Bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản, Lê Trọng Lư từ chối cơ hội làm việc ở các thành phố lớn để về quê viết nên câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ của riêng mình.
Ðến buôn Quen, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh một ngày đầu xuân mới, chúng tôi gặp chàng trai có dáng vẻ nhỏ nhắn, hay cười, điều khiển ô tô men theo con đường đất chạy về phía vườn sầu riêng nằm sâu trong núi.
Theo đuổi ước mơ
Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà sàn lọt thỏm giữa vườn cao su và sầu riêng, Lư chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã thích trồng cây. Tôi tận dụng các khoảnh đất trong vườn nhà để mua hạt giống rau, hoa về trồng. Tôi thích thú quan sát chúng lớn lên từng ngày và mơ ước trở thành nhà khoa học nghiên cứu về thực vật”.
Cũng vì ước mơ đó nên Lư thi vào Khoa Công nghệ sinh học Trường đại học Yersin Ðà Lạt. Chàng trai sinh năm 1990 gây ấn tượng với điểm học tập loại giỏi; tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của khoa, trường; đạt giải thưởng Tài năng trẻ của trường; là gương mặt tiêu biểu của sinh viên Lâm Ðồng được Trung ương Ðoàn vinh danh Sinh viên 5 tốt và trao giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2011…
TS Lê Trọng Lư mong muốn thay đổi cách nghĩ của mọi người về việc nhà khoa học đi làm nông dân. Ảnh: CTV
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, Lư tiếp tục học cao học tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), được nhận vào thực tập tại Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Sau đó, anh làm đánh giá viên mảng cây trồng về các tiêu chuẩn canh tác và sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong một công ty của Hà Lan. Cuối năm 2017, Lư xuất sắc giành học bổng tiến sĩ ngành Nông nghiệp của Chính phủ Nhật Bản, theo học tại Trường đại học Ryukyu.
“Năm học lớp 7, tôi thấy trên ti vi chiếu hình ảnh các nhà khoa học Nhật Bản trồng cây lúa trong nhà theo mô hình plant factory (hệ thống nhà máy thực vật). Hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi không ngừng cố gắng. Và cuối cùng, tôi đã thực hiện được mong ước lĩnh hội các kiến thức khoa học chuyên sâu về sinh học cây trồng ở đất nước được xem là kiểu mẫu phát triển nông nghiệp để về ứng dụng tại quê nhà”, Lư chia sẻ.
Gieo niềm tin về nông nghiệp sạch, bền vững
Sở hữu học vị nhiều người mơ ước, nhưng Lư không chọn con đường bằng phẳng mà tự mở lối đi riêng. Ðầu năm 2021, TS Lê Trọng Lư về quê nhà ở huyện Sông Hinh, bắt tay thực hiện các dự án nông nghiệp sạch trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ngay cả ba mẹ anh, những người nặng lòng với nông nghiệp, cũng khó chấp nhận quyết định này của Lư. Tuy nhiên, anh đã thuyết phục gia đình thay đổi cách nghĩ về nhà khoa học đi làm nông dân.
Lư bắt đầu ứng dụng kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng phân hóa học và các loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại trên vườn sầu riêng rộng 3ha. Anh ăn nằm ở vườn sầu riêng, hàng ngày tỉ mẩn quan sát, ghi chép nhật ký cây trồng. Cuối vụ, sản phẩm sầu riêng trong vườn của Lư được một số đơn vị cung ứng sản phẩm hữu cơ thu mua và đưa vào bán trong chuỗi cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá cao hơn từ 20-30% so với các loại sầu riêng khác.
Ngoài sầu riêng, Lư còn trồng thêm một số cây ăn trái theo phương pháp hữu cơ; nâng cao kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ cho 10ha cao su của gia đình. Bên cạnh niềm vui làm nông dân, Lư còn là giảng viên thỉnh giảng của Trường đại học Yersin Ðà Lạt; tư vấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ - Nhật Bản - châu Âu cho các công ty. Hiện nay, anh đang bắt tay vào trồng dâu tây trong nhà theo mô hình plant factory; xây dựng nông trại Sappy theo hướng mô hình du lịch trải nghiệm kết hợp nông nghiệp sạch.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không hề dễ dàng và để có thể ăn nên làm ra với con đường này, ngoài đam mê và quyết tâm, người nông dân phải có chiến lược để có thể trụ vững. Rời nông trại Sappy khi mùa xuân chạm ngõ, cây cối phủ xanh khoảng đồi, lòng chúng tôi tràn đầy niềm tin vào những người nông dân thế hệ mới, thế hệ 4.0 như Lư, bởi chúng tôi đã nhìn thấy một tương lai mới, hy vọng mới cho một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững…
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.