Để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân được các địa phương triển khai.
Trang trại nuôi gà đẻ của gia đình bà Phùng Thị Nga, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. (Ảnh: Nguyễn Lượng)
Vĩnh Phúc: Tăng thu nhập bền vững cho nông dân
Nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là tiêu chí thu nhập, tỉnh đã chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng thu nhập hướng đến sự phát triển bền vững cho người dân.
Những ngày đầu tháng 11/2023, trang trại nuôi gà đẻ của gia đình bà Phùng Thị Nga, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) nhộn nhịp thương lái đến thu mua trứng. Thời điểm này, trứng được giá đã tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Bà Nga cho biết: "Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào trồng trọt, cuối năm 2022, gia đình đầu tư cải tạo, đầu tư trang trại nuôi gà theo hệ thống khép kín; tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng men vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi giúp chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát. Với 1.600 gà đẻ trứng, mỗi ngày, trang trại thu về khoảng 1.500 trứng, với giá 2.000 đồng/quả như hiện nay được khoảng 3 triệu đồng/ngày".
Được biết, xã Ngũ Kiên là 1 trong những địa phương có tổng thu nhập bình quân cao của huyện, tỉnh, năm 2022 đạt hơn 70 triệu đồng/người và là xã về đích NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.
Để tăng thu nhập bền vững cho người dân, xã thực hiện thành công chương trình dồn thửa đổi ruộng để có điều kiện phát triển sản xuất quy mô lớn; phối hợp với ngành nông nghiệp, doanh nghiệp đưa nhiều giống lúa mới, kỹ thuật cao vào sản xuất; triển khai một số mô hình chăn nuôi cho hiệu quả như nuôi cá chép theo mô hình khép kín có liên kết theo chuỗi, nuôi vịt thương phẩm, nuôi lợn công nghệ cao... Năm 2022, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của địa phương đạt gần 160 triệu đồng.
Phát huy lợi thế có nghề làm bánh cuốn và bún truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, xã khuyến khích các hộ dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 60 hộ làm nghề bánh cuốn, bún đem lại thu nhập ổn định hàng năm cho mỗi hộ từ 300 - 350 triệu đồng/năm.
Ngoài nghề truyền thống, xã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất như cơ khí, may mặc, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nhôm kính. Nếu như năm 2015, tổng thu từtiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề của địa phương đạt 166,4 tỷ đồng đến năm 2022 đã tăng lên gần 570 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương.
Để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với chuyển đổi số; triển khai nhiều mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa từ khâu gieo hạt, làm mạ, làm đất đến thu hoạch đã làm giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Chuyển giao tiến bộ khoa KHKT cho nông dân, từ năm 2021 đến nay, trung tâm đã tổ chức trên 500 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho 50 nghìn lượt nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên một số cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Triển khai hàng chục mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; cấp phát 196.000 kg chế phẩm vi sinh cho nông dân các địa phương xử lý rơm rạ trên cây lúa với tổng diện tích 7.000 ha; hỗ trợ gần 6.400ha rau, quả các loại sản xuất hàng hóa an toàn theo VietGAP cho hiệu quả cao.
Riêng 9 tháng năm 2023, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ gần 740 tấn giống lúa mới các loại trên diện tích gần 15.000ha cho nông dân; gần 2,2 triệu con cá giống trên diện tích 140 ha; hỗ trợ 23.000 con cá giống nuôi lồng, bể với diện tích 1.600 m3 cho 4 hộ trên địa bàn 4 huyện, thành phố.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc gia cầm đợt 1/2023 đạt trên 90% tổng đàn và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi cho 105.800 hộ chăn nuôi.
Với sự quan tâm, dành nguồn lực đầu tư thích đáng của tỉnh để thúc đẩy phát triển sản xuất, cùng sự năng động, nhạy bén của mỗi người dân, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn ước đạt 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,99%, hộ cận nghèo đa chiều giảm còn 1,70% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Hà Nội: Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái
Đoàn công tác của Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) và Cục Thống kê thành phố Hà Nội vừa tiến hành khảo sát một số cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Qua khảo sát cho thấy, để tiếp tục trở thành trụ đỡ cho phát triển kinh tế, làm giàu cho nông dân, nông nghiệp Hà Nội cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái...
Đoàn công tác tham quan mô hình sản xuất trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội (huyện Phúc Thọ). (Ảnh: Thu Phượng)
Tại Nhà máy Xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội ở huyện Phúc Thọ, tất cả các khâu trong quá trình xử lý, chế biến trứng gà được vận hành trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Với hệ thống dây chuyền tự động, trứng gia cầm được xử lý qua 8 công đoạn; quan trọng nhất là công đoạn chiếu tia UV diệt khuẩn từ bên trong trứng và công đoạn làm se khít các lỗ thông khí, giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong. Trứng gia cầm của Ba Huân sau khi diệt khuẩn đạt 99,9%, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Khảo sát tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) cho thấy, đây là đơn vị tiêu biểu trong liên kết các thành viên tổ chức sản xuất rau an toàn và là đầu mối ký kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho thành viên hợp tác xã. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hòa, hiện đơn vị có hơn 500 hộ tham gia trồng rau VietGAP trên tổng diện tích 33,5ha. Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 12 đến 14 tấn rau các loại và có từ 5 đến 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt gần 50% tổng sản lượng rau an toàn. “Trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, diện tích canh tác, giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Việc liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã, giúp thu nhập của các xã viên được tăng lên”, ông Nguyễn Văn Hòa cho hay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, với hơn 197.000ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp gần 160.000ha. Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, Hà Nội thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các mô hình kết hợp nông nghiệp du lịch… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao và chủ động được một phần nông sản thực phẩm sạch, an toàn cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.
Hiện tại, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung thực sự mang tính chất sản xuất hàng hóa mũi nhọn. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân nhiều nơi còn khó khăn…
Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, chú trọng tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội đang phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh gắn với việc xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch, nhằm nâng giá trị sản xuất. Hà Nội cũng lựa chọn đầu tư bài bản các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, phù hợp với khả năng tích tụ đất đai của địa phương. Ngoài ra, Hà Nội còn hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...), đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ và tài chính sẽ trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển vững chắc.
Qua khảo sát thực tế một số mô hình sản xuất, chế biến nông sản tại huyện Phúc Thọ và huyện Hoài Đức, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản Đỗ Thị Thu Hà cho rằng, những mô hình này cho giá trị kinh tế rất cao. Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị; cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình kết hợp du lịch, trải nghiệm, tiếp tục phát triển các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh, thành phố bạn; đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… bảo đảm nguồn cung sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho Thủ đô.
Thanh Hóa: Giữ vững chất lượng những vùng sản xuất trọng điểm
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất rau màu, tổng diện tích khoảng 13.500 ha. Tuy nhiên, cùng với việc tạo nguồn cung lớn cho thị trường về các sản phẩm chất lượng cao, an toàn thì bài toán đặt ra đối với lĩnh vực sản xuất rau, màu của tỉnh chính là việc giữ vững chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất được quy định.
Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Thọ Hải (Thọ Xuân).
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Thọ Xuân đã vận dụng linh hoạt nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất rau màu tập trung. Tính đến tháng 11/2023, toàn huyện đã phát triển được 6 vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung phát triển để hình thành vùng chuyên canh sử dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, sản xuất các sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn cao (VietGAP), tổng diện tích hơn 40 ha, tại các xã: Thọ Hải, Xuân Lai, Thọ Xương.... Hiện các sản phẩm rau an toàn đã có thị trường tiêu thụ ổn định tại các bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Theo tính toán của các hộ, 1ha rau cho doanh thu bình quân từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Tại vùng sản xuất rau màu VietGAP của xã Thọ Hải, những ngày này, người dân không chỉ đầu tư, sản xuất những loại rau màu vụ đông truyền thống, như: súp lơ, su hào, rau cải... mà còn chú trọng sản xuất một số loại rau màu trái vụ. Với kinh nghiệm sản xuất lâu đời kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật mới thuần thục nên vùng rau của địa phương luôn xanh mướt, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trần Lê Văn, giám đốc HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng, cho biết: Xã Thọ Hải có truyền thống sản xuất rau màu từ nhiều năm và vùng rau của xã đạt chuẩn VietGAP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm rau củ quả an toàn được sản xuất ngày càng nhiều, tạo sức cạnh tranh lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương. Do đó, để bảo đảm được hiệu quả kinh tế, “thương hiệu” của sản phẩm rau an toàn Thọ Hải, HTX đã tổ chức nhiều đợt tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Xã Nga Yên là một trong 6 vùng sản xuất rau màu trọng điểm của huyện Nga Sơn. Bên cạnh việc đầu tư sản xuất thâm canh, người dân địa phương còn chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, để đa dạng hóa sản phẩm và bảo đảm cung ứng thường xuyên cho thị trường những sản phẩm rau an toàn, UBND xã Nga Yên đã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Yên quan tâm, hướng dẫn và định hướng cho người dân tổ chức thời vụ sản xuất và lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thị trường. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người sản xuất, HTX còn vận động các thành viên ý thức sử dụng thuốc vi sinh ít độc hại để thay thế dần thuốc hóa học, ứng dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững.
Ông Mai Đăng Bắc, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Yên, cho biết: Để đảm bảo chất lượng sản phẩm rau màu, HTX luôn giám sát, hướng dẫn người dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thông tin từ lúc trồng, chăm sóc đến thu hoạch được ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký để tiện cho việc theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. HTX cũng thường xuyên theo dõi, tham mưu cho UBND xã trong việc vận dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất bền vững, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, phong trào sản xuất rau màu của xã Nga Yên luôn đạt hiệu quả, doanh thu khoảng 350 triệu đồng/ha/năm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất, thâm canh rau an toàn tập trung, với diện tích khoảng 13.500 ha, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4.500 ha. Tại những vùng sản xuất rau màu, bên cạnh sản xuất theo phương pháp truyền thống, người dân còn đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp sản xuất hiện đại, như: sản xuất nhà màng, nhà lưới, sản xuất theo hướng hữu cơ... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung rau màu của nông dân trong tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đảm bảo sản lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm...
Để tiếp tục phát triển các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh để kích cầu cho người dân đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, nâng cao trình độ sản xuất hướng đến dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đồng thời, hàng năm tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản an toàn để tạo thêm cơ hội cho hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.