Các địa phương tích cực mở rộng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa DN, HTX và người dân đồng thời tăng cường siết vấn đề an toàn thực phẩm.
Diện tích trồng cây gai xanh tại xã Cán Khê.
Thanh Hóa: Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp (DN), HTX, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại xã Phú Nhuận, tận dụng quỹ đất, người dân đã chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế, đất vườn tạp sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi như cỏ voi, cỏ VA06, Mulato, ngô dày... với tổng diện tích 45ha để xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn xanh, phục vụ chăn nuôi đại gia súc và liên kết bao tiêu sản phẩm với Trang trại bò sữa Như Thanh.
Chủ tịch UBND xã Ngô Xuân Thân cho biết: Việc thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây thức ăn chăn nuôi đã giúp người dân chủ động được nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò trong mùa đông và góp phần hình thành vùng sản xuất cây thức ăn chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với DN có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay trên địa bàn xã Phú Nhuận người dân còn chú trọng mở rộng gần 100 ha sản xuất cây keo cung cấp cho các cơ sở chế biến lâm sản và các loại cây trồng như mía, gai xanh... nhằm tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy.
Bên cạnh các loại cây trồng truyền thống được liên kết sản xuất như mía, cây ăn quả, dược liệu, nấm..., thời gian qua huyện Như Thanh cũng đã chú trọng phát triển cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Xuân Du, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân đã chọn thanh long ruột đỏ để thay thế diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả kinh tế. HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Du đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, để người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng thanh long, HTX đã đứng ra thu mua hơn 90% diện tích để cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn, bếp ăn tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh cây thanh long, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Du còn làm đầu mối tiêu thụ ớt cho người dân trên địa bàn xã. Từ việc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Du đã giúp người dân trên địa bàn mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; bên cạnh đó, nhờ ổn định đầu ra của sản phẩm nên nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Xác định việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa DN, HTX và người dân là giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Như Thanh đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP. Bên cạnh đó, sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu được lai tạo bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Cùng với đó, huyện đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân ở các địa phương thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Như Thanh có hơn 158ha mía nguyên liệu liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, hơn 3.700ha keo làm nguyên liệu phục vụ các DN cơ sở chế biến lâm sản, gần 20ha trồng cây gai xanh liên kết với Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước, khoảng 400ha ngô dày, cỏ làm thức ăn chăn nuôi liên kết với Trang trại bò sữa Như Thanh và các loại cây trồng như thanh long ruột đỏ, dược liệu, nấm...
Hưng Yên: Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025” (viết tắt là Đề án chuỗi).
Nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi được bày bán trong các siêu thị tại thành phố Hưng Yên.
Mục tiêu của Đề án chuỗi nhằm tiếp tục duy trì, nâng cấp, giám sát, phát triển từ 30 – 40 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng 40 - 50 mô hình chuỗi có năng lực trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hỗ trợ công nghệ, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản khoảng 30 – 40 mô hình. Cấp mới, duy trì, mở rộng chứng nhận VietGAP, VietGAHP, theo hướng hữu cơ, chứng nhận hữu cơ…; cấp chứng nhận HACCP, ISO, GMP, SSOP… cho khoảng 60 – 70 mô hình chuỗi. Hằng năm, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm bảo đảm an toàn từ 2 - 3 nhóm ngành hàng đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh… Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 73,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ hơn 38,9 tỷ đồng; vốn đối ứng của Nhân dân hơn 34,3 tỷ đồng.
Thực hiện các mục tiêu trên, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương hỗ trợ 80 tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chuỗi. Trong đó, 10 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, với diện tích 86,4 héc-ta, sản lượng 3.237 tấn rau các loại. Chuỗi sản xuất, cung ứng quả các loại và cây khác (cây nghệ) có 48 đơn vị với diện tích 811,9 héc-ta, cung cấp hơn 18,2 nghìn tấn quả các loại và nghệ. Chuỗi chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm thịt có 15 đơn vị, với 77.122 con gia súc, gia cầm, cung cấp 4.414 tấn thịt gia súc, gia cầm và 4,11 triệu quả trứng. Chuỗi thủy sản có 7 đơn vị với diện tích 43,3 héc-ta, 125 lồng cá và 1.128 tấn cá các loại.
Để các mô hình thực hiện đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ: Hệ thống cấp, thoát nước cho 3 mô hình, nhà lưới cho 1 mô hình, hệ thống điện cho 2 mô hình, hệ thống xử lý chất thải cho 1 mô hình, công nghệ cho 1 mô hình. Ngoài ra, nhằm đáp ứng điều kiện sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn, Sở phối hợp tổ chức chứng nhận, duy trì, mở rộng VietGAP, VietGAHP được 543 héc-ta, 41.282 con gia súc, gia cầm và 35 héc-ta thủy sản, 125 lồng cá, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng năm 2022 với 15.900 tấn rau, quả, thịt, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản an toàn ra thị trường. Đồng thời, hỗ trợ biển hiệu cho 2 tổ chức, cá nhân tham gia đề án nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
Thực hiện Đề án chuỗi, nhiều tổ chức, cá nhân có thêm kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có biện pháp quản lý và xây dựng kế hoạch sát với nhu cầu của thị trường, sản phẩm từng bước đáp ứng yêu cầu của khách hàng và quy định về sản xuất thực phẩm. Các cơ sở chủ động được thị trường và có nhiều đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định với giá thành cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình, như đối với chuỗi rau có giá bán dao động cao hơn thị trường 20-30%; chuỗi quả có giá bán cao hơn khoảng 30%; chuỗi thịt giá bán cao hơn khoảng 10%; chuỗi thủy sản giá bán cao hơn 15-30%.
Để tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân, tổ chức mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm có chất lượng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, thành lập các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực, đặc sản, xây dựng thương hiệu cho từng vùng, địa phương. Tăng cường hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ giám sát việc thực hiện quản lý ghi chép hồ sơ sử dụng vật tư nông nghiệp như thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, luồng di chuyển của sản phẩm. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hạ tầng, công nghệ phục vụ sản xuất an toàn, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Vĩnh Phúc: Hơn 24.000 cơ sở ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông - lâm- thủy sản an toàn
Nhằm cung cấp sản phẩm ra thị trường đạt chất lượng, an toàn, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc in ấn, cấp phát 210 nghìn bản cam kết thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP); tờ rơi hướng dẫn thực hiện cam kết cho 9 huyện, thành phố để triển khai đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) nông - lâm - thủy sản; tổ chức tập huấn cho hơn 9.300 lượt cán bộ quản lý, chủ cơ sở, người lao động tại các cơ sở SXKD nông - lâm - thủy sản về ATTP.
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ thị trấn Lập Thạch.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 24.000 cơ sở SXKD nông - lâm - thủy sản thực hiện ký cam kết SXKD thực phẩm an toàn; xây dựng thí điểm 3 mô hình kiểm soát ATTP đối với bếp ăn tập thể tại thành phố Vĩnh Yên và huyện Yên Lạc.
Từ 1/6/2022-28/2/2023, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Để quản lý bảo đảm ATTP tại các cơ sở SXKD nông - lâm - thủy sản, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở áp dụng quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đảm bảo ATTP; kết nối, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.