Đồng Nai là tỉnh đứng thứ 4 trong cả nước về diện tích trồng sầu riêng với gần 11.350 ha. Cây sầu riêng đã giúp nhiều nông dân ở Đồng Nai thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Năm nay, khi Đồng Nai trở thành địa phương được chọn làm điểm trong thực hiện Nghị định thư ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, có mã vùng trồng thì đầu ra trái sầu riêng Đồng Nai càng trở nên ổn định. Trái sầu riêng đã đem lại nguồn thu bạc tỷ cho nông dân vùng đất đỏ bazan này.
Nâng cao giá trị sầu riêng nhờ xuất khẩu
Tết này, trong ngôi nhà của người trồng sầu riêng ở Đồng Nai luôn rộn tiếng cười. Bởi, năm rồi bà con được vụ thu hoạch, lại không còn lo cảnh giá bấp bênh khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch.
Trong nắng vàng đầu xuân phương Nam, anh Nguyễn Bảo Ân ngụ ở phường Xuân Lập, TP.Long Khánh thoăn thoắt bật vòi phun nước để giữ ẩm cho vườn sầu riêng đang giai đoạn nuôi hoa. Vì thiếu nước, hoa sẽ dễ rụng, ảnh hưởng đến năng suất. Nhìn vườn sầu riêng đang phát triển như kế hoạch, nụ cười anh rạng rỡ, bởi chỉ vài tháng nữa, những cây sầu riêng này sẽ cho gia đình anh nguồn thu bạc tỷ. Con số mà nhiều nông dân ao ước.
Trước đây, sầu riêng của nông dân bán cho thương lái, giá bấp bênh. Anh bán tại vườn giá chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Năm 2023, vườn sầu riêng của anh Ân được cấp mã số vùng trồng của cơ quan chức năng Trung Quốc. Anh bán cho doanh nghiệp xuất khẩu với giá từ 40.000-80.000 đồng/kg. Với giá này, vườn sầu riêng gần 2ha với năng suất 20 tấn/ha của anh thu được hơn 1,4 tỷ đồng, anh có lãi hơn 1 tỷ đồng.
Sầu riêng nay đã có đầu ra ổn định, xuất khẩu giá tốt không sợ thương lái ép giá nên anh Ân chỉ tập trung chăm sóc để trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Đặc biệt là kiểm soát tốt các loại dịch hại thực vật theo quy định của cơ quan cấp mã số vùng trồng.
Doanh nghiệp xuống vườn thu mua sầu riêng xuất khẩu cho nông dân (Ảnh: Hoàng Minh)
“Mình canh tác theo đúng yêu cầu mà dân đã cam kết với doanh nghiệp, quy định mã vùng trồng, trái sầu riêng đẹp, hạn chế sử dụng thuốc hóa học tối đa. Khi trái chưa đủ độ chín thì kiên quyết không cho thương lái, doanh nghiệp cắt trái, mình phải theo sát quá trình thu hoạch đảm bảo trái xanh, sạch, đẹp và đủ độ chin” - anh Bảo Ân chia sẻ.
Nhờ trồng sầu riêng mà giờ không chỉ gia đình anh Bảo Ân ở phường Xuân Lập mà nhiều nông dân khác ở TP.Long Khánh nhà cửa khang trang, có xe ô tô, cuộc sống sung túc và không có hộ nghèo. Nơi đây có hơn 2.300 ha sầu riêng, năm qua nông dân lãi từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 8 vùng trồng của nông dân, hợp tác xã ở đây được cấp mã số vùng trồng với diện tích hơn 345 ha. Vì vậy, nhiều nông dân rất muốn tham gia và xin cấp mã này.
Theo ông Trịnh Cao Khải –Giám đốc Hợp tác xã Thương mại- Dịch vụ-Nông nghiệp Xuân Lập, đơn vị được cấp mã số vùng trồng 91 hộ với 116 ha, có nhiều nông dân của hợp tác xã muốn đăng ký xin cấp mã vùng, nhưng cái khó là kinh phí làm VietGAP rất nhiều. Tuy nhiên, nếu đạt tiêu chuẩn này sẽ tạo nền tảng để xin cấp mã vùng trồng. Trước đây, Đồng Nai có chương trình cánh đồng mẫu lớn hỗ trợ cho nông dân làm VietGap, nhưng hiện nay với sầu riêng thì không có hỗ trợ này.
“Mình muốn là được cấp mã vùng trồng nếu mình có được VietGAP thì sẽ rất tiện lợi. Nếu nông dân tự làm VietGAP thì tốn chi phí khoảng 18.000.000 đồng/1ha nên tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ thêm cho bà con nông dân để làm việc này cho tốt. Mình làm được VietGAP sẽ dễ xin được mã vùng trồng” - ông Trịnh Cao Khải nói.
Đảm bảo chất lượng để giữ thương hiệu
Hiện nay, thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc rất tiềm năng nên nhiều nông dân ở đây đang xin cấp mã số vùng trồng. Đến nay, sầu riêng Đồng Nai được cấp 44 mã số vùng trồng với tổng diện tích 1.900ha. Năm 2023, nước bạn đã cấp cho Đồng Nai 23 mã số. Mới đây, Đồng Nai đã nộp hồ sơ và chờ phía Hải quan Trung Quốc cấp, phê duyệt cho 28 mã vùng trồng khác với tổng diện tích khoảng 735ha.
Ông Nguyễn A Vùng - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng cho biết, thị trường xuất khẩu sầu riêng ở Trung Quốc tiềm năng và ổn định từ nay đến 5 năm tới. Vấn đề quan trọng là người trồng phải đảm bảo chất lượng. Nếu nông dân thu hoạch sầu riêng sớm chưa đạt chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu. Việc xin cấp mã số vùng trồng đã khó, việc giữ được càng khó, nếu bị thu hồi thì sự việc càng tệ hại hơn. Điều quan trọng là cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát và chế tài xử lý nếu vi phạm.
Bà Hồ Thị Sự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết: “Các hộ nông trồng sầu riêng ăn tết vui vẻ vì thu nhập nhập rất cao. Gắn với niềm vui đó mình cũng tuyên truyền nông dân sản xuất bền vững, đặc biệt đảm bảo chất lượng, giữ uy tín sầu riêng Đồng Nai. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức tập huấn, quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng”.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Đồng Nai đã vượt quy hoạch nên cơ quan chức năng không khuyến khích phát triển nữa mà tập trung vào chất lượng, hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nông dân thực hiện nghiêm quy định của mã vùng trồng để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi sẽ mở rộng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng của các mã số vùng trồng được cấp. Đó là nâng cao chất lượng, chủ yêu nâng cao hiệu quả của từng chủ thể, trong đó tuân thủ đúng, duy trì đầy đủ các quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu. Mỗi vụ thì sẽ áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến hơn, an toàn hơn để đảm bảo được truy suất nguồn gốc”.
Xuân về!
Trên những vườn sầu riêng cũng ngập tràn niềm vui của người nông dân vừa trúng lớn. Năm mới, mong ước của người trồng sầu riêng Đồng Nai là sẽ có thêm nhiều triệu phú trên vùng đất đỏ miền Đông rất "gian lao mà anh dũng" này.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.