa cũng được quan tâm triển khai hàng năm với diện tích lên tới hàng nghìn ha.

Theo anh Trần Duy Lịch, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thay vì xử lý bằng cách đốt tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính; rơm rạ trên đồng ruộng sau khi xử lý bằng chế phẩm vi sinh giúp đất canh tác được cải tạo đáng kể, bổ sung thêm cho đất vi sinh vật có ích, các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ.

Ngoài ra, chế phẩm còn giúp giảm nguồn sâu bệnh chuyển vụ, tăng sức đề kháng cho cây lúa, giảm các loại sâu bệnh hại, từ đó giảm lạm dụng sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa đem hiệu quả cho môi trường sinh thái nông nghiệp.

Trước đó, trong giai đoạn 2015 -2020, tỉnh cũng tập trung tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, giảm chi phí sản xuất, BVMT, tránh bạc màu đất, thông qua các chương trình, dự án như chương trình IMP, hiệu ứng hàng biên, dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”.

Sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng vừa thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững, hiện UBND tỉnh đang xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023- 2025, định hướng đến năm 2030”. Dự kiến phấn đấu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2%.

Hà Nội: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn, mở rộng thị trường xuất khẩu

Hiện tại, giá lợn hơi, gia cầm trên thị trường tiếp tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Để ngành này phát triển bền vững, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu là hết sức cần thiết. Song, để thực hiện được nhiệm vụ đó vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thành phố Hà Nội đang quy hoạch khu chăn nuôi tập trung liên kết thành các vùng an toàn. Trong ảnh: Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh).Ảnh: Quang Thái

Hiện, nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, nên giá cả lên xuống bấp bênh, khiến cho người chăn nuôi khó khăn trong việc duy trì tổng đàn. Mặt khác, chăn nuôi vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, liên kết chuỗi chăn nuôi còn lỏng lẻo... Do đó, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã công nhận 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với 198 cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu; trong đó 53 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc và 145 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm. Việc này không chỉ giúp các trang trại, doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm, mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Hà Nội đã triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại 4 quận nội thành: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình; duy trì 37 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật. Việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh giúp giảm nguy cơ vật nuôi bị nhiễm bệnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở 55 tỉnh, thành phố, với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh. Nhờ quản lý được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam dần bứt phá, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã đạt 64 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa đạt 16,2 triệu USD, tăng 10,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 16,9 triệu USD, tăng 14,2%.

Song, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn còn gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư lớn, cản trở việc mở rộng quy mô. Trong khi đó, các cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh; cơ sở hạ tầng cho các vùng chăn nuôi chưa đồng bộ...

Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 5-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ngày 30-12-2022 quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường tập huấn kỹ năng về kiểm soát dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn cho người trực tiếp chăn nuôi để áp dụng vào thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 30 vùng (cấp huyện, cấp tỉnh) chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu, bò an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 12 vùng cấp huyện đạt tiêu chuẩn vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 80% trang trại chăn nuôi quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Để đạt mục tiêu đó, Hà Nội đẩy nhanh việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của kiểm soát dịch bệnh nói chung và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu nói riêng. Theo đó, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu, Việt Nam phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, đến sơ chế, chế biến... Đặc biệt, các địa phương phải rà soát, chọn phương án khả thi để xây dựng và mở rộng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm tốt nhất, phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã đem lại nhiều hiệu quả cho người chăn nuôi và cộng đồng. Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi về lợi ích của xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; đồng thời, có chính sách khuyến khích về vốn, khoa học, công nghệ, xử lý môi trường để người chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thanh Hóa: Phát huy sức mạnh nội tại làm động lực xây dựng nông thôn mới

Ngoài phát huy sức mạnh nội tại của mỗi địa phương, chính sách và các cơ chế khuyến khích của Trung ương, tỉnh và các huyện có vai trò quan trọng để cấp cơ sở thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (MTQG XDNTM). Việc kịp thời triển khai các chính sách và cơ chế hỗ trợ đã trở thành động ộng lực để các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020–2025 tiếp tục xác định “Phát triển nông nghiệp và XDNTM” là một trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ cho các địa phương thực hiện XDNTM.

Chính sách hỗ trợ phát triển nhà lưới và nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh và huyện Nga Sơn đã khích lệ nông dân xã Nga Thạch phát triển nhiều mô hình sản xuất hiện đại.

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND để “thưởng” các xã đạt chuẩn và hỗ trợ đầu tư một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Giữa năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời quyết nghị thông qua phương án phân bổ vốn trung hạn và hàng năm, để hỗ trợ cho các ban, sở, ngành và các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG XDNTM. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa sẽ được Trung ương giao vốn đầu tư phát triển 1.920,5 tỷ đồng (năm 2021 và năm 2022 đã giao 564,66 tỷ đồng); vốn sự nghiệp năm 2021 và năm 2022 là 232,209 tỷ đồng. HĐND tỉnh cũng nhanh chóng ban hành quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình MTQG; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Hơn 2 năm qua, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 297,5 tỷ đồng để thưởng cho 10 huyện, 120 xã đạt chuẩn NTM; 81 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 531 thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu để các địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cũng khoảng thời gian trên, tỉnh đã hỗ trợ xi măng cho 23 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 19 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM; hỗ trợ 7,780 tỷ đồng cho các chủ thể phát triển 80 sản phẩm OCOP, trong đó 71 sản phẩm 3 sao; 9 sản phẩm 4 sao.

Cùng với các chính sách của tỉnh, các huyện cũng rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, cơ chế hỗ trợ hướng vào phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới), chuyển đổi cơ cấu cây, con có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa... Nguồn lực hỗ trợ từ các cấp thực sự đã tạo động lực cho các xã, thôn hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần quan trọng đến việc hoàn thành mục tiêu NTM đã đề ra.

Từ các nguồn vốn được hỗ trợ và lồng ghép, gần nửa nhiệm kỳ qua, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.800km đường giao thông nông thôn, hơn 930km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi. Gần 2.700 phòng học các cấp, gần 1.300km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa, thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế xã, 38 công trình công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 công trình bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng nhờ các nguồn vốn hỗ trợ và huy động.

Sự hỗ trợ của các cấp như là chất xúc tác để Nhân dân phát huy nội lực, đóng góp công sức và nguồn lực thực hiện nhiều tiêu chí. Từ năm 2021 đến nay, người dân các địa phương trong tỉnh đã trồng hơn 1.350km đường hoa, 1.193km đường cây xanh, 3.609km đường điện sáng, nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì và ngày càng phát huy nhân rộng. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại cho các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh duy trì kết quả khả quan. Đến hết năm 2022, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh ước đạt 89,02%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%; tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom xử lý đạt 100%.

Trong 2 năm 2021-2022 và quý I năm 2023, toàn tỉnh có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 223 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí NTM/xã (tăng 0,23 tiêu chí so với năm 2020).ực để các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top