Sơn Động (Bắc Giang) là huyện miền núi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, người dân và chính quyền đang gặp khó về đầu ra, nhiều loại cây trồng không có định mức kinh tế - kỹ thuật hoặc được phê duyệt ở mức thấp.
Trước thực trạng trên, huyện Sơn Động đề nghị tỉnh Bắc Giang sớm có giải pháp tháo gỡ.
Tiềm năng lớn
Người dân ở Sơn Động hiện trồng trên 100 ha cây dược liệu như: Cát sâm (25ha), ba kích (35ha), kim tiền thảo (10ha), trà hoa vàng (10ha), sa nhân tím (20ha), ngải nhật (10ha), bồ kết (7ha), núc nác (5ha), vông nem (5ha), cải cúc (50ha), nấm lim xanh… Bên cạnh đó, ngoài tự nhiên đã ghi nhận nhiều loài thực vật có giá trị làm thuốc. Trong đó, xác định nhiều loài cây thuốc và nấm đang khai thác có tiềm năng dược liệu làm thuốc như: Dây gắm, dây chiều, kê huyết đằng, cổ rùa huyết, chân chim, bòn bọt, ưng bất bạc, xuyên tiêu, dây bò khai, chè dây,…
Sơn Động có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, trọng đó có cây ba kích.
Qua quá trình điều tra phát hiện trên địa bàn huyện có 113 cây thuốc đã ghi nhận có nguồn gốc bản địa được người dân khai thác, trong đó, 8 loài trong danh sách bảo tồn (hoàng tinh hoa trắng, gù hương, khôi lá to, hoàng đằng...); 46 loài cây thuốc có tiềm năng khai thác trong tự nhiên (sâm xuyên đá, sau sau, thành ngạnh lá đào, thừng mực…).
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, cho biết, huyện đã quy hoạch 4 vùng trồng cây dược liệu với diện tích 600 ha, trên địa bàn 15 xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn quy hoạch 362 ha trồng cây dược liệu quý tại 9 xã, thị trấn gồm: Hữu Sản, An Lạc, Vân Sơn, An Bá, Tuấn Đạo, Thanh Luận, Long Sơn, Dương Hưu và thị trấn Tây Yên Tử.
Hiện nay, huyện đã quy hoạch 4 vùng trồng cây dược liệu với diện tích 600 ha, và quy hoạch gần 362 ha trồng cây dược liệu quý.
Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện đang xây dựng dự án hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trồng cây dược liệu trên địa bàn các xã: Long Sơn, Dương Hưu, Hữu Sản, Lệ Viễn với diện tích hơn 25 ha. Huyện đã vận động hơn 40 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia vào các hoạt động sản xuất các loại cây trồng, gồm: Cây ích mẫu, trà hoa vàng, kim tiền thảo, ba kích. Đặc biệt, dự án trồng cây ba kích tại xã Long Sơn với 10 nghìn gốc có thể mang lại sản lượng ước đạt 20 tấn/ha. Hội Cựu chiến binh huyện đang khảo sát xây dựng thực hiện 02 chuỗi liên kết sản xuất trồng cây hà thủ ô đỏ và cây dành dành trên địa bàn các xã, thị trấn, bà Giang cho hay.
Thời gian tới, huyện Sơn Động xác định, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng dược liệu trong nước, dùng các cây thuốc Nam để chăm sóc sức khoẻ. Tuyên truyền về giá trị kinh tế của việc trồng dược liệu, giá trị sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh để tất cả cán bộ và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ và quyết tâm tổ chức thực hiện có kết quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động người dân, cộng đồng khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu nhằm hướng đến sử dụng nguồn dược liệu bền vững và bảo vệ môi trường. Phối hợp với đơn vị có liên quan mời các công ty, doanh nghiệp thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm từ cây dược liệu. Xây dựng dự án liên kết sản xuất trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo bà Giang, việc trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn liên quan đến đầu ra của sản phẩm. Hiện, doanh nghiệp thu mua chỉ tập trung ở một số sản phẩm, trong khi đó, nhiều loại cây người dân trồng chưa tìm được doanh nghiệp bao tiêu. Việc thu mua chủ yếu dưới dạng nguyên liệu khô, do đó, quá trình thu hái, phơi và bảo quản chưa đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều loại cây trồng không có định mức kinh tế - kỹ thuật hoặc có định mức kinh tế - kỹ thuật thấp; người dân thiếu tư liệu sản xuất do đối tượng hỗ trợ chủ yếu tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; Nhân dân còn e dè, chưa thực sự mạnh dạn tham gia trồng do chưa có mô hình điểm trên địa bàn huyện để học tập.
Trước khó khăn trên, huyện Sơn Động đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật một số loại cây dược liệu và một số cây trồng khác chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, đồng thời điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật đối với cây kim tiền thảo cho phù hợp. Giới thiệu doanh nghiệp thu mua, bao tiêu và chế biến sản phẩm từ cây dược liệu. Hướng dẫn thực hiện việc mua sắm trong thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…
Ông Lê Văn Thuận (thôn Tảu, xã Long Sơn) cho biết, năm 2022, gia đình trồng 1 vạn cây ba kích, khoảng 5-6 năm mới cho thu hoạch củ. Năm nay, dự kiến cho thu hoạch vài tạ quả và cung cấp cây giống ra thị trường nhưng đang gặp khó về đầu ra. Gia đình mong Nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra cho bà con. Ở đây, bà con muốn phát triển, tầng trên cao trồng rừng, tầng thấp trồng dược liệu, cây ăn quả nhưng đầu ra bấp bênh nên còn băn khoăn, cân nhắc. Như cây keo có đầu ra nhưng thu nhập không bằng cây ba kích.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang thăm mô hình trồng cây ba kích tại thôn Tẩu, xã Long Sơn, huyện Sơn Động.
Trong buổi làm việc với huyện Sơn Động mới đây, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho các loại cây huyện đề xuất, đảm bảo đúng quy định, khoa học và phù hợp với thực tiễn. Huyện tích cực phối hợp cùng Sở Y tế tìm kiếm doanh nghiệp chế biến cây dược liệu trong khu vực để mời gọi đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm dược liệu. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu các loại cây năng suất cao, thu hoạch hàng năm, đặc trưng của khu vực để xây dựng và nhân rộng mô hình trồng. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho người dân, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Đề án “Phát triển vùng ba kích tím hàng hóa tại huyện Sơn Động giai đoạn 2022 - 2026”, năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai phát triển trồng mới 19 ha cây ba kích tím tại các xã: Hữu Sản, Dương Hưu, Vân Sơn, Yên Định, Tuấn Đạo, Long Sơn, Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử. Các hộ tham gia sẽ được hỗ trợ một lần 70% chi phí mua giống, phân bón theo định mức kỹ thuật. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.