Bắt đầu nuôi dúi má đào Thái Lan (dúi vàng), gia đình anh Lê Văn Hoài ở thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh - Quảng Trị) không khỏi lo lắng vì mô hình này khá mới, chưa có cơ sở nào trên địa bàn gây nuôi.
Tuy nhiên, nhờ tích cực tìm hiểu quy trình chăm sóc, nuôi nhốt, trại dúi của gia đình anh Hoài phát triển tốt, đã xuất bán lứa dúi giống đầu tiên.
Giới thiệu về loài dúi vàng đang nuôi trong trại, anh Hoài cho biết, giống dúi nhập khẩu từ Thái Lan này vốn bản tính thuần, kích thước cơ thể lớn, cân nặng hơn các loài dúi khác ở Việt Nam.
Dúi được xem là đặc sản nên dù giá khá cao, gần 6 triệu đồng/cặp con giống, còn dúi thương phẩm khoảng 800.000 đồng/kg song nhu cầu thu mua, tiêu thụ vẫn ngày một tăng. Vì thế, anh quyết định lựa chọn hướng nuôi dúi, nhân đàn cung cấp con giống ra thị trường.
“Sau thời gian tìm đến nhiều cơ sở nuôi dúi lớn tại tỉnh Bắc Giang học hỏi, tôi xác định nuôi thử nghiệm trước để xem dúi có thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương rồi mới mở rộng quy mô. Ban đầu, tôi đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng trại, nhập 20 cá thể dúi má đào Thái Lan về nuôi thử, gồm 10 cá thể đực, 10 cá thể cái. Trong đó có 3 cặp dúi trưởng thành nặng 3-3,5 kg/con, giá 18 triệu đồng/cặp; 7 cặp dúi giống, nặng khoảng 1 kg/con, giá 6 triệu đồng/ cặp. Trước đó, tôi đã hoàn tất hồ sơ cần thiết, được ngành chức năng, các đơn vị liên quan cấp phép gây nuôi động vật rừng thông thường, đảm bảo tuân thủ đúng về nguồn gốc con giống nhập, đáp ứng đầy đủ điều kiện nuôi, xuất bán theo quy định”, anh Hoài cho hay.
Vợ chồng anh Lê Văn Hoài chăm sóc đàn dúi mà đào Thái Lan - Ảnh: N.T
Đối với trại nuôi, theo anh Hoài, đặc tính của loài dúi thích sống trong bóng tối, môi trường khô ráo, nhiệt độ hợp lý nhất dưới 35 độ C. Do đó, anh thiết kế trại nuôi đặt ngay dưới tán rừng cao su, xây dựng kiên cố có mái che, lớp cách nhiệt, quạt làm mát, đồng hồ đo nhiệt. Trong trại dùng gạch men kích thước 60 x 60 cm gắn kết lại tạo thành những chuồng riêng biệt, nuôi 2 cá thể dúi/chuồng. Về chăm sóc, cứ 2 - 3 ngày lại tiến hành vệ sinh chuồng trại.
Dúi ngủ vào ban ngày, chỉ cần cho ăn 1 lần/ngày lúc chiều tối. Đặc biệt, dúi không uống nước, thức ăn chủ yếu gồm thân cây tre, mía, ngô… nên lượng phân thải ra ít, hầu như không có mùi.
Cần chú ý, thức ăn của dúi phải khô, không bị ẩm, mốc, ôi thiu vì dúi dễ mắc bệnh đường ruột. Dúi là loài động vật có sức đề kháng tốt, ít khi bị bệnh khác.
Quá trình nuôi dưỡng, đàn dúi vàng tại trại nuôi của anh Hoài thích ứng khá tốt điều kiện khí hậu địa phương, 20 cá thể giống ban đầu mua về đều khỏe mạnh và đạt tốc độ sinh trưởng khá nhanh. Đến nay, một số con đã sinh sản, nâng tổng số đàn lên 34 cá thể.
Giữa tháng 5/2023, anh Hoài xuất bán 7 cặp dúi giống cho khách hàng ở tỉnh Hà Tĩnh và các hộ trong huyện mua nuôi thử, thu về trên 40 triệu đồng. Từ đó đến nay, số lượng dúi tại trại tiếp tục tăng lên, hiện tổng đàn 40 cá thể, trị giá trên 200 triệu đồng.
Nuôi thành công bước đầu đối tượng mới và đã có nhiều khách biết đến cơ sở, liên hệ đặt hàng trước, anh Hoài dự định sẽ đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, nhập thêm 20 cặp dúi bố mẹ về phát triển đàn, hướng đến cung cấp cả dúi giống và dúi thương phẩm. Gia đình anh cũng đang trồng thêm mía, cỏ voi nhằm chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn dúi.
“Tôi nhận thấy dúi vàng không khó nuôi, chỉ cần diện tích đất nhỏ, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, con giống thì ít chi phí phát sinh, thức ăn dễ kiếm, giá rẻ, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường dù nuôi quy mô lớn tập trung.
Quan trọng là, tốc độ gây đàn nhanh, dúi cái sinh sản mỗi năm khoảng 3 lứa, mỗi lứa trung bình 5 con, giá bán con giống hay dúi thương phẩm đều cao, là mặt hàng dễ bán.
Người dân, các cơ sở quan tâm có thể tìm hiểu, thử nghiệm nuôi dúi, nhân rộng mô hình nhằm chuyển đổi sinh kế, góp phần tăng giá trị sản xuất, thu nhập từ chăn nuôi”, anh Hoài chia sẻ thêm.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.