Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2023 | 15:39

Tạo sức mạnh đa chiều cho HTX

Có thể khẳng định, vai trò to lớn của mô hình HTX đó chính là nơi tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo, người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, việc mở rộng mô hình HTX ở các lĩnh vực là điều hết sức cần thiết.

Mô hình chế biến rau, củ thành ống hút công nghệ cao tại HTX Sông Hồng.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, việc luôn đồng hành và có những cách làm hay từ Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng đã giúp các HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX hái được những trái ngọt. Vì vậy, tạo thêm cơ hội từ chính sách và giúp HTX phát triển đa dạng ở các ngành nghề sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực này bứt phá mạnh mẽ.

Đồng hành cùng HTX

Thống kê của Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng cho thấy, tính đến hết tháng 10 năm 2023, toàn Cụm có 2.288 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó số tổ hợp tác được thành lập mới trong năm 2023 là 56 tổ hợp tác. Ngoài ra còn có 4647 HTX với 1,6 triệu thành viên. Trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đã có nhiều HTX sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa hiệu quả. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp nghĩa Bình (Nam Định) với chuỗi sản xuất chế biến gạo huyết rồng, gạo nếp bắc; HTX Hoàng Trà (Hà Nam) với các sản phẩm chè sen, chè sung trồng tự nhiên trên vùng nguyên liệu 2.000 m2…

Xác định mở rộng đầu ra cho các HTX là một trong những vấn đề quan trọng, các Liên minh HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đã chủ động phối hợp để hỗ trợ HTX liên kết tiêu thụ hàng hóa, đưa nông sản đi giới thiệu, quảng bá tới các vùng miền trong và ngoài nước.

Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nam cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Liên minh HTX các tỉnh thành trong Cụm đã tổ chức được 35 đợt với 677 lượt HTX tham gia các hội chợ triển lãm, tổ chức 17 hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu, tọa đàm, xúc tiến thương mại... Việc tìm kiếm các kênh bán hàng, phân phối khác nhau đã được Liên minh HTX các tỉnh thành quan tâm, tổ chức ngày càng nhiều với các tỉnh thành, vùng miền từ Bắc vào Nam.

Ngoài xúc tiến thương mại, để hỗ trợ các HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng phát triển, Liên minh HTX các tỉnh thành đã đẩy mạnh tham mưu với cơ quan quản lý để tạo hành lang pháp lý cho HTX hoạt động thuận lợi.

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Vì vậy, HTX nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm.  “Một đất nước muốn ổn định là phải quan tâm tới lĩnh vực này”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng nói tới HTX thấy yếu thế, nghèo về nhiều thứ, nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Song, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận suy nghĩ này cần thay đổi vì HTX có nhiều “cái giàu”: giàu tính cộng đồng, tình cảm, liên kết, đất đai, nguồn lực con người. Thành viên HTX có rất nhiều kinh nghiệm.

“Có nông dân không học kỹ sư nhưng sáng tạo hơn kỹ sư, kinh nghiệm sản xuất của họ khiến nhà khoa học ngỡ ngàng”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nói.

Tuy vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng thừa nhận, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị. 

Theo Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân, HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. “Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, một người tham gia làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên của họ là thành viên HTX, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Các nước trên thế giới cũng có HTX giáo dục, y tế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nêu ví dụ. 

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng kể những câu chuyện về HTX phát triển bền vững như một HTX trồng trái sầu riêng, nhưng thay vì bán tươi đã tạo thành bánh, thu hút các du khách nước ngoài tới trải nghiệm…

Liên minh HTX Việt Nam đại diện cho HTX, thực hiện quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp cho HTX. Và sâu xa hơn, “HTX cần nhìn lại mình, tìm ra điểm nghẽn của chính mình. HTX cần phát triển xử lý điểm nghẽn nào. Liên minh HTX tham gia xử lý vấn đề gì, cơ quan quản lý cần tham gia xử lý vấn đề gì”, Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân cho hay.

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đặt vấn đề hàng đầu đó là tham mưu chính sách kinh tế tập thể, HTX cho các ban ngành theo đề án nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho HTX phát triển. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo chuỗi giúp nâng cao và thay đổi nhận thức cho người dân về kinh tế tập thể, HTX.

Hiện nay, các HTX định hướng phát triển theo chuỗi thì khâu sản xuất đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo chất lượng nông sản nhưng khâu chế biến, bảo quản của các HTX vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như thiếu máy móc, công nghệ. Chính vì vậy, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình thời gian gần đây luôn chú trọng hỗ trợ các HTX hoàn thiện các khâu sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế. Tiêu biểu như chuỗi giá trị dê Ninh Bình đang hoàn thiện và sẽ mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với hình thức chăn nuôi dê thông thường.

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hải Phòng thông tin, từ đầu năm 2013 đến nay, Liên minh HTX thành phố đã tổ chức được 6 cuộc sinh hoạt với HTX thành viên trên tất cả các quận, huyện để lắng nghe các 'nút thắt' của các HTX. Việc các HTX được giãi bày những khó khăn, vướng mắc đã giúp Liên minh HTX thành phố tập trung được 100 ý kiến, kiến nghị gửi lên các sở ngành để tìm hướng tháo gỡ cho các HTX.

Bên cạnh đó năm 2023 là năm đầu tiên Thường trực thành ủy thành phố Hải Phòng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, HTX. Trong đó, Liên minh HTX thành phố đã đưa 4 ý kiến kiến nghị cho khu vực kinh tế tập thể, HTX của thành phố và được hướng dẫn giải quyết. “Điều này cho thấy việc đồng hành với các HTX, thành viên là rất quan trọng”, ông Ngô Ngọc Khánh nêu ý kiến.

Một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Hải Phòng là thành phố đã thành lập 2 câu lạc bộ HTX. Các thành viên khi tham gia câu lạc bộ được chia sẻ, kết nối và được nói lên tiếng nói của mình. Từ hiệu quả của mô hình này, năm 2024, Liên minh HTX Hải Phòng sẽ hướng đến mục tiêu, đó là trên tất cả nhóm ngành có liên quan đến nhau sẽ hình thành các câu lạc bộ, hướng đến thành lập các liên hiệp HTX nhằm tạo thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp thành viên liên kết sản xuất kinh doanh.

Tạo sức mạnh đa chiều cho HTX

Có thể thấy, các HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đang có lợi thế trong xúc tiến thương mại, giao thương, liên kết để mở rộng đầu ra. Đi liền với đó, các HTX ở khu vực này có nhiều tiềm năng phát triển về nông nghiệp hàng hóa, tạo lợi thế cho sản xuất theo hướng hàng hóa, đa dạng sản phẩm và hình thành các chuỗi giá trị.

Vậy nhưng, trong quá trình phát triển, không ít HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng do vướng mắc nhiều khó khăn. Cụ thể là các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX từ Trung ương đến địa phương đã có nhưng khi đưa chính sách vào thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Bà Lê Thị Tâm dẫn chứng, Quyết định 167/QĐ-TTg về hỗ trợ phát triển HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả nhưng hiện nguồn lực hỗ trợ chưa đến được địa phương. Nguồn lực hỗ trợ HTX theo Quyết định 1804/QĐ-TTg về đào tạo cán bộ HTX rất khó đi vào thực tiễn nên Liên minh HTX các tỉnh thành phải lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án mới có nguồn vốn để xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ HTX.

Khảo sát HTX kiểu mới nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, việc HTX tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX vẫn còn khó khăn vì quy định trong vay vốn là HTX phải có hồ sơ chứng từ (dấu đỏ) khiến HTX mất thêm chi phí hoàn thiện hồ sơ, tạo gánh nặng cho các HTX.

Cũng chia sẻ về khó khăn của các HTX, ông Ngô Ngọc Khánh cho biết thêm, hiện Luật HTX 2023 đã khẳng định “Liên minh HTX Việt Nam là một tổ chức hội đặc thù” nhưng các chính sách cho kinh tế tập thể, HTX lại chưa mang tính đặc thù nên các HTX rất khó tiếp cận chính sách. Chính vì vậy, cần có chương trình, chính sách đặc thù về hỗ trợ cho HTX cũng như bộ máy tổ chức thì mới tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển.

Để tạo thuận lợi cho HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng cũng như kinh tế tập thể, HTX cả nước phát triển, đại diện các HTX đều cho rằng, cần phải có chương trình riêng về phát triển kinh tế tập thể, giống như chương trình riêng về giảm nghèo, nông thôn mới… mới có thể giúp việc triển khai chính sách phát triển về kinh tế tập thể từ Trung ương đến từng địa phương được thuận lợi. Tránh gây khó khăn cho các địa phương trong huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ HTX phát triển.

Gợi mở những cơ hội cho khu vực kinh tế tập thể, HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng phát triển, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Cao Xuân Thu Vân, cho biết cần có nhiều cuộc hội thảo, tập huấn để tháo gỡ khó khăn, định hướng, tìm cơ hội về cơ chế chính sách, môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh cho các HTX. Đi liền với đó, các tỉnh thành cần có những “ngày hội kinh tế hợp tác, HTX” để vừa tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa tìm cơ hội cho HTX.

Có thể khẳng định, vai trò to lớn của mô hình HTX đó chính là nơi tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo, người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, việc mở rộng mô hình HTX ở các lĩnh vực là điều hết sức cần thiết. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nói rằng, các tỉnh thành cần phải tính toán hình thành và phát triển các HTX giáo dục để con em thành viên HTX cũng có cơ hội tham gia mô hình này. Tiêu biểu như Hàn Quốc đã có mô hình này, hoạt động rất hiệu quả. Các HTX giáo dục ngày càng nâng cao chất lượng, thể hiện được vai trò của mình trong nền kinh tế và cạnh tranh trực tiếp với trường công.

Ngoài ra, cần thành lập các HTX chăm sóc sức khỏe, HTX giao thông, HTX chuyển đổi số, HTX logistics để thích ứng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường cũng như lấp những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng hàng hóa mà các HTX đang tham gia trực tiếp.

"Việc thành lập các câu lạc bộ HTX như Hải Phòng, hướng đến thành lập liên hiệp HTX là rất cần thiết nhằm tạo cơ hội cho HTX trao đổi kinh nghiệm cũng như tháo gỡ khó khăn. Đi liền đó cần nghiên cứu thành lập Liên đoàn HTX để giúp khu vực HTX Việt Nam hội nhập sân chơi HTX quốc tế", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Tăng sức hút của tổ hội nông dân nghề nghiệp

Việc xây dựng các chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể.

Chính vì vậy, Hội Nông dân thành phố Hà Nội rất coi trọng việc phát triển, nhân rộng mô hình hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, qua đó, xây dựng được nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả, thu hút hội viên nông dân tham gia.

Xã Khai Thái là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi gà đẻ trứng với quy mô trang trại lớn của huyện Phú Xuyên. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi của địa phương, tạo liên kết hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ, năm 2021, Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gà đẻ xã Khai Thái được thành lập với 23 thành viên.

Các thành viên trong chi hội đã cùng nhau ứng dụng một số kỹ thuật tiên tiến vào đầu tư chăn nuôi, như: Chọn giống gà cho chất lượng, sản lượng trứng ổn định, xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, có hệ thống làm lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học cho gà ăn và khử mùi phân gà, định kỳ tiêm phòng cho đàn gà đẻ...

Kiểm tra chất lượng trứng gà tại xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên). (Ảnh: Thu Hằng)

Chị Nguyễn Hòa Thuận, Chi hội trưởng Chi hội chăn nuôi gà đẻ trứng xã Khai Thái chia sẻ, các thành viên trong chi hội thường xuyên họp, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm, nên việc sản xuất, kinh doanh của các hộ đi vào nền nếp, cho thu nhập khá.

Tương tự, Chi hội nghề nghiệp hoa giấy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia. Với tiêu chí “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi), Chi hội nghề nghiệp hoa giấy xã Phù Đổng đã hoạt động rất hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.

Không chỉ ở các huyện: Phú Xuyên, Gia Lâm, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hiệu quả. Điển hình như Chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh miến dong xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) với 29 thành viên, thu hút khoảng 300 lao động trong và ngoài địa phương; Chi hội sản xuất rau an toàn xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) có 30 thành viên tham gia sản xuất trên 5,4ha, năng suất đạt 130 tấn rau quả/năm, giải quyết việc làm cho 70 lao động...

Tính đến thời điểm này của nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã xây dựng 156 chi hội nghề nghiệp với 3.374 thành viên và 2.327 tổ hội nghề nghiệp với 14.984 thành viên. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và ra mắt được 28 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 395 thành viên và 198 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với 1.715 thành viên; 10 hợp tác xã, 150 tổ hợp tác.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTƯ ngày 5-8-2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII về “Đẩy mạnh xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chi, tổ hội hoạt động ngày càng hiệu quả, qua đó hỗ trợ nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Kinh nghiệm rút ra là sau khi các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập, Hội Nông dân thành phố Hà Nội cùng chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả, như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu…; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài địa phương đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.

Để các tổ, hội nghề nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia, thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tiếp tục định hướng các chi, tổ hội nghề nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Cùng với nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp chi, tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

HTX mong có sự đồng hành, hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, HTX hướng đến nền sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện nay, HTX gặp khó khăn là thay đổi nhận thức cho người nông dân, nhưng khó khăn lớn hơn đó là thay đổi nhận thức cho đội quản lý.

“Để người nông dân tiếp cận chính sách và thay đổi nhận thức sản xuất xanh, sạch như thế nào cần quá trình. Hiện, HTX đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như JICA để tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp cũng như tạo mô hình công nghệ sinh thái. Tuy nhiên, dù đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, tập huấn nhưng hiệu quả chưa được cải thiện”, ông Thám nói.

Khó khăn tiếp theo được lãnh đạo HTX rau quả sạch Chúc Sơn nhắc đến đó là nguồn nhân lực. Hiện, HTX có 7 kỹ sư, nhưng nguồn nhân lực vẫn khó khăn. Bởi, HTX mời các bạn trẻ về làm việc rất khó. Ví dụ lĩnh vực marketing hay nhân viên kinh doanh, HTX sẵn sàng trả lương 10 triệu/tháng nhưng vẫn khó thu hút được lao động. 

Thậm chí, ông Thám cho biết, thu hút nhân lực trình độ phổ thông cũng không dễ dàng. Hiện, HTX có 30 công nhân nhưng vẫn thiếu nên có thời điểm công nhân phải làm đến 12-14 tiếng/ngày để đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Ngoài ra, việc tập trung đất đai và phát triển hạ tầng cũng gặp khó. “HTX tự bỏ tiền ra để làm đường bê tông vào khu sản xuất. Tuy nhiên, có nhiều công trình địa phương bỏ không, HTX có thể tham gia quản lý các công trình này nhưng nhận thức của lãnh đạo địa phương để giao các công trình này cho HTX quản lý lại là cả vấn đề, nên cần sự vào cuộc của Liên HTX Việt Nam và Liên HTX TP Hà Nội”, ông Thám kiến nghị.

Mặt khác, các HTX cũng đang rất khó khăn về nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.   

Từ những khó khăn trên, ông Thám kiến nghị Liên minh HTX Việt Nam tạo cuộc vận động sâu rộng nhằm thay đổi nhận thức cho khu vực HTX về phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thực chất hỗ trợ cho các HTX. “Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX, nhưng xuống địa phương và HTX với nông dân đã “rơi rớt””, ông Thám cho hay.

Ngoài ra, cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho các HTX, nếu thiếu nguồn nhân lực thì HTX sẽ không phát triển được, nguồn nhân lực quyết định sự thành bại đi lên của HTX.

Song song với đó, “thuyền trưởng” HTX rau quả sạch Chúc Sơn kiến nghị cần có chính sách thúc đẩy công nghệ cho HTX. “Hiện nay, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ 4.0 trích xuất nguồn gốc, nhưng vẫn mong Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX TP Hà Nội giới thiệu các đơn vị uy tín về quản trị HTX, kế toán… để hỗ trợ phát triển HTX”.

Đồng thời, ông Thám kiến nghị hỗ trợ cho các HTX tiếp cận các quỹ phát triển công nghệ, khuyến nông, tín dụng…/.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top