Nông dân muốn thành công trong sản xuất nông nghiệp thì phải không ngừng tư duy. Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải an toàn, giá thành cạnh tranh, có lợi nhuận, mới bền vững.
Hà Nội: Tiên phong ứng dụng “cái mới”
Ông Nguyễn Văn Mỡ (ở xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là nông dân điển hình của huyện dám nghĩ, dám làm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Gia đình ông đang phát triển mô hình trồng nho, dự định gắn sản xuất với khai thác lợi thế để phát triển du lịch.
Những năm 1980, ông Nguyễn Văn Mỡ đi đầu huyện Phúc Thọ trong trồng táo lai. Đến những năm 1990, ông lại đi đầu trong trồng cam Canh, bưởi Diễn rồi chuyển sang trồng hoa ly, hoa lan, hoa cúc... Luôn "đi trước thời đại" nên sản phẩm của gia đình ông chưa bao giờ phải "giải cứu".
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Mỡ tiếp tục trong thực hiện mô hình trồng nho. Ghé thăm vườn nho hạ đen của của gia đình ông ở thời điểm cho thu hoạch sau thời gian hơn 4 tháng chăm bẵm thật thích mắt.
Ông Mỡ mở cho biết: "Nhắc tới cây nho, ít ai nghĩ rằng miền Bắc Việt Nam lại trồng được. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, hiện nay tôi và một số hộ đã trồng được nho ngay trên đất Thủ đô".
Tuy cây nho đã "bén rễ" nhưng để bảo đảm năng suất và chất lượng là việc khó khăn, ông Mỡ cho biết, đã tốn 4 năm trồng thử, đúc rút kinh nghiệm. Để cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, ông ứng dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, đồng thời ứng dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Theo ông Mỡ, tất cả cây trồng đều khó tránh sâu bệnh hại. Với nho hạ đen, thời điểm sâu bệnh chủ yếu là lúc ra hoa, kết trái; khoảng 50 ngày cuối chu kỳ phát triển thì gần như cây không bị sâu bệnh. Cây nho cũng khác với các loại cây trồng, hằng ngày phải tạo tán, tỉa cành. Thân cây phải mập thì quả mới to, bông chùm mới dài, chủ vườn phải có lịch chăm sóc cây.
"Tôi dành 1 giờ buổi sáng và 1 giờ buổi chiều để tỉa cành. Vào các buổi chiều mùa hè, trời nắng nóng không làm được, tôi đeo đèn buổi tối làm 1 giờ đồng hồ là đáp ứng yêu cầu. Trồng đúng kỹ thuật, cây nho cho năng suất 16-18 tấn/ha (tương đương 48 tạ/sào); giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, hiệu quả không nhỏ", ông Mỡ chia sẻ.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm trồng cây ăn quả, ông Mỡ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như rơm rạ làm phân ủ vi sinh cho cây phát triển bền vững. Hiện, gần 1.500m2 trồng nho hạ đen của ông Mỡ được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu in tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là sự khẳng định tiêu chuẩn chất lượng đối với vùng nho hạ đen. Cũng nhờ chất lượng tốt nên việc tiêu thụ nho hạ đen của ông Mỡ rất thuận lợi.
Chia sẻ về kết quả, ông Nguyễn Văn Mỡ cho biết: Nông dân muốn thành công trong sản xuất nông nghiệp thì phải không ngừng tư duy. Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải an toàn, giá thành cạnh tranh, có lợi nhuận, mới bền vững. "Tôi từng có nhiều đêm trăn trở, mong muốn gia tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, vụ nho năm 2023, tôi thí điểm đón khách tới vườn tham quan, trải nghiệm", ông Mỡ nói.
Khắc phục khó khăn bởi khu trang trại chỉ là đồng ruộng sản xuất, không được xây dựng, ông vệ sinh trang trại sạch sẽ, chọn chỗ có nhiều bóng cây, cắm thêm ô, tạo không gian để du khách nghỉ mát, uống nước.
"Tôi cũng rất mừng được các cơ quan báo, đài của thành phố, hội nhóm trên mạng xã hội tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tới đông đảo người dân và du khách. Thông tin cung cấp cho truyền thông và mạng xã hội trung thực, tạo sức lan tỏa. Trong vụ đầu thu hoạch, sản lượng không lớn, chỉ 20 ngày là vườn nho nhà tôi đã hết sạch. Dự kiến các năm sau, sản lượng nho tăng hơn tôi sẽ chuẩn bị để bảo đảm các tiêu chí đón khách tốt hơn...", ông Mỡ phấn khởi nói.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, trang trại của gia đình ông Mỡ là một trong những điểm nhấn của huyện về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Thành công của ông Mỡ lan tỏa đến nhiều nông dân với thông điệp: Quỹ đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ rất lớn, địa hình đa dạng. Mỗi nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, sáng tạo, lập nghiệp từ nông nghiệp thì sẽ thành công.
Thanh Hóa: Phát triển nông nghiệp hữu cơ “bắt nhịp” xu thế
Nhận định rõ sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam, bởi vậy người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đã lựa chọn phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần phải đánh giá những thuận lợi và khó khăn để có định hướng phát triển NNHC bền vững, đạt hiệu quả cao.
Trang trại trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).
Với điều kiện thuận lợi về khí hậu nóng ẩm, thuận lợi việc chuyển hóa các chất hữu cơ thành những khoáng chất phục vụ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi; đồng thời, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp dồi dào là nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; người lao động với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp... ngành nông nghiệp và các địa phương đã và đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển NNHC, tăng cường sự tham gia của các HTX để hình thành vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng trồng trọt, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; triển khai các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao...
Năm 2017, ông Lê Xuân Hoằng ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) đã quyết định cải tạo vùng đồi trồng keo kém hiệu quả kinh tế sang trồng 2.000 gốc bưởi Diễn theo hướng hữu cơ. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông Vũ Văn Chiến - quản lý tại trang trại, cho biết: Thời gian đầu khi chuyển đổi sang trồng bưởi hữu cơ năng suất có giảm, nhưng sau đó vườn bưởi đã dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh và năng suất tăng trở lại. Điều quan trọng hơn khi trồng bưởi hữu cơ là không chỉ có lợi về sức khỏe, an toàn cho người sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Chiến cũng cho biết, nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng chất lượng cho trái bưởi cũng như cải tạo, phục hồi “sức khỏe” cho đất, ông đã dùng phế phẩm từ xương cá xay nhỏ, ủ từ 30 đến 40 ngày, thủy phân để làm phân bón dạng lỏng cho cây; toàn bộ chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm trong trang trại và rác thải cũng được ủ hoai mục, bưởi rụng cũng được gom lại để ủ men EM làm phân bón; đồng thời, nuôi ngỗng và gà dưới tán bưởi để ăn cỏ chứ không phun thuốc trừ cỏ độc hại. Sau đó, phân bón được hòa với nước trong các bể lớn, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt là phân dẫn đến từng gốc cây. Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trang trại phải thực hiện “8 không”, đó là: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Bưởi Diễn trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ có sức chống chịu sâu bệnh tốt, tuy trái nhỏ, nhưng vị ngọt đậm, bưởi sau khi thu hoạch có thể để tới 1 - 2 tháng chưa hỏng.
Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã phát triển được 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC, hơn 760 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và tiến tới công nhận hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao...
Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã phát triển được 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC, hơn 760 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và tiến tới công nhận hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, như: lúa - cá ở huyện Hà Trung với diện tích 35 ha; lúa - rươi tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương với diện tích 8 ha; mô hình lúa hữu cơ tại huyện Yên Định, Nông Cống 20 ha; mô hình bưởi hữu cơ Yên Định 12 ha; mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ tại Vĩnh Lộc... Cùng với đó là diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao trồng các loại dưa Kim Hoàng hậu, rau các loại...
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển NNHC trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn hạn chế, chỉ mới mang tính sản xuất theo hướng hữu cơ và quy mô còn nhỏ, manh mún. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định Nguyễn Xuân Tùng cho biết, chi phí cho sản xuất NNHC cao nhưng giá thành không cạnh tranh được với sản xuất truyền thống; ngoài ra trong nhiều trường hợp sản phẩm còn có hình thức không đẹp, không bắt mắt; người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ nên các sản phẩm khó tìm thị trường đầu ra.
Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động, khó thực hiện trên diện rộng. Với những vùng sản xuất trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Đồng thời, phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm nên nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với những kỹ thuật sản xuất mới.
Vĩnh Phúc: Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn phục vụ dịp Tết
Hiện nay, đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến đàn gia súc, gia cầm (GSGC) không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Những ngày này, lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở đồng loạt triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 2/2023, tạo miễn dịch quần thể, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn phục vụ dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Nhân viên thú y xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) tiêm phòng vắc xin cho đàn bò sữa của hộ gia đình ông Đỗ Văn Quế.
Với quy mô chăn nuôi 3.000 gà đẻ, ông Vũ Văn Trung, xã Thanh Vân (Tam Dương) luôn chủ động tiêm phòng vắc xin bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước tác động của thời tiết, dịch bệnh.
Ông Trung cho biết: "Với gà đẻ lại đang trong giai đoạn chuyển mùa nên nguy cơ mắc các loại dịch bệnh như cúm gia cầm có thể xảy ra trên đàn vật nuôi bất cứ lúc nào. Vì vậy, gia đình không bỏ sót bất kỳ mũi vắc xin nào cho đàn gà; luôn tiêm đúng, tiêm đủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và cơ quan chuyên môn, nhất là khi thời tiết chuyển mùa; phun khử khuẩn 1 tuần/lần; quét, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi trước khi nuôi lứa gà mới. Nhờ vậy, đàn gà luôn khỏe mạnh, tăng khả năng miễn dịch, cho sản lượng trứng cao".
Xác định tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, một năm 2 lần, ông Đỗ Văn Quế, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đã chủ động tiêm phòng cho đàn bò.
Ông Quế cho biết: "Hiện nay, thời tiết đang giao mùa, khí hậu có biến đổi thất thường nên đàn bò sữa dễ mắc một số bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng... Do đó, gia đình thường xuyên theo dõi, định kỳ tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn bò; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Linh hoạt phối trộn nguồn thức ăn hỗn hợp bao gồm cả thức ăn thô xanh, thức ăn khô và tinh bột, đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò đề đàn bò cho sản lượng sữa cao nhất; đầu tư mua máy phun thuốc khử trùng xung quanh chuồng trại; bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Với 40 con bò sữa, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập hằng trăm triệu đồng".
Theo kế hoạch, từ ngày 1-31/10/2023, toàn tỉnh triển khai kế hoạch tiêm phòng 6 loại bệnh trên vật nuôi gồm cúm gia cầm; lở mồm long móng gia súc; bệnh tai xanh, dịch tả ở lợn; bệnh tụ huyết trùng trâu bò; bệnh dại ở chó mèo và phun khử trùng tiêu độc (KTTĐ) môi trường chăn nuôi đợt 2/2023.
Đảm bảo công tác tiêm phòng vắc xin đợt 2 đạt kết quả, trước các đợt tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chuẩn bị nhân lực, dụng cụ, vật tư; nhân viên thú y các địa phương thống kê, rà soát danh sách đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng tới từng thôn, từng hộ triển khai công tác tiêm phòng.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng tiêm phòng cũng như bảo quản vắc xin trước và trong quá trình tiêm phòng cho lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC.
Thành lập Tổ thường trực nhập, xuất vật tư, vắc xin, tổng hợp tiến độ tiêm, phun KTTĐ và các Tổ kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêm phòng, phun KTTĐ môi trường chăn nuôi năm 2023, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện; huy động và phân công cán bộ làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ phục vụ công tác tiêm phòng, phun KTTĐ đợt 2/2023.
Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố triển khai kế hoạch tiêm phòng, phối hợp với UBND cấp xã thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, xóm và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện.
Trong quá trình triển khai tiêm phòng, chi cục đã phân công cán bộ chuyên môn về các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, giám sát việc tổ chức, triển khai tiêm phòng vắc xin GSGC đúng yêu cầu và tỷ lệ theo quy định. Tổ chức giám sát, đánh giá sau tiêm phòng để cảnh báo, khuyến cáo sử dụng vắc xin phù hợp, hiệu quả.
Theo ngành thú y, việc chấp hành tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi là quy định bắt buộc của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, tổ chức có hoạt động chăn nuôi GSGC.
Các hành vi không chấp hành quy định tiêm phòng, làm phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn GSGC phải chịu trách nhiệm theo Luật Thú y và được quy định chi tiết tại điều 7, Nghị định số 90 ngày 31/7/2017 và điều 2, Nghị định số 04 ngày 03/01/2020 của Chính phủ, quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện phòng bệnh bằng vacxin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật nuôi. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vì không tiêm phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng.
Tiêm phòng vắc xin cho đàn GSGC đúng định kỳ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật mới đạt hiệu quả phòng dịch bệnh tốt. Ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền, cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần nêu cao tinh thần tự giác, tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ đàn GSGC của gia đình./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.