Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 5 năm 2023 | 10:0

“Thủ phủ” vịt bầu nơi miền Tây xứ Nghệ

Nằm cuối Quốc lộ 48, huyện biên giới Quế Phong được ví như “vương quốc” vịt bầu của miền Tây xứ Nghệ.

Vịt bầu Quế Phong không những được Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá là giống vịt có thịt ngon nhất hiện nay mà còn được xem như đặc sản quý của miền  sơn cước này. Chính vì thế, tại đây, nhiều trang trại chăn nuôi vịt bầu đua nhau ra đời.

Gặp lại ông “vua” vịt bầu

Trở lại với núi rừng miền Tây xứ Nghệ, nhắc đến loài vịt bầu hẳn không ít người nhắc đến ông Thái Diệu. Ông Diệu được bản làng xem như vị “cứu tinh” giống vịt quý này trước nguy cơ bị xóa sổ.

Trang trại chăn nuôi vịt bầu Phủ Quỳ của gia đình ông Diệu nằm dưới chân cầu Châu Tiến trên Quốc lộ 48 nối đôi bờ sông Hiếu (thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Châu Tiến của huyện Quỳ Châu với xã Tiền Phong, huyện Quế Phong). Giống vịt bầu nức tiếng đã được ông Diệu chăm sóc, gây giống và gìn giữ, nhân rộng một cách có hiệu quả.

Mỗi năm, gia đình anh Chín thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ nuôi vịt bầu Phủ Qùy.

 

Theo tìm hiểu, phóng viên Kinh tế nông thôn được biết, nguyên nhân là do tình trạng các hộ gia đình có tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi nhà chỉ 5 - 10 con, khi các nhà hàng đặc sản đổ xô lên rừng săn lùng đã đẩy giống vịt quý nổi tiếng này đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Giá vịt bầu Quỳ có thời điểm lên tới 250 - 300 nghìn đồng/con nhưng vẫn rất khó mua. Chính vào thời điểm đó, ông Thái Diệu (quê ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành) lên vùng đất này lập nghiệp.

Vốn là một trong những người nuôi vịt giỏi ở vùng quê lúa chiêm trũng của huyện Yên Thành, có lần ông đã đưa vợ con về thăm quê ngoại ở Quế Phong, biết giống vịt bầu Phủ Quỳ rất ngon, ông Diệu nảy ra ý tưởng tìm cách khôi phục và bảo vệ, giữ gìn giống vịt này cho địa phương.

Khoảng năm 1993, ông quyết định đưa vợ lên bản Đan (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) lập nghiệp với nghề nuôi vịt. Ban đầu 2 vợ chồng ông phải lặn lội đến từng thôn bản, đi từng nhà dân, có hôm sang tận nước bạn Lào để thu mua gom trứng về ấp. Tuy nhiên, ngày mua nhiều nhất cũng chỉ được 10 quả mà thôi. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì miệt mài đi thu mua. Hai năm sau, ông đã có được gần 200 con vịt thuần chủng. Đây là lứa vịt đầu tiên ông Diệu gây dựng được.

Cùng lúc đó, UBND huyện Quế Phong có chủ trương khôi phục giống vịt bầu Phủ Quỳ. Ban định canh, định cư (nay là Ban phát triển nông thôn miền núi) huyện Quế Phong đã hỗ trợ ông Diệu 20 triệu đồng nhằm giúp ông có điều kiện đầu tư mở rộng trang trại và mua máy ấp trứng. Từ đó, ông có thể cung cấp cho người dân đàn vịt giống có chất lượng tốt nhất.

Năm 2011, được sự giúp đỡ của hợp phần chăn nuôi, dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Nghệ An, doanh nghiệp Diệu Châu hình thành “Liên minh sản xuất và tiêu thụ vịt bầu Phủ Quỳ giữa doanh nghiệp và HTX chăn nuôi xã Tiền Phong - Quế Phong”, với sự tham gia của 100 hộ, quy mô 200 con giống/lứa/hộ, mỗi năm cho ra lò 2 lứa. Tại liên minh này, hai bên đã ký kết với nhau: Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm  theo giá thỏa thuận trong vòng 2 năm. Đây thực sự là “liều thuốc” giúp  nhiều hộ gia đình có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Anh Nguyễn Đình Chín (xóm 2, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong) là một trong 100 hộ được hưởng lợi từ dự án này tâm sự: Lúc đầu, gia đình được  hỗ trợ 100 con vịt giống và thức ăn. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, lứa vịt đầu tiên được xuất chuồng, thu về gần 20 triệu đồng. Số tiền này, anh tiếp tục đầu tư để tái đàn. Đến nay, tổng đàn của gia đình lên tới 2.000 con vịt đẻ và  thu nhập bình quân của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/tháng. “Nuôi vịt bầu Phủ Quỳ khỏe hơn so với các giống vịt khác vì giống vịt này có khả năng kháng bệnh cao hơn, dễ thích ứng với các loại điều kiện thời tiết đột ngột. Hiện mỗi ngày, đàn vịt của gia đình anh Chín đẻ được hơn 1.200 quả trứng. Số trứng ngày được Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu thu mua toàn bộ nên người dân không sợ bị ế”, anh Chín cho biết.

Được biết, sau khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân mang tên Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Phủ Quỳ thuần chủng, chất lượng cao, mỗi tháng ông Diệu xuất được khoảng 24.000 con vịt giống thuần chủng.

Ngoài các hộ dân trong huyện, nhiều khách hàng ở địa phương khác cũng tìm đến để mua vịt giống. Ông Diệu tâm sự, lò ấp trứng của ông hoạt động suốt ngày đêm nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu bà con nông dân. Ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận sở hữu thương hiệu vịt bầu Phủ Quỳ. Hiện nay, vịt bầu đã “đi vào” các nhà hàng, quán ăn tại một số thành phố lớn. Hiện nay, giống vịt này trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở  Nghệ An mà con lan ra toàn quốc.

Giống vịt Bầu Qùy – đặc sản quý của miền Tây xứ Nghệ.

 

Đặc sản vịt bầu số một Việt Nam        

Ông Lữ Đình Thi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, tâm sự: Vịt bầu Phủ Quỳ trông rất lừ khừ nhưng chạy nhanh, ưa hoạt động và lẩn lút giỏi. Nó có tập tính theo đàn cao, không đi tản mạn, rải rác, kiếm thức ăn ở các khe suối trên đồng ruộng giỏi, chế độ nuôi dưỡng thấp, chịu đựng kham khổ.

Vịt bầu vùng Phủ Quỳ có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với thời tiết khí hậu nóng, lạnh, khô, ẩm, nhất là gió Lào. Tuy nhiên, đặc điểm mà người ta nhớ đến loài vịt bầu này nhất đó chính là chất lượng thịt thơm ngon, có vị ngọt của nó. Vì thế mà các nhà nghiên cứu của Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá đây là giống vịt ngon nhất Việt Nam hiện nay.

Đứng trên trại vịt của mình, ông Vi Văn Định (xã Quang Phong) cho hay, giống vịt bầu này được truyền đời này qua đời khác của bà con người dân tộc Thái sống tại 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn(thuộc huyện miền núi Quế Phong). Khi chúng tôi sinh ra thì đã có giống vịt này. Xưa nay mỗi gia đình ở miền quê này chỉ nuôi khoảng 10 - 15 con trong nhà để làm thực phẩm là chủ yếu. Mỗi khi có khách quý tới thăm nhà, thế nào cũng làm thịt một vài con để đãi khách.

Ông Vua vịt Bầu Thái Diệu.

 

Ông Định chia sẻ, sở dĩ thịt của loài vịt bầu này rất ngon là do người dân bản xứ chăn nuôi theo hình thức thả rông. Thức ăn chủ yếu là cá, tép dưới khe suối; họa lắm, một số hộ mới cho vịt ăn thêm ít vỏ trấu, lúa, sắn. Hơn nữa, đặc điểm khí hậu ở vùng đất này rất đặc biệt (mùa đông lạnh, mùa hè không quá nóng) nên phù hợp cho giống vịt bầu phát triển.  Tuy nhiên, cũng không ít lần, bà con nuôi vịt bầu gần như sạt nghiệp, vì chẳng hiểu vì sao khi vịt sắp lớn thì ngã lăn ra chết hàng loạt.

Ông Lang Văn Sâm (bản Ca, xã Quang Phong) được xem là “trùm” nuôi vịt bầu lâu năm cho biết, từ nhiều đời nay, gia đình ông đã gắn bó với giống vịt này. Vì thế, trong nhà lúc nào cũng có hàng chục, có khi hàng trăm con vịt bầu. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, thế nào gia đình cũng làm thịt vịt để mời. Nhưng có năm, đàn vịt bỗng dưng lăn ra ốm nhưng may là giống vịt này có sức đề kháng cao nên đàn vịt của gia đình cũng như bà con trong vùng vẫn được giữ nguyên.

Hiện nay, tổng đàn vịt bầu của xã Quang Phong dao động 5.000- 7.000 con. Giá bán 130-180 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, muốn mua được vịt bầu “chính hãng” không phải dễ, có khi đi lùng khắp bản làng mà chẳng có ai chịu bán, vì hầu hết bà con nuôi để phục vụ gia đình là chủ yếu.

Vịt bầu là giống vịt đặc sản quý chỉ có ở các huyện miền Tây của Nghệ An, đặc biệt là vùng đất Phủ Quỳ (bao gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn). Loài vịt này có cơ thể hình chữ nhật, cổ rất ngắn, khi đứng thì cơ thể của vịt gần như song song với mặt đất.

 Vịt bầu Phủ Quỳ có chất lượng thịt thơm ngon, thịt đùi có có tỷ lệ protein thô 21,23-21,50%; tỷ lệ mỡ thô 1,18-1,68%; tỷ lệ nước  75,09-75,6%. Tỷ lệ mỡ của thịt vịt bầu cao hơn các giống vịt khác và vịt này có tỷ lệ protein và mỡ thích hợp. Do vậy, thịt vịt bầu Phủ Quỳ có mùi vị thơm ngon hơn các giống vịt khác.

Nằm cạnh Quang Phong, Cắm Muộn là xã nghèo nhưng phong trào nuôi vịt bầu không kém. Đây cũng được xem là cái nôi của giống vịt bầu Phủ Qùy. Ông Lữ Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, tâm sự: Đã lên vùng núi này mà không được ăn món vịt bầu thì xem như chưa cảm nhận hết được cái tình, cái nghĩa của đồng bào. Và quả thực, những người đã từng được làm khách quý ở Quế Phong phải gật gù công nhận với nhau rằng, phải ngược lên vùng đất sương muối, gió Lào mới thấy thoả lòng với hương vị ấy.

“Trong Đề án phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi đang vận động người dân đưa giống vịt này trở thành hàng hóa. Bởi đây là hướng đi bền vững để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân của xã. Hiện xã có 2 lò ấp trứng, với tổng đàn lên tới 12.000 con”, ông Lữ Thanh Bình nói.

 

Phan Sáng
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top