Diện tích đất sản xuất nông nghiệp không nhiều nhưng ông Phạm Văn Mười ở ấp Đông Hòa, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre vẫn có thể vươn lên trở thành tỉ phú nông dân.
Với sự năng động trong sản xuất kinh doanh, ông Mười không chỉ có nguồn thu nhập khá cao cho gia đình mình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương.
Nỗ lực vươn lên làm giàu
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở nông thôn, từ nhỏ ông Phạm Văn Mười vốn đã phải đối mặt với nhiều vất vả gian lao trong cuộc sống do điều kiện kinh tế ở nông thôn còn hạn chế. Có lẽ vì vậy mà đã rèn cho ông cái tính “chịu thương, chịu khó”, không quản ngại gian lao để nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bản thân ông luôn trăn trở tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học và giúp cuộc sống của gia đình mình được tốt hơn. Do có ít đất sản xuất và hạn chế về nguồn lực tài chính ban đầu để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nên ông Mười đã gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao thu nhập cho gia đình. Với ý chí cầu tiến và tinh thần ham học hỏi, chịu khó đi các nơi để tìm học các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ông Mười đã biến mảnh đất của gia đình mình thành khu vườn trồng cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Văn Mười đi thăm vườn bưởi da xanh.
Ông Phạm Văn Mười cho biết: “Gia đình tôi chỉ có tổng cộng 10.180m2 đất. Qua học tập từ các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao trong tỉnh, từ năm 2013 gia đình tôi đã quyết định sử dụng 5.000m2 đất để trồng bưởi da xanh, còn diện tích đất còn lại trồng dừa. Bưởi da xanh tôi trồng theo hướng an toàn, sử dụng phân hữu cơ đã giúp cho năng suất, chất lượng trái rất tốt và được tiêu thụ thuận lợi với mức giá khá cao, từ 25.000-37.000 đồng/kg. Trong những năm qua, vườn bưởi giúp mang lợi nhuận cho gia đình từ hơn 420 đến trên 760 triệu đồng/năm”. Với 3 công đất trồng dừa ta theo hướng hữu cơ, ông Mười cũng có thêm nguồn thu nhập khá tốt. Đồng thời, ông Mười còn liên kết cùng nhiều người dân địa phương để thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thành An nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tham gia kinh doanh vật tư nông nghiệp và lúa gạo. Không dừng lại ở đó, ông Mười còn nghiên cứu cách tận dụng nguồn phụ phẩm từ trái dừa để sản xuất sản phẩm thạch thừa thô cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu. Lúc đầu khi mới khởi nghiệp làm thạch dừa thô từ nước dừa khô, ông Mười chỉ làm cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng nhân công trong gia đình. Đến năm 2016, ông mở rộng cơ sở sản xuất theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường, giảm chi phí, giúp mang lại lợi nhuận ổn định. Hiện ông Mười đã dành diện tích đất hơn 2.000m2 để xây dựng nhà ở và khu nhà xưởng sản xuất thạch dừa. Lợi nhuận hàng năm trừ đi chi phí trên 1 tỉ đồng. Với 4 nhân khẩu trong gia đình, hiện thu nhập bình quân trên đầu người của gia đình ông đạt hơn 23 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh xây dựng được ngôi nhà ở khang trang với khá đầy đủ các tiện nghi, gia đình ông cũng đã đầu tư mua được xe ô tô phục vụ đi lại. Với nhiều thành tích nổi bật đã đạt được trong sản xuất kinh doanh, ông Mười đã được các cấp chính quyền tại tỉnh Bến Tre tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đồng thời, được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022 và trao chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017-2021.
Hỗ trợ cho những nông dân khác
Trong quá trình trồng trọt ông Mười luôn quan tâm tìm tòi học hỏi, tiếp cận các thông tin, kiến thức và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tích cực tham gia các lớp học và khóa tập huấn kỹ thuật về sản xuất các loại cây trồng vật nuôi do ngành chức năng tổ chức nhằm áp dụng vào sản xuất của mình để đạt hiệu quả cao và tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong sản xuất kinh doanh ông cũng luôn quan tâm việc đổi mới sáng tạo và thực hiện các cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt và đảm bảo các vấn đề về xã hội, môi trường. Bằng sự nỗ lực vượt khó và năng động trong sản xuất kinh doanh, ông Mười đã trở thành một tấm gương sáng để nhiều nông dân noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.
Hiện nay, ông Mười không chỉ tạo được nguồn thu nhập khá cao cho gia đình mình mà còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện cơ sở sản xuất thạch dừa của ông giúp tạo việc làm thường xuyên cho 12 người, với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Người lao động được ông hỗ trợ 100% tiền để mua bảo hiểm y tế và hàng tháng có hỗ trợ 10kg gạo/người, cũng như có các khoản tiền thưởng vào những dịp lễ và Tết.
Thời gian qua, ông Mười cũng tích cực tham gia đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn và đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ về cây giống và phân bón cho những hộ nông dân có điều kiện kinh tế còn khó khăn tại địa phương nhằm giúp bà con phát triển kinh tế gia đình. Trong sản xuất trồng trọt và kinh doanh, những kiến thức và cách làm hay được ông áp dụng tốt, ông sẵn sàng chia sẻ để bà con nông dân cùng nhau phát triển. Trong những năm qua, bản thân ông cùng gia đình mình cũng luôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để hỗ trợ bà con tại địa phương cùng phát triển, ông Mười đã đảm nhận vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Thành An, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỉ phú huyện Mỏ Cày Bắc. Hiện HTX có 153 thành viên, với khoảng 94ha đất canh tác bưởi da xanh và trồng dừa. HTX nông nghiệp Thành An không chỉ định hướng, hỗ trợ cho các thành viên trong HTX và nông dân tại địa phương sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, đạt theo hướng hữu cơ mà còn tích cực liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra trái bưởi da xanh và trái dừa. Thời gian qua, HTX cũng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để phát triển các dịch vụ và hoạt động kinh doanh phục vụ xã viên, đặc biệt là kinh doanh gạo và cung cấp phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Qua đó, giúp nông dân tại HTX được tiếp cận các loại vật tư nông nghiệp và sản phẩm dịch vụ đảm bảo chất lượng và có mức giá phù hợp. Các thành viên HTX cũng được chia lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh có lời, nhất là đối với kinh doanh gạo sạch.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.