Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 5 năm 2023 | 10:6

Thực hiện lời dạy của Bác: Mở hướng phát triển nông nghiệp sạch

Học tập Bác để làm giàu đẹp cho quê hương, anh Bùi Văn Dừa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang trồng dưa trong nhà màng áp dụng công nghệ cao.

Tuy mới trồng được hơn 1 năm nay, nhưng bước đầu dưa cho năng suất và hiệu quả về kinh tế cao, hứa hẹn hướng đi mới đầy triển vọng trong sản xuất nông nghiệp.

Kỹ thuật viên mê nông nghiệp công nghệ cao

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò của nông dân, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Khắc ghi lời Bác dạy, anh Bùi Văn Dừa (SN 1978, thôn 11, xã Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) đã không ngại khó, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Giống dưa Shir của Israel được anh Dừa trồng tại vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Dừa, đây là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Ngũ Lão.

Trong nhà màng rộng 500m2, ngoài giống dưa sữa Nhật Bản đang được anh Dừa thử nghiệm trồng vụ đầu còn có dưa chuột Baby Maya của Israel.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn về việc đầu tư thực hiện trồng dưa trong nhà màng, anh Dừa cho biết: Làm kỹ thuật viên chuyên về máy móc cho một công ty trong khu công nghiệp, ngoài thời gian làm việc, về nhà tôi xem làm vườn là niềm vui và thư giãn, sau dần thấy đam mê với việc trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao. Nhận thấy đầu tư làm nhà màng là rất lớn mà chỉ trồng rau sẽ mang lại kinh tế chưa cao, nên tôi tìm hiểu đến việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao. Cuối năm 2021, tôi bắt tay vào làm nhà màng; đến tháng 2/2022, trồng vụ dưa leo giống Hà Lan đầu tiên. Cây sai quả, tuy nhiên, đang thu hoạch được nửa vụ thì bị bọ trĩ, nhện trắng phá hỏng hết. Tiếp tục trồng vụ thứ 2, cũng hỏng như vậy. Khi ấy cũng nản do chi phí đầu tư khá lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả. Từ lời động viên của gia đình và bạn bè, tôi tìm đến những mô hình trồng dưa trong nhà màng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao để học tập kinh nghiệm, cách làm. Sau đó, tôi chuyển sang trồng giống dưa chuột Baby Maya của Israel, ngay từ vụ đầu dưa đã cho năng suất, chất lượng quả cao”.

Áp dụng quy trình trồng dưa chuột Baby Maya của Israel ứng dụng công nghệ cao, mỗi cây dưa được trồng riêng trong từng chậu với giá thể đã qua xử lý đặt trên mặt đất có bạt lót vệ sinh môi trường. Để cây dưa phát triển đồng đều, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.

Với tinh thần học và làm theo gương Bác từ việc làm nhỏ nhất, anh Dừa luôn tự tay chăm sóc vườn dưa.

Anh Dừa chia sẻ, trồng dưa trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm thời gian, tôi có thể vừa đi làm vừa điều khiển được hệ thống tưới nước tự động qua điện thoại. Giảm các chi phí như phân bón, nhân công, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên dưa lớn nhanh, quả đẹp, đồng đều. Mô hình dưa của gia đình chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giống dưa chuột Baby Maya của Israel cho thu hoạch sau khoảng 35 - 45 ngày trồng (tuỳ theo mùa vụ). Với diện tích 500m2, anh Dừa  trồng khoảng 1.200 cây, sản lượng trung bình đạt 2,5-3kg/cây, cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn quả/vụ.

“Thị trường tiêu thụ dưa của gia đình chủ yếu là bán lẻ, qua bạn bè, đồng nghiệp…; nhiều khi còn không có sản phẩm cung cấp cho mọi người. Dưa được bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg, sản xuất được 3 - 4 vụ/năm. Qua 1 năm trồng dưa, trừ chi phí, thu nhập ổn định 120 triệu đồng/năm”, anh Dừa vui vẻ nói.

Mở rộng mô hình, hướng đến truy xuất nguồn gốc

Sau khi trồng và thu hoạch những vụ dưa đầu tiên, anh Dừa có ý định phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, anh còn trồng nhiều loại quả khác như dưa lưới Shir của Israel; cà chua và nhiều loại rau màu theo mùa vụ.

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Dừa tâm sự: “Tôi đang trồng thử nghiệm giống dưa sữa của Nhật Bản, xem sự sinh trưởng và phát triển của giống dưa có phù hợp với điều kiện tự nhiên tại đây không. Khi am hiểu về các giống dưa, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc”.

Đánh giá về mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Bùi Văn Dừa, ông Bùi Ngọc Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lão,  cho biết: “Hiện địa phương có rất ít mô hình phát triển nông nghiệp bài bản, chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Trồng dưa ứng dụng công nghệ cao của anh Dừa là mô hình mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, cầu tiến của anh Dừa, địa phương rất ủng hộ anh phát triển và mở rộng quy mô. Đây cũng là mô hình để người dân địa phương học hỏi, từ đó thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp”.

Ông Vũ Văn Cảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Ngũ Lão, cùng cán bộ Hội Nông dân xã đến thăm mô hình trồng dưa của anh Bùi Văn Dừa.

Ông Vũ Văn Cảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Ngũ Lão, nhận xét: “Mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Bùi Văn Dừa tuy mới, nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), địa phương đã khảo sát, bước đầu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của anh Dừa xem hướng phát triển tiếp theo của gia đình như thế nào, định hướng áp dụng quy trình VietGAP, hướng đến phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển được mô hình này, cần phải có nguồn lực lớn về kinh tế và quỹ đất. Quỹ đất để phát triển nông nghiệp của địa phương hiện nay khá lớn, xã sẽ tạo điều kiện để người dân có nhu cầu làm nông nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế địa phương”.

Với tinh thần học và làm theo gương Bác từ việc làm nhỏ nhất, cùng với đó là sự nỗ lực (vừa đảm bảo hoàn thành công việc ở công ty, vừa phát triển tốt vườn dưa), hy vọng trong tương lai, mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Bùi Văn Dừa ngày một phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top