Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng được phát triển sâu rộng góp phần làm thay đổi mạnh mẽ phương thức, tập quán sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, thôn Liên Ấp (xã Việt Đoàn) là một trong những “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Bắc Ninh: Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Tại huyện Tiên Du, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng được phát triển sâu rộng góp phần làm thay đổi mạnh mẽ phương thức, tập quán sản xuất của nhân dân. Nhiều nông dân đã thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm và làm có hiệu quả từ các mô hình kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.
Vốn học chuyên ngành về thú y tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, trở về địa phương công tác, anh Nguyễn Hải Nam ở thôn Thượng (xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du) luôn trăn trở tìm hướng vừa phát triển kinh tế lại vận dụng được kiến thức đã học. Năm 2018, sau thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình, anh quyết định nuôi giống thỏ New Zealand. Sau khi nuôi thành công 40 cặp thỏ bố mẹ ban đầu, 2 năm sau anh Nam mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại với diện tích khoảng 720m2 và mua 100 con thỏ nái. Chuồng trại được lắp đặt hệ thống tự động làm mát, cách nhiệt, quạt thông gió, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để thỏ phát triển. Đặc biệt, để thỏ đạt chất lượng cao, anh luôn chú ý đến việc đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, đàn thỏ phát triển nhanh, đảm bảo đúng thời gian sinh sản và xuất chuồng. Đến nay anh Nam đã có trong tay 290 con bố mẹ, 1.200 con thỏ thương phẩm, mô hình của anh cho thu lãi khoảng 350 triệu đồng/ năm.
Cùng với gia đình anh Nam, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn huyện Tiên Du phát triển sâu rộng, với nhiều mô hình điển hình trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn. Trong năm 2022, toàn huyện có 12.000 hộ đăng ký, trong đó có 10.300 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, điển hình như: hội viên Nguyễn Văn Hiệp thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022; mô hình kinh tế của ông Nguyễn Văn Tích, ông Nguyễn Hữu Khởi xã Việt Đoàn, bà Nguyễn Thị Mơ xã Phú Lâm, ông Nguyễn Đăng Hiển xã Tân Chi, bà Nguyễn Thị Nhung xã Cảnh Hưng…
Để triển khai hiệu quả phong trào, Hội Nông dân các cấp huyện Tiên Du tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai địa phương, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Năm 2022, Hội Nông dân huyện Tiên Du phối với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn 46 buổi chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho gần 4 nghìn lượt hội viên tham gia; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng 5.565 tấn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại cho nông dân theo hình thức trả chậm; rà soát hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề để đăng ký với các cơ quan chức năng và tổ chức 5 lớp dạy nghề kỹ thuật trồng rau, nấm, chế biến món ăn cho 123 hội viên …
Hội Nông dân huyện và cơ sở duy trì hoạt động 92 tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận uỷ thác, tín chấp giúp hơn 3.600 hội viên vay hơn 136 tỷ đồng vốn ưu đãi từ các ngân hàng và quỹ Hội để phát triển sản xuất kinh doanh. Thông qua chương trình vay vốn của các Ngân hàng và quỹ Hội đã tạo được sự tin tưởng, phấn khởi cho hội viên nông dân, giúp các hộ có vốn kịp thời, thêm kinh phí mở rộng đầu tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị, cây trồng, con giống mới, hạn chế tình trạng vay lãi cao trong nông thôn, cải thiện điều kiện sinh hoạt, giảm được khó khăn trong cuộc sống.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, năm 2023, Hội Nông dân huyện Tiên Du đặt mục tiêu phấn đấu có 10.000 hộ Nông dân đăng ký và 8.000 hộ Nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; dạy nghề, đào tạo nghề cho 500 hội viên, nông dân; xây dựng 5 tổ hội nghề nghiệp; 19.000 hội viên nâng dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo vệ sinh thực phẩm… Để đạt được các mục tiêu và nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cùng với việc hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng chương trình liên kết “4 nhà” giúp hội viên vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc.
Thanh Hóa: Chế biến để tăng sức cạnh tranh cho nông sản
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho nông sản góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).
Tại huyện Quảng Xương, vài năm trở lại đây, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như: dưa vàng Kim Hoàng Hậu, su su, ngọn su su và các loại rau an toàn... đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, ổn định đầu tư đầu vào và đầu ra cho sản nông sản. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp của bà con cũng còn nhiều hạn chế với quy mô nhỏ lẻ không tập trung nên thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương, còn người nông dân không có lãi.
Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp. Nhằm khắc phục tình trạng trên để tìm ra hướng đi mới cho nông dân, từ cuối năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Hợp thành lập và trở thành nhà cung cấp thực phẩm cho một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong Thanh Hóa, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, Công ty CP Mía đường Lam Sơn... Ngoài ra, một số sản phẩm của HTX được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Winmart; được in logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số.
Mới tham gia chế biến nông sản sấy khô nhưng sản phẩm ngô, khoai lang, khoai tây, chuối sấy... của Công ty CP Chế biến thực phẩm Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa. Có được thành công này, công ty đã đầu tư dây chuyền sấy chân không hiện đại để cho ra đời sản phẩm nông sản sấy giòn, giữ nguyên hương vị tươi tự nhiên và không sử dụng dầu chiên cũng như chất bảo quản. Từ những nông sản cơ bản này, công ty nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ, người già, người ăn kiêng, như khoai sấy mật ong, gạo lứt sấy muối mè, ngũ cốc sấy... Giá trị nông sản đã tăng khoảng 200% so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu. Hiện tại, mỗi năm công ty thu mua hàng nghìn tấn nông sản tươi của các địa phương và các tỉnh lân cận, cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn ngô sấy, 150 tấn khoai lang sấy và 100 tấn chuối sấy thông qua các hệ thống bán hàng trong tỉnh.
Có thể nói, nhờ đầu tư cho công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bước phát triển mới này không chỉ mở ra tín hiệu tích cực trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm nông sản hàng hóa mà còn giúp các doanh nghiệp có nhận thức đúng hơn trong việc định hướng phát triển sản phẩm. Ngoài chỉ tiêu chất lượng thì đây là những điều kiện đủ để nâng tầm nông sản trên thị trường.
Tính đến nay, cả tỉnh có gần 600 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp, góp phần đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu (XK) tới hơn 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, đa số công nghệ và chất lượng chế biến nông sản chỉ đạt mức độ trung bình. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, mặc dù kim ngạch XK nông sản của tỉnh có mức tăng trưởng hằng năm khá (bình quân tăng khoảng 5 đến 7%/năm), song sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu... Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản.
Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy: Năm 2022, mặc dù đa phần các mặt hàng nông, thủy sản có lượng XK tăng, tuy nhiên kim ngạch XK giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân một phần do tác động của thị trường thế giới, phần khác do nông sản của tỉnh chủ yếu XK thô, giá bình quân giảm mạnh làm cho kim ngạch XK giảm. Điều này khiến các mặt hàng nông sản khó cạnh tranh và không có thương hiệu.
Nhằm nâng cao chất lượng cũng như gia tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các tổ chức, DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến... Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, cần phải tổ chức phát triển liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ tại từng địa phương, từng vùng có sản lượng nông sản lớn, để bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cùng với đó, nên sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất thuế cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư; bảo đảm công bằng trong việc đánh thuế VAT giữa hàng hóa XK và tiêu thụ nội địa.
UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất hàng hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các vùng, ngành, từng sản phẩm để phát huy lợi thế của địa phương, gắn quy hoạch theo nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị cũng cần được đẩy mạnh để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong những năm tới.
Hà Nội: Toàn thành phố trồng hơn 14.000ha rau màu vụ xuân
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến nay, các địa phương đã gieo trồng được 14.054,9ha rau màu vụ xuân, đạt 68,28% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cây ngô đạt 2.156,1ha, lạc 760,1ha, rau ăn lá 7.053,7ha; đã có 828ha rau màu các loại đến kỳ thu hoạch.
Bà con nông dân tất bật xuống đồng thu hoạch rau màu cung ứng cho thị trường.
Qua kiểm tra thực tế của ngành Nông nghiệp Thủ đô tại các địa phương cho thấy, diện tích rau màu đã xuống giống đều phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, đạt cả về năng suất và chất lượng. Các loại rau ăn lá có thời gian thu hoạch nhanh, giá bán tốt nên nhiều vùng chuyên canh diện tích lớn. Với thời tiết thuận lợi như hiện nay, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương nên đa dạng các loại rau, củ, quả khi xuống giống, tránh xuống giống cùng một loại dẫn tới dư thừa cục bộ, dễ bị sụt giá khi vào vụ thu hoạch.
Cùng với đó, cần chăm sóc tốt rau màu, bón thúc, vun xới, tưới tiêu phù hợp, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật. Cán bộ bảo vệ thực vật tại các vùng rau chuyên canh cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại để kịp thời hỗ trợ nông dân phòng trừ hiệu quả./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.