Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 3 năm 2024 | 14:54

Thanh niên Tây Bắc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao

Những năm qua, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhiều thanh niên khu vực miền núi phía Bắc đã vượt khó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thu nhập cao.

Thanh niên Tạ Bú khởi nghiệp

Những năm gần đây, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Mường La (Sơn La) đã lựa chọn mô hình kinh tế tập thể để khởi nghiệp. Các HTX do thanh niên làm chủ đều hoạt động có hiệu quả cao, điển hình là HTX nông sản HT, với nhiều sản phẩm từ chuối đã tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Các thành viên HTX nông sản HT quảng bá sản phẩm.

Toàn huyện Mường La có hơn 1.400 ha trồng chuối, tập trung chủ yếu ở xã Mường Bú, Tạ Bú, thị trấn Ít Ong... mỗi năm cho sản lượng hàng chục nghìn tấn. Xã Tạ Bú có diện tích chuối lớn, diện tích gần 120 ha, năng suất bình đạt trên 10 tấn quả/ha, thu hoạch rải đều các tháng trong năm. 

Chị Lò Thị Thanh, HTX nông sản HT, xã Tạ Bú, huyện Mường La cho biết: Nhận thấy Mường La có nguồn nguyên liệu chuối dồi dào, tuy nhiên, bà con trong vùng chỉ bán đến sản phẩm thô, chưa có sản phẩm chế biến, đặc tính của chuối là loại trái cây nhanh chín, dễ mềm qua quá trình vận chuyển xa làm chuối dễ bị dập, giảm giá thành. Qua nghiên cứu tôi đã có ý tưởng chế biến chuối thô thành các sản phẩm từ chuối, tôi đã tập hợp một số cán bộ đoàn xã và thanh niên trong xã thành lập HTX nông sản HT, vốn hoạt động trên 200 triệu đồng, đầu tư máy chiên, máy sấy công nghiệp, máy hút chân không… phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm từ chuối.

Đến nay, Hợp tác xã nông sản HT hiện có 10 thành viên tham gia, hầu hết là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Tạ Bú. Hiện tại, HTX đang chế biến sản xuất 5 sản phẩm chuối, gồm: Chuối ngào đường, chuối lắc phô mai vị mặn, chuối lắc phô mai vị mặn cay, chuối sấy không đường và chuối sấy dẻo. Bình quân, mỗi tháng HTX xuất bán được từ 1.500 – 2.000 sản phẩm, doanh thu đạt hơn 30 - 40 triệu/tháng.

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, HTX đã xuất bán được trên 3.000 sản phẩm, không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc. Tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương và 5-7 lao động thời vụ, thu nhập cho lao động từ 5 – 7 triệu đồng/tháng/người.

Chị Lò Thị Hoa, tiểu khu 1, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, nhân viên HTX nông sản HT, nói: Làm việc tại HTX, tôi tham gia chế biến các sản phẩm từ chuối, công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của mình lại đem lại nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ khó khăn hơn.

Bên cạnh việc chú trọng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, hướng dẫn các hộ thành viên chăm sóc, nâng cao sản lượng diện tích cây chuối, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn.

Anh Lò Văn Hà, thành viên HTX nông sản HT, chia sẻ: Gia đình tôi có hơn gần 2 ha trồng chuối. Trước đây, chưa tham gia HTX, việc tiêu thụ chuối rất khó khăn, giá cả thị trường lúc lên lúc xuống, thu nhập từ bán chuối không ổn định. Từ khi tham gia HTX nông sản HT, được HTX thu mua với giá ổn định, giờ đây chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm nữa mà tập trung nâng cao sản lượng, diện tích chuối để đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho HTX.

Ngoài việc thu mua và sản xuất các sản phẩm từ chuối, HTX còn thu mua, liên kết, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương trên địa bàn huyện. Hợp tác xã sản xuất và bán các sản phẩm nông sản, như: Mật ong, chẩm chéo, măng ớt, ớt khô, má khén, hạt dổi và các nông sản theo mùa như xoài, nhãn, chuối, mít…

Gian trưng bày sản phẩm của HTX nông sản HT.

Phát huy sức trẻ, năng động, sáng tạo, biết nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, có những cách làm mới để mang lại hiệu quả, HTX đã lập các tài khoản trên một số nền tảng xã hội, như: Facebook, Tik Tok để quảng bá rộng rãi các sản phẩm. Tích cực liên kết với nhiều mối hàng hóa ở Hà nội, Thái Bình, Homestay ở Bắc Yên, Mộc châu và tham gia các gian hàng hội chợ do tỉnh, huyện tổ chức, như: Gian hàng trưng bày tại Ngày hội toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023, Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La; Festival Khèn Mông tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; lên kết với các nhà phân phối bán các sản phẩm tại gian hàng tết của Vincom Plaza Sơn La.

Tiếp tục mở rộng sản xuất, HTX sẽ tìm kiếm thị trường, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đồng thời phát triển thêm các sản phẩm. HTX mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn vay vàcác hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để sản phẩm nông sản của HTX để nhiều người tiêu dùng biết đến, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Người trẻ Yên Bái lập nghiệp trên quê hương

Trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì để phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, là trăn trở của nhiều người, nhất là những bạn trẻ khi quyết định ở lại quê hương lập thân, lập nghiệp. Không ngừng nỗ lực, sáng tạo, đổi mới, nhiều bạn trẻ đã tìm được lời giải cho câu hỏi này.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm khu vườn trồng nho của Hợp tác xã “Sáu không Farm” của anh Lục Vân Anh

Trồng đu đủ đực lấy hoa

Hà Minh Hải (sinh năm 1992) - Phó Bí thư Đoàn xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn là một trong những người tiên phong ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi đất trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng cây đu đủ đực lấy hoa trên diện tích 5ha để phát triển kinh tế gia đình. Đây là dự án mang nhiều tâm huyết của Hải. Bởi vậy trước khi thực hiện, Hải đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về loại cây này cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Nhận thấy, đu đủ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại khí hậu, thổ nhưỡng; sản phẩm hoa đu đủ đực có nhiều công dụng, được ví là loài cây thuốc quý chữa nhiều loại bệnh như: viêm họng, ho, sỏi thận, tiểu đường, huyết áp... nên Hải đã lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện Dự án. Mọi công đoạn từ trồng, chăm sóc, chế biến đến xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm ra thị trường, anh đều trực tiếp tham gia làm và thực hiện. 

Mô hình trồng đu đủ đực lấy hoa cho hiệu quả kinh tế cao của anh Hà Minh Hải, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. 

Theo Hải chia sẻ, cây đu đủ sẽ cho hoa sau 4 tháng trồng và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 năm. Năm đầu tiên, một cây hoa đu đủ đực sẽ cho thu hoạch khoảng 0,3kg hoa/đợt. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi cây sẽ cho từ 0,5kg - 0,7kg hoa/cây/đợt; sang năm thứ 3, cây nào nhiều nhánh sẽ cho thu từ 1-2kg hoa/cây/đợt; sản lượng đạt khoảng 7-8 tấn hoa/ha/năm. Sau mỗi lần thu hoạch chỉ cần bón phân, tưới nước và cắt cỏ. 

Mặc dù mới bắt đầu trồng thử nghiệm từ năm 2023, song ngay trong lứa thu hoạch đầu tiên, gia đình Hải đã thu về khoảng 5 tấn hoa với giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, thu về trên 100 triệu đồng. Trồng đu đủ đực lấy hoa cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng và hoa màu khác. Ngoài bán lẻ, giao buôn cho các thương lái, cung cấp cho cơ sở sản xuất thuốc đông y, gia đình Hà Minh Hải còn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để tự sản xuất, chế biến "Trà nụ hoa đu đủ đực” đóng túi lọc, thuận tiện cho người sử dụng. 

Hiện tại, mô hình trồng đu đủ đực lấy hoa của gia đình Hải đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đồng thời mở hướng cho nhiều hộ nông dân học tập, làm theo. Hà Minh Hải tâm sự: "Thời gian tới, em sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất, đưa thương hiệu "Trà nụ hoa đu đủ đực” tới nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, chăm sóc tốt diện tích trồng hiện có để cây cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hướng tới xây dựng trở thành sản phẩm OCOP của địa phương”.

Làm nông nghiệp "sáu không”

Mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, đó cũng là bí quyết để anh Lục Vân Anh (dân tộc Tày) sinh năm 1987 ở thị  trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đạt được những thành công trên con đường làm nông nghiệp sạch. Vốn là một thạc sĩ nông nghiệp nên khi trở về địa phương công tác, Lục Vân Anh đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) "Sáu không Farm” (không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, giống biến đổi gen, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ và không canh tác trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm...). 

Lục Vân Anh tâm sự: "Mặc dù ban đầu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm thực tế, chưa xây dựng, quảng bá được thương hiệu cho các sản phẩm… Tuy nhiên, bằng tất cả tình yêu và đam mê dành cho nông nghiệp, tôi đã tự mày mò học hỏi và nỗ lực để biến ước mơ của mình thành hiện thực”. 

Ban đầu, HTX "Sáu không Farm” chỉ trồng thử nghiệm các loại rau màu, củ, quả trêm diện tích khoảng 10.000 m2, sau đó, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà kính trên diện tích 5.000 m2 và liên kết với các hộ dân tại thị trấn Yên Thế để trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Nhờ có bước đi đúng hướng nên đến nay, HTX "Sáu không Farm” đã mở rộng diện tích nhà màng, nhà kính lên khoảng 13.000 m2 tại xã Tân Lập và thị trấn Yên Thế. Về đầu ra, anh Lục Vân Anh đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Lục Yên cung cấp rau cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử. 

Hiện tại, sản phẩm của "Sáu không Farm” đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở thành phố Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng… Bình quân, HTX "Sáu không Farm” cho sản lượng từ 60-80 tấn rau, củ, quả/năm. Tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/năm; tạo việc làm trực tiếp cho 5 lao động là thanh niên nông thôn và 10-15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, đồng thời giúp đỡ 15 hộ liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định. 

Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp sạch, anh Lục Vân Anh còn đang đẩy mạnh mô hình trải nghiệm, giáo dục, du lịch cho các gia đình đến tham quan, trải nghiệm tự trồng, tự chăm sóc, thu hoạch nông sản vào dịp cuối tuần, góp phần tác động không nhỏ đến tư duy sản xuất nông nghiệp sạch, ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn huyện Lục Yên nói riêng và trong tỉnh nói chung. Mô hình của anh cũng trở thành điển hình về phát triển kinh tế xanh tại địa phương. 

Từ những đóng góp thiết thực, năm 2022, anh Lục Vân Anh đã vinh dự là một trong số 32 thanh niên cả nước được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng và là một trong 2 đại biểu dân tộc thiểu số đạt giải thưởng Lương Định Của nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi năm 2022.

Xây dựng mô hình "VAC” kết hợp làm du lịch

Dám ước mơ và luôn nỗ lực để thực hiện ước mơ, đó cũng là điều đã giúp Ngô Quang Hà sinh năm 1992 ở thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên xây dựng được mô hình phát triển kinh tế VAC phù hợp với điều kiện của gia đình. Trên diện tích hơn 4 ha, Hà dành 3 ha để trồng quế, còn lại dành để trồng rau và quy hoạch khu chăn nuôi lợn đen bản địa, bò sinh sản, các loại gà, vịt và đào ao thả cá. Hải cũng đã chuyển đổi 6 sào ruộng của gia đình sang nuôi ốc để nâng cao thu nhập. 

Ngô Quang Hà tâm sự: "Sinh sống ở vùng cao, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, ở đây, chúng em lại có lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu. Do đó, em luôn tự nhủ, nếu có đủ nỗ lực, quyết tâm thì "sỏi đá cũng thành cơm”. 

Không có điều kiện được học hành bài bản, song nhờ có sự năng động, tư duy nhạy bén, Ngô Quang Hà đã biết sử dụng mạng Internet làm cầu nối để học tập những kiến thức làm nông nghiệp, áp dụng vào thực tế. 

Cùng đó, Hà cũng đã dành thời gian để tham quan học hỏi một số mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương. Hiện tại, mô hình VAC của Ngô Quang Hà đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tại xã vùng cao Phong Dụ Thượng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây cũng là mô hình mới trong phát triển kinh tế khi Ngô Quang Hà đã biết kết hợp làm kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng. 

Hà chia sẻ: "Phong Dụ Thượng có nhiều cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đa dạng, phong phú nên phát huy lợi thế này, em đã đầu tư cải tạo, sửa sang lại nhà cửa để làm homestay và bước đầu đã thu hút được nhiều du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng”. 

Những tấm gương điển hình như Hà Minh Hải, Lục Vân Anh, Ngô Quang Hà và còn nhiều, nhiều nữa có thể khẳng định "không có gì là không thể” và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương cũng không còn là điều mới lạ. Bởi vậy, các bạn trẻ hãy luôn tự tin, nỗ lực để mạnh dạn lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình!

Nậm Nhùn đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Huyện đoàn Nậm Nhùn (Lai Châu) có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên.

Chúng tôi có mặt tại bản Nậm Manh (xã Nậm Manh) khi nhiều thanh niên đang làm luống, lắp đặt hệ thống nước tưới và làm nhà lưới để trồng bí xanh. Đây là mô hình trồng bí sạch được Huyện đoàn Nậm Nhùn cùng Đoàn xã hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và đầu ra sau khi được thu hoạch. Anh Vàng Văn Phiêng ở bản Nậm Manh cho biết: Mô hình là cơ hội để nâng cao thu nhập cho thanh niên của bản nên ai cũng rất tích cực tham gia. Đến thời điểm này, mô hình đã hoàn thành và chỉ sau 3-4 tháng sẽ cho vụ thu hoạch đầu tiên. Không chỉ trồng bí xanh, hiện thanh niên trong bản còn triển khai trồng quế, đẳng sâm và tiến tới trồng sâm Lai Châu nữa.

Tại xã Mường Mô, nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao cũng nhờ những hỗ trợ từ tổ chức Đoàn từ huyện đến các bản. Trong đó, nổi bật như: mô hình trồng quế, xoài, nuôi gia súc, thủy sản, nhất là mô hình nuôi cá lồng kết hợp với dịch vụ du lịch của Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô. Anh Lù Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô cho biết: Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, vất vả nhưng với thanh niên chỉ cần có quyết tâm, kiến thức và sự hỗ trợ kịp thời là có thể làm được. Tôi hiện có 30 lồng nuôi cá, trong đó nuôi cá đặc sản như: lăng chấm, chiên chấm. Từ dịch vụ du lịch, ăn uống, tiếp đón khách đến thăm quan lòng hồ đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm từ 3-5 lao động địa phương.

Thanh niên xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) thành công với mô hình trồng dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để hình thành các mô hình kinh tế như trên, Huyện đoàn Nậm Nhùn tích cực đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình kinh tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm tại thành phố Lai Châu, các huyện: Tam Đường, Than Uyên. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo phân bổ của Tỉnh đoàn tại xã, thị trấn huyện. Thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác giảm nghèo cho cán bộ đoàn, đoàn viên trên địa bàn và thông tin về các mô hình phát triển kinh tế. Năm 2023, Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho thanh niên vay vốn để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Đến nay có 8/11 đoàn cơ sở nhận ủy thác với 28 tổ, 923 tổ viên, tổng dư nợ trên 58 tỷ đồng.

Ngoài ra, tập trung tổ chức các hoạt động tạo môi trường để thanh niên phát huy tính sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động, phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả lao động. Xây dựng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế. Tổ chức các chương trình kết nối doanh nhân trẻ; phát huy vai trò của các chuyên gia trên các lĩnh vực, các doanh nhân trẻ; công chức trẻ trong cơ quan quản lý Nhà nước tham gia tư vấn hỗ trợ thanh niên; vận động doanh nhân đầu tư vào ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn. Phối hợp với các phòng, ban của huyện tham mưu cho UBND huyện có cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp.

Chị Vàng Thị Lun - Bí thư Huyện đoàn Nậm Nhùn cho biết: Thời gian tới, để phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các xã trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho thanh niên sử dụng vốn. Mỗi dự án khi thành công phải có tính lan tỏa, là nguồn cảm hứng, động lực mạnh mẽ cho các thanh niên khác học tập và làm theo. Tiếp tục đưa thanh niên đi tham quan, học hỏi các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn.

Nhờ thực hiện hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế của thanh niên mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó điển hình như: trồng cà gai leo của Hợp tác xã Thanh niên Trường Thịnh tại thị trấn Nậm Nhùn; nuôi cá lồng của thanh niên xã Mường Mô; trồng dứa, cây ăn quả của thanh niên xã Lê Lợi, Nậm Hàng; nuôi gà đen, nuôi đại gia súc của thanh niên các xã: Pú Đao, Nậm Ban, Hua Bum. Các mô hình không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn giải quyết được hàng trăm việc làm cho thanh niên, người dân tại địa phương. Đến nay, huyện Nậm Nhùn đạt mức thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm; nông thôn mới đạt 12,6 tiêu chí/xã cũng nhờ những đóng góp quan trọng của đoàn viên, thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tin tưởng rằng, với những ý tưởng và sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành, thanh niên vùng Tây Bắc sẽ góp sức nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

 

Theo baolaichau.vn, baoyenbai.com.vn, baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top