Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 11 năm 2023 | 18:31

Thúc đẩy sản xuất và bình ổn thị trường dịp cuối năm

Trước bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, các ngành chức năng, hệ thống phân phối, sản xuất và bán lẻ đang thực hiện nhiều giải pháp để bình ổn thị trường cũng như kích cầu tiêu dùng cho những tháng cuối năm.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên).

Hà Nội: Chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã tăng cường các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong thực hiện và nhân lên giá trị các mô hình kinh tế. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là khâu đột phá để nâng cao năng suất, giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại xã Quang Lãng, gia đình anh Lê Văn Lâm thực hiện mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, từ năm 2019, anh Lâm đã chuyển đổi 4ha diện tích nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi trồng theo hướng VietGAP. Anh Lâm cho hay, đây là hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen, áp dụng các biện pháp tốt nhất để bảo vệ hệ sinh thái, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm thủy sản của gia đình anh được người tiêu dùng tín nhiệm.

Một điển hình khác là mô hình sản xuất rau sạch, nuôi cá, nuôi lợn rừng hữu cơ của bà Nghiêm Thị Hường ở xã Minh Tân, thực hiện theo quy trình VietGAP, trên diện tích 1.080m2; mô hình nuôi cá sông trong ao của gia đình ông Nguyễn Văn Điện (cũng ở xã Minh Tân), trên diện tích 7 mẫu, mỗi năm cho thu hoạch hơn 40 tấn cá… Doanh thu từ các mô hình chăn nuôi thủy sản này đạt hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đến nay, huyện Phú Xuyên có hơn 2.500ha được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản; trong đó vùng nuôi chuyên canh 2.338ha, nuôi hình thức khác 174,18ha và đang hình thành một số mô hình liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chú trọng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Phú Xuyên còn tập trung phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn, hữu cơ, VietGAP. Điển hình là Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân (Hội Nông dân xã Minh Tân), có 13 thành viên, thực hiện mô hình trồng các loại rau ăn lá, su hào, bắp cải, đậu đỗ… áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ trên tổng diện tích 5ha. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tổng doanh thu hằng năm của Tổ hợp tác đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023, tổ hợp tác đã đưa giống đậu tương rau F1 Nhật Bản vào trồng thử nghiệm và đạt kết quả cao, được Hội Nông dân thành phố Hà Nội và huyện Phú Xuyên đánh giá là cây trồng chủ lực của huyện trong thời gian tới.

Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân Nghiêm Quang Vinh thông tin, sản phẩm rau, củ của tổ hợp tác đang được tiêu thụ tại siêu thị Big C Thăng Long, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam)… Thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục đưa một số giống cây trồng mới có ưu thế trên thị trường, chống chịu sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, như: Su hào F1 K800 của Hàn Quốc, bắp cải F1 của Tập đoàn Giống cây trồng Sylgenta Việt Nam, các loại giống rau cải lai F1… và chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học trong sản xuất, nhằm bảo đảm an toàn chất lượng cho sản phẩm.

Ngoài ra, nông dân huyện Phú Xuyên còn triển khai những mô hình hiệu quả, như: Chuyển đổi 30,7ha đất lúa sang trồng mới cây bưởi Thồ; trồng nho hạ đen theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hồng Thái; trồng đậu tương rau vụ hè thu diện tích 10ha tại 3 xã: Minh Tân, Khai Thái, Nam Phong, cho hiệu quả từ 30 đến 50 triệu đồng/ha/vụ…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, trong 10 tháng của năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt hơn 9.200 tỷ đồng, tăng gần 6,4% so với cùng kỳ năm 2022… Hiện tại, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các dự án: Phát triển vùng sản xuất bưởi Thồ bền vững theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; phát triển thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Tri Trung; phát triển vùng rau an toàn Minh Tân...

Thanh Hóa: Giải pháp bình ổn thị trường và kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm

Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, thời gian qua thị trường hàng hóa nhìn chung ổn định, lạm phát được kiểm soát nên không có quá nhiều biến động. Có một số mặt hàng thiết yếu chỉ tăng từ 5 - 10%, như: lương thực, thực phẩm, rau, củ, thịt bò, cá, gạo... và một số mặt hàng có sức mua cao như bột giặt, dầu gội, sữa tắm... nhưng sau đó đã ổn định trở lại. Hiện nhiều đơn vị đang tích cực tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng, trong đó giảm giá trực tiếp cho các mặt hàng thiết yếu để bình ổn giá cả hàng hóa chung trên thị trường.

Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa nỗ lực bình ổn giá cả mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Đơn cử như Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa, trung bình một tháng sẽ đổi mới chương trình giảm giá một lần để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Trong tháng 11, siêu thị đã chạy chương trình “tuần lễ siêu sale” với nhiều sản phẩm thiết yếu như: dầu ăn, gạo, giấy vệ sinh... đồng giá từ 11.000 đồng, 100.000 đồng, 111.000 đồng... Các hóa đơn từ 400.000 đồng sẽ được mua 1 sản phẩm đồng giá bất kỳ. Ngoài nỗ lực ổn định giá cả bằng hình thức trực tiếp, siêu thị còn đẩy mạnh giảm giá và tặng quà khi khách hàng đặt hàng và thanh toán qua ứng dụng zalo pay. Đặc biệt, mỗi đơn hàng thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu sẽ được giảm 3%, tối đa 50.000 đồng.

Khảo sát thêm tại một số siêu thị khác, giá các mặt hàng thiết yếu đã có nhiều dấu hiệu giảm. So với trung tuần tháng 10, một số mặt hàng như: mì gói, dầu ăn, trứng gà, sữa đã giảm giá từ 10 - 15%. Tại hệ thống siêu thị GO! Thanh Hóa, dầu đậu nành Simply giảm từ 324.000 đồng xuống còn 261.000 đồng/can; nước mắm Nam Ngư loại 4 lít giảm từ 70.000 đồng xuống 61.000 đồng; nước giặt chỉ còn 171.000 đồng/túi 3,2kg, hay các sản phẩm tiết kiệm hơn từ thương hiệu của GO! đều được siêu thị giới thiệu đến người tiêu dùng với mức giá siêu hời.

Đại diện siêu thị cho biết, ngay từ lúc các nhà sản xuất, đơn vị cung ứng có thông báo giảm giá hàng hóa thì phía siêu thị cũng đã chuẩn bị giá mới để bổ sung lên kệ hàng ngay. Thông thường, công tác điều chỉnh giá từ vài tuần nhưng hiện giờ chỉ khoảng 5 - 7 ngày, các mặt hàng tươi sống thì cập nhật theo ngày.

Ngoài hệ thống siêu thị, tại khu vực chợ truyền thống, giá cả các loại hàng hóa thiết yếu cũng tăng nhẹ vào tháng 7 và 8. Tuy nhiên thời điểm hiện tại đã bình ổn lại. Theo ghi nhận của phóng viên, tại chợ Điện Biên vào mùa cao điểm tháng 6, 7, 8, giá thịt lợn thăn, ba chỉ, nạc vai... ở mức 140 - 150.000 đồng/kg, tăng nhẹ 10.000 đồng/kg so với các tháng trước đó. Giá các loại gạo cũng tăng nhẹ từ 10 - 15.000 đồng/yến tùy loại; các mặt hàng hoa quả như cam, dưa hấu, nho, táo... cũng tăng nhẹ 5%. Theo chị Lê Thị Hạnh, tiểu thương tại chợ chia sẻ: "Vào 3 tháng hè, không riêng gì thịt lợn, lượng tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng tăng mạnh khiến giá cả nhập vào tăng đáng kể. Tuy nhiên, để giá cả hàng hóa được ổn định, tôi và các tiểu thương khác trong chợ đã cố gắng tăng giá ít nhất có thể, chấp nhận giảm lãi để giúp người tiêu dùng vơi bớt áp lực về giá cả. Bởi khách hàng của tôi hầu hết đều là khách quen và là công nhân lao động, thu nhập thấp nên việc tăng giá quá nhiều sẽ mất khách".

Với nhu cầu mua sắm cao của người tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng 10 tháng năm 2023 đạt 110.639 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, ngành công thương cũng đã theo dõi sát sao diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong tỉnh điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng thêm các phương án để dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, đơn vị phân phối triển khai các chương trình bình ổn thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân, nhất là trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Vĩnh Phúc: Bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế suy giảm, tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh, giá cả các loại vật tư nông nghiệp leo thang nhưng ngành nông nghiệp tỉnh vẫn giữ đà tăng trưởng khả quan trong 10 tháng của năm 2023. Đây là cơ sở vững chắc để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, xã Quất Lưu (Bình Xuyên) cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.

9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 9.500 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng cây vụ Đông, tính đến trung tuần tháng 10, toàn tỉnh gieo trồng được 11.729,2 ha cây trồng các loại, đạt 79,25% kế hoạch, tăng 2,48% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất chăn nuôi được duy trì ổn định, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do biến động giá cả và yếu tố thị trường, đặc biệt là chăn nuôi lợn.

10 tháng năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 109 nghìn tấn, tăng 2,9%. Trong đó, thịt lợn hơi đạt 69.123 tấn, tăng 3,14%; thịt gia cầm đạt 34 nghìn tấn, tăng 3,6%; sản lượng sữa bò tươi đạt 49.400 tấn, tăng 7,86%; trứng gia cầm đạt hơn 613 triệu quả, tăng 9,98% so với cùng kỳ…

Có được những kết quả khả quan nêu trên đó là sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp trong việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp; tái cơ cấu theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn chủ động tham mưu tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp của cả nước.

Nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4.800 ha tại 71 xã, phường, thị trấn và các mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Đảo; mô hình trồng nho hạ đen tại huyện Yên Lạc và Bình Xuyên.

Nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng đã được hình thành như vùng trồng thanh long ruột đỏ 10ha tại huyện Lập Thạch; 3ha rau su su tại huyện Tam Đảo; 2ha dưa lê tại huyện Tam Dương; 150 ha lúa tại các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương và chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với quy mô 1.500 con tại huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô...

Thực tế, việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ vừa bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường.

Đơn cử như các mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo năng suất bình quân đạt 420 tạ/ha/năm, cao hơn sản phẩm thông thường đến 15%. Hay như mô hình doanh nghiệp liên kết với các hộ dân xã Thanh Vân (Tam Dương) phát triển chăn nuôi gà đẻ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, bình quân 1.000 con gà đẻ cho thu lãi hơn 20 triệu đồng so với chăn nuôi cùng quy mô theo truyền thống.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như giữ vững đà tăng trưởng, thời điểm này, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương đề ra giải pháp khả thi để sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện Bình Xuyên đã quy hoạch phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Theo đó, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng đạt kế hoạch đề ra, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 190 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt trên 2.200 tỷ đồng.

Đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt cơ cấu giống cây trồng và thời vụ; áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là gieo trồng mạ khay, cấy máy.

Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) như cấy lúa hiệu ứng hàng biên, SRI, 3 giảm 3 tăng, IPM, IPHM, thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP ngay từ đầu vụ để cây trồng sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu sinh vật gây hại.

Áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh.

Các huyện, thành phố căn cứ vào kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ và diễn biến thời tiết để hướng dẫn nông dân triển khai, bố trí thời vụ cho phù hợp, chú trọng sử dụng cây trồng có năng suất, chất lượng tốt có đầu ra ổn định phù hợp với điều kiện địa phương; chỉ đạo, khuyến cáo nông dân gieo trồng hết diện tích, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Trong chăn nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, thức ăn, thú y, công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất cho người nông dân.

Cùng với đó, hỗ trợ chế phẩm sinh học cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn 9/9 huyện, thành phố với quy mô hơn 13 nghìn con trâu, 90 nghìn con bò, gần 600 nghìn con lợn và hơn 11 triệu con gà.

Mặt khác, khuyến khích các doanh nghiệp, người nông dân đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo lợi thế, thế mạnh của từng địa phương, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản

    Nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản

    Tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Giáp ở thôn 7, xã Đắk Búk So (Tuy Đức - Đắk Nông) đã chọn mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản để khởi nghiệp.

  • Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

    Thoát nghèo nhờ nuôi dế mèn dưới tán xoài

    Thuộc hộ nghèo của xã Mỹ Xương (Cao Lãnh - Đồng Tháp), song với tinh thần cầu thị, quyết chí vươn lên, năm 2022, gia đình anh Nguyễn Phước Trung và chị Lê Thị Hiếu Hoa Lá Liễu đã chính thức thoát nghèo nhờ gắn bó với mô hình nuôi dế mèn Thái dưới tán xoài.

  • Nuôi cá - vịt trên ruộng lúa hiệu quả ở Đồng Tháp

    Nuôi cá - vịt trên ruộng lúa hiệu quả ở Đồng Tháp

    Mô hình nuôi cá - vịt kết hợp với trồng lúa trên ruộng, tưởng chừng đã quên lãng trong thời gian gần đây. Nhưng, ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang được các hộ nông dân và Tổ hợp tác Quyết Tiến ở xã Phú Thành áp dụng mô hình này và cho hiệu quả kinh tế cao.

  • Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Thử thách đặt ra khi theo nghề Freelancer

    Nhiều người thường nghĩ công việc của một Freelancer khá thoải mái khi họ được tự chủ về mặt thời gian làm việc. Thực tế, công việc này cũng có những thử thách và áp lực riêng mà không phải ai cũng biết.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

Top