Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của Hoàng Văn Thương ở thôn C2 - Yên Trường, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), chúng tôi thật sự cảm phục nghị lực và ý chí của gia đình anh. Những bãi màu hoang sơ trước kia, nay trở thành vườn bưởi, mít, ổi, na… bạt ngàn, xanh mướt.
Anh Thương cho biết, nếu chỉ trông chờ vào 2.000m2 trồng lúa, ngô, rau màu thì cuộc sống gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn. Với bản tính chịu khó và khát vọng làm giàu, năm 2017, anh mạnh dạn mua thêm 1,7ha đất bãi giáp bờ sông Nậm Rốn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng 100 cây bưởi da xanh, 200 cây ổi Rubi, 100 cây táo lê và gần 100 cây mít Thái, 50 cây na... Hiện, mỗi năm gia đình thu hoạch được khoảng 20 tấn quả các loại, bán giá bình quân bưởi da xanh 25.000 đồng/quả, ổi Rubi 15.000 đồng/kg, mít Thái 10.000 đồng/kg, na 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 200 triệu đồng.
Anh Thương (bên trái) được Tỉnh Đoàn Điện Biên hỗ trợ công trình, đề tài sản phẩm sáng tạo của đoàn viên thanh niên được ứng dụng vào thực tế.
Xác định gắn bó với nghề trồng cây ăn quả, gia đình anh Thương lựa chọn phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Anh không sử dụng thuốc diệt cỏ, hàng tháng sử dụng máy phát, gom cỏ ủ làm phân xanh; tận dụng phân chuồng ủ hoai mục để chăm bón cho cây; đảm bảo cho đất trồng, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Để đảm bảo chất lượng quả, gia đình anh hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thay vào đó là bao quả, dùng các loại bẫy để diệt các loại côn trùng như: ruồi vàng, ong châm, sâu, nhện hại quả...
Để chăm sóc tốt cho vườn cây, gia đình anh Thương thiết kế hệ thống nước tưới vào mùa khô như đào giếng khơi, giếng khoan. Vào vụ thu hoạch, bón phân hoặc làm cỏ, gia đình đều thuê thêm nhân công. Trong vườn, mùa nào quả nấy, thương lái đến tận vườn thu mua không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Anh Thương cho hay: “Lúc đầu mới trồng cây ăn quả, tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Quỹ đất của gia đình là đất bãi có độ dốc thấp, mùa mưa dễ bị ngập úng nên phải thiết kế hệ thống thoát nước,; phân bón dễ bị rửa trôi, gây trở ngại cho khâu chăm sóc. Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tôi tìm mua những giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có thị trường tiêu thụ. Trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc nhưng lại nhiều việc: làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Tuy nhiên, hướng phát triển kinh tế này cho thu nhập khá và ổn định nếu chăm sóc đúng kỹ thuật”.
Nhờ trồng xen canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích nên kinh tế của gia đình anh ngày một khá giả. Ngoài ra, anh luôn sẵn sàng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong thôn, bản để họ cùng phát triển kinh tế.
Ông Lò Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên, cho biết: Từ hộ nghèo, ít đất canh tác, anh Hoàng Văn Thương đã vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp của gia đình anh là địa chỉ để người dân tham quan và học tập.
Với những nỗ lực đáng ghi nhận, anh Hoàng Văn Thương được Tỉnh Đoàn Điện Biên, UBND huyện Điện Biên tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.