Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 7 tháng 12 năm 2022 | 16:15

Thu nhập cao nhờ phát triển kinh tế VAC

Thời gian qua, với sự nỗ lực của Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mô hình kinh tế VAC ngày càng phát triển sâu rộng, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Nhìn vườn sầu riêng trĩu quả của gia đình ông Cao Nguyên Lâm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), ít ai biết rằng ông chỉ mới tiếp cận kỹ thuật trồng loại cây này vài năm nay. Ông Lâm cho biết, hơn 30 năm trước, ông đi kinh tế mới và lập nghiệp ở vùng đất này. Ban đầu, ông vay vốn ngân hàng để nuôi bò và trồng cao su, sau đó mới dần mua gom đất và đa dạng hóa cây trồng với cà phê, các loại cây ngắn ngày và trồng rừng nguyên liệu, làm trang trại. Cách đây vài năm, ông là người tiên phong đưa cây sầu riêng về trồng trên đất Ea Bar.

“Những năm đầu chưa có kinh nghiệm, chưa nắm rõ kỹ thuật, tôi gặp không ít thất bại, vườn sầu riêng không phát triển như mong muốn. Sau thời gian tìm hiểu, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và được cán bộ Hội Làm vườn địa phương khuyến khích, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, gia đình giải phóng đáng kể sức lao động, kiểm soát được lượng nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu cho cây. Hiện vườn sầu riêng 600 cây của gia đình đang phát triển tốt; những trái sầu riêng đẹp, đều, chất lượng thơm ngon, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước”, ông Lâm nói.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nhiều mô hình sản xuất

Tại TP. Tuy Hòa, gia đình bà Nguyễn Thị Tố Trinh ở xã Bình Kiến đang chăm sóc vườn cây với hơn 200 chậu cúc và gần 1.000 chậu quất chờ bán dịp Tết Nguyên đán Quý Mão - 2023. Theo bà Trinh, trồng hoa, cây cảnh là nghề truyền thống của người dân Bình Kiến nên không riêng gia đình bà mà nhiều hộ dân ở đây cũng gắn bó với nghề này.

“Ban đầu, mọi người trồng cúc, quất và nhiều loại hoa, cây cảnh khác theo kiểu “xưa sao nay vậy”, người này hướng dẫn người kia chứ không ai được đào tạo bài bản. Nhiều năm, thời tiết bất lợi, hoa, cây cảnh không đạt, người trồng thất thu. Lúc này, mọi người mới thấy tầm quan trọng của việc tham gia các lớp tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với kinh nghiệm của nhà vườn lâu nay nên tỉ lệ thành công tăng lên. Hiện nay, đa phần mọi người đều có thể canh để hoa, trái ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và mang lại thu nhập đáng kể cho nhà vườn”, bà Trinh cho biết.

Ngoài gia đình ông Lâm, bà Trinh, thời gian qua, hội viên Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn triển khai nhiều mô hình VAC hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định. Có thể kể đến như nhiều hội viên ở huyện Đồng Xuân, TX. Sông Cầu trồng keo bạch đàn, thu lãi 40-50 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng hàng chục hecta rừng, đến kỳ thu hoạch, thu lợi nhuận 500 triệu đồng/hộ. Hay như hội viên ở huyện Phú Hòa trồng dứa ở vùng Đồng Din, thu lãi 100 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình trồng rau, củ, quả ở các xã Hòa An (huyện Phú Hòa), Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), các phường Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc (TX. Đông Hòa)… đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo nguồn thu cao và ổn định đời sống cho hội viên. Nhiều hộ nuôi dông, cút, vịt xiêm ở TX. Đông Hòa; nuôi heo rừng lai, nuôi hươu lấy nhung, nuôi gà sao, nuôi rùa ở huyện Sông Hinh, Tuy An; nuôi cá nước ngọt ở huyện Phú Hòa… cũng mang lại thu nhập khá cao.

Tạo nguồn thu ổn định, bền vững

Theo Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên,  toàn tỉnh hiện có gần 40.800 hội viên, có mặt ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn. Những năm qua, Hội đã phát động phong trào phát triển kinh tế VAC quy mô hộ gia đình và trang trại; vận động hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là xóa đói giảm nghèo và làm giàu, phát triển kinh tế VAC hàng hóa theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP). Phong trào làm kinh tế VAC phát triển càng ngày càng rộng khắp ở nông thôn, đồng bằng, miền núi, thị xã, thành phố, góp phần đa dạng hóa các vật nuôi, cây trồng, thu hút hàng vạn lao động tham gia, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững, hộ nghèo thu hẹp, hộ giàu tăng lên...

Các đại biểu biểu quyết bầu Ban chấp hành Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên khoá mới

“Để có được kết quả nói trên, hằng năm, Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, lâm, ngư các huyện, thị xã, thành phố và Hội Nông dân các cấp tập huấn kỹ thuật cho hội viên, nông dân; tổ chức tham quan trao đổi kỹ thuật, hướng dẫn, động viên, khuyến khích hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế VAC. Hằng năm, Hội Làm vườn cơ sở đã bình chọn hàng trăm hộ làm vườn giỏi, đề nghị Tỉnh Hội xét khen thưởng. Từ việc phát triển kinh tế VAC và thu lợi nhuận cao, các mô hình này đã thu hút được nhiều lực lượng lao động ở nông thôn tham gia, có việc làm thường xuyên, giúp nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định và phát triển”, đại diện lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên cho biết.

Theo lãnh đạo Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên, xác định phong trào phát triển kinh tế VAC sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xóa nghèo và làm giàu cho nông dân trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí về vườn mẫu nông thôn mới, vườn mẫu nâng cao, thời gian tới, Hội Làm vườn các cấp trên địa bàn sẽ tiếp tục chủ động đề xuất xây dựng các mô hình VAC phù hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động đào tạo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật xây dựng phát triển kinh tế VAC: vườn rừng, vườn quả, vườn cây công nghiệp, vườn rau, hoa, củ quả, thủy đặc sản, động vật quý hiếm trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và có lợi thế để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hội cũng sẽ tiến hành tập huấn kỹ thuật VAC ngắn ngày, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật theo phương thức cầm tay chỉ việc tại chuồng, ao, vườn theo yêu cầu của hội viên, nông dân…

Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên vừa tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026, bầu Ban chấp hành gồm 17 người. Ông Lê Luân, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ mới.

Nhân dịp này, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đã gửi Thư chúc mừng. Liên hiệp các Hội Khoa học – kỹ thuật tỉnh và Hội Làm vườn tỉnh Phú Yên đã tặng Giấy khen cho 1 tập thể và 11 hội viên vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội.

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top