Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 7 năm 2023 | 10:33

Tiêu dùng xanh, giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa

“Rác thải nhựa" là cụm từ không còn xa lạ bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Hiện nay, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon, 80% số túi nylon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa

Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với 2.360 con sông dài hơn 10 km, trải dài từ Bắc tới Nam và 112 cửa sông, vô hình trung đã tạo ra các “đường cao tốc” thuận lợi cho việc vận chuyển vi nhựa.

Dẫu là chất thải nhựa hay vi nhựa - nhựa ở dạng mảnh, sợi hay hạt với kích thước không quá 5mm chúng đều có một đích đến: Đại dương. Tuy nhiên, sự khác biệt về kích thước đã khiến vi nhựa trở nên nguy hiểm và khó đoán định.

Báo động tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa (Ảnh minh hoạ).

Khi thực hiện dự án COMPOSE từ năm 2019 - 2021, TS Emilie Strady và các nhà nghiên cứu của Việt Nam đã tìm thấy, cứ 1m3 nước sông Tô Lịch có chứa tới 2.522 hạt vi nhựa (cao nhất trong số các con sông được khảo sát ở cả 3 miền, ví dụ sông Hàn với 3,9 hạt/m3)...

Các nhà khoa học đã cho chúng ta một bức tranh chi tiết hơn về vi nhựa. Dù tồn tại ở đâu, không khí hay đất liền, nước mặt hay trầm tích, sông ngòi, hồ ao hay biển cả, chúng cũng gồm 2 loại: Dạng sơ cấp (primary microplastics) và dạng thứ cấp (secondary microplastics).

Quá trình phong hóa và phân hủy theo thời gian của chất thải nhựa thành vi nhựa, thậm chí là nano nhựa, phức tạp không kém quá trình vận chuyển chúng. Quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường xung quanh như bức xạ Mặt trời, nhiệt độ, sóng, mưa, gió…

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cảnh báo: “Ở Việt Nam, hiện nay, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật".

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cảnh báo...

Người Việt lạm dụng quá mức đồ nhựa như: thìa nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, bát nhựa phục vụ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là ở các cửa hàng bán đồ ăn uống hay tại các sự kiện, buổi dã ngoại... Khi khách mua đồ ăn uống mang về, thường không mang theo đồ để đựng, mà nhà hàng chuẩn bị hộp xốp, hộp nhựa gói hàng và phụ thu mỗi khách thêm 5.000 - 10.000 đồng. Đây chỉ là 1 trong số vô vàn những lý do có thể giải thích cho việc 350 triệu tấn nhựa được sản xuất ra mỗi năm và thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn.

Những con số không chỉ mang ý nghĩa thống kê từ năm này qua năm khác, mà nó còn là tiếng chuông cảnh báo khi môi trường sống, mẹ thiên nhiên đang “kêu gào" bởi bị rác thải nhựa bao vây. Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đang là “kẻ thù" không đội trời chung với môi trường. Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.

Rác thải nhựa 'bủa vây' vùng nông thôn

Từ lâu, làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, đặc biệt là nghề tái chế rác thải nhựa.

Tại đây, rác thải nhựa được tập kết khắp mọi nơi, từ nhà xưởng đến đường giao thông, thậm chí là cả ruộng đồng,.. rất gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong khu vực.

Đặc biệt, quy trình tái chế rác thải nhựa tại đây hầu như chủ yếu vẫn giữ theo phương pháp thủ công. Chất thải được tập kết tại các cơ sở thu mua và phân loại, rồi xay rửa (hoặc xay khô). Lông vũ được người dân đem ra phơi ngay đường đi lại, nắng lên bốc mùi rất khó chịu, khiến người đi đường phải bịt mũi vì sợ.

Rác thải nhựa được tập kết thành đống, xếp xung quanh trong một xưởng tái chế nhựa.

Một người dân làng Triều Khúc cho biết: “ Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chất đầy phế liệu từ nhựa, rác thải sản xuất trong nhà, đổ bừa bãi ra vỉa hè, đồng ruộng… Nước ở kênh mương, ao hồ luôn đen kịt, xen lẫn mùi hóa chất, mùi nước thải chưa qua xử lý rất nồng nặc, khó chịu, nhất là vào những hôm trời nắng, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân chúng tôi.”

Tình trạng ô nhiễm này càng ngày càng trở nên nặng nề, khi chưa thật sự có những biện pháp nhắc nhở, cưỡng chế để hạn chế tình hình xấu.

Tương tự tại Đắk Lắk: Người dân thôn 12 (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) bức xúc phản ánh cơ sở đốt túi nilon, tái chế rác hoạt động gây khói bụi, mùi khét ô nhiễm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, quá trình làm sạch rác nilon, cơ sở này đã xả thải trực tiếp nước bẩn ra suối gây hôi thối. 

Tại đây, tại cơ sở tái chế rác trên, nằm bên tuyến đường từ Khu công nghiệp Hòa Phú dẫn vào cụm thác Đray Sáp và Đray Nur. Tại đây, cơ sở rộng hàng trăm m2, xây dựng cạnh con suối nhỏ. Bên ngoài, một khối lượng lớn rác nilon được tập kết, phía trong rác đang được gom rửa sạch, nước thải xả trực tiếp ra một cái hố nhỏ rộng khoảng 10m2 và chảy tràn ra suối để chảy ra sông Sêrêpốk. Dòng nước đục ngầu, nổi từng lớp bong bóng kèm mùi hôi thối. Ngoài ra, các túi nilon đưa vào lò đốt khiến khói kèm mùi khét phát tán khắp nơi.

Ông Nguyễn Quang Thuận (ngụ thôn 12) bức xúc: “Từ ngày cơ sở đốt rác hoạt động người dân phải sống trong cảnh “nín thở”. Cả ngày lẫn đêm, mùi khét, hôi thối xộc thẳng vào nhà khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nước thải của cơ sở này thải thẳng ra dòng suối.

Người dân bức xúc làm đơn gửi lên xã nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào. Trong khi đó, người dân phải gánh chịu cảnh khói bụi, hôi thối, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Người dân mong muốn chính quyền địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên để người dân đỡ khổ”.

Cơ sở đốt rác, tái chế nhựa gây ô nhiễm mô trường gây bức xúc cho người dân. Ảnh: Ngọc Hùng.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “UBND xã Hòa Phú kiểm tra việc sử dụng đất tại thôn 12 đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Vũ Đức Cường (SN 1985, ngụ thôn 11, xã Hòa Phú) đã có hành vi vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Qua kiểm tra, hiện trạng xây dựng thuộc thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9, mục đích sử dụng trồng cây hàng năm khác, do ông Ngô Lịch (thôn 12 xã Hòa Phú) đứng chủ sở hữu. Hiện trạng trên đất có sân bê tông với diện tích 832m2, trên đó có 1 nhà tiền chế bằng sắt thép với diện tích 429m2. Theo lời của ông Cường, ông này thuê lại đất của ông Lịch và cải tạo làm bãi xử lý phế liệu”.

Hiện việc xử lý vượt quá thẩm quyền của xã nên UBND xã đã có văn bản đề xuất với UBND TP Buôn Ma Thuột xử phạt vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Vũ Đức Cường theo quy định. Hiện đang chờ quyết định của UBND thành phố”, ông Toàn nhấn mạnh.

Biến lời nói thành hành động

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tuy nhiên nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đề xuất: “Cần ban hành những chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, đặc biệt đối với các bao bì nhựa, nilon khó phân hủy. Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Áp dụng công nghệ tái chế chất thải nhựa bằng nhiều phương pháp, vừa có thể xử lý chất thải nhựa khó phân hủy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường…”.

Việc đột ngột thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân thực sự khó, nhưng không phải là không có cách khắc phục. Thêm vào đó, cần có biện pháp khắc chế với các cơ sở sản xuất và phân phối đồ nhựa. Cần tăng cường giám sát, thành lập những đội kiểm tra với hành vi xả rác, xả thải bừa bãi, xử lý vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp, sử dụng đồ nhựa trong mô hình kinh doanh đã bị cấm sử dụng đồ nhựa.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Mặt khác, cần tuyên truyền nhiều hơn nữa tới người dân về tác hại, mặt trái của sự tiện lợi mà đồ nhựa đem lại. Ngoài ra, cần thuyết phục mọi người thay đổi thói quen dùng đồ nhựa một lần rồi vứt bỏ vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí tiền bạc, mà chuyển sang những đồ dùng có thể tái sử dụng.

Tại các tỉnh, thành phố lớn, nhiều siêu thị đã cam kết không sử dụng túi nilon. Một số hãng hàng không cũng cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục vụ ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

"Cuộc chiến" chống rác thải nhựa là cuộc chiến dài hơi, không hề đơn giản. Mỗi người dân hãy nâng cao thêm ý thức, trách nhiệm của mình với môi trường, xã hội xung quanh, loại bỏ rác thải nhựa từ những thói quen thường nhật nhất. Chúng ta nên học cách biến hóa đồ nhựa đã sử dụng vào các mục đích khác nhau như: Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, đựng các đồ dùng khác hoặc làm đồ trang trí, hộp nhựa có thể tái dùng làm chậu hoa nhỏ để bàn học, bàn làm việc... Và người dân nên học cách từ chối túi nilon, thay vào đó là sử dụng túi giấy, túi vải, những sản phẩm được gói đựng bằng lá, tre, nứa...

'Trang trại' rau sạch trên bè làm từ rác thải nhựa

Từ ba năm trước, ông Nguyễn Văn Đắc, tại ấp 3, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình Trồng rau bè thủy sinh. Đến nay, mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng.

Tận dụng ao, hồ sẵn có, ông Đắc dùng vỏ chai nhựa phế thải kết lại tạo ra những bè nổi hình chữ nhật, mỗi bè có diện tích khoảng 3m2 xung quanh bè bao bọc bằng lưới và những nẹp tre, phía trên phủ lớp phân làm từ lục lục bình để làm giá thể.

Ông Đắc chia sẻ: "Từ khi nhà nước giao khu vực này cho tôi, do diện tích mặt nước lớn nên phải nghĩ ra cách tận dụng. Nguồn lục bình thì có sẵn tại địa phương. Tôi tận dụng tất cả các loại rác thải nhựa có thể nổi được để làm bè nổi".

Mô hình trồng rau trên bè thủy sinh tại ấp 3, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An của ông Nguyễn Văn Đắc.

"Đầu tiên tôi sử dụng ống nước, thùng phuy... nhưng đều không ổn. Sau đó, tôi chuyển sang các loại chai nhựa và thấy khá ổn, dễ làm, dễ cân chỉnh độ nổi. Cây ăn trái thì đòi hỏi lớp giá thể dày hơn, rau thì mỏng hơn và có thể cân chỉnh số lượng chai nhựa để cân độ nổi của bè", ông Đắc nói về quá trình ứng dụng bè nổi làm từ chai nhựa.

Mô hình không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn mà còn giúp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. “Việc trồng trên bè nổi giúp cách ly được khoảng 80% các loại sâu, bệnh và côn trùng gây hại, bảo đảm chất lượng rau sạch:, ông Đắc nói, đồng thời cho biết, hiện các sản phẩm rau trồng trên bè được bán tại địa phương và hệ thống Siêu thị Nam An. Ngoài ra, anh cũng cung cấp sản phẩm theo đơn đặt hàng của các đơn vị ở xa.

Hiện tại, ông Đắc có khoảng 300 bè nổi, với diện tích gần 5.000m2, gồm nhiều loại rau màu như dưa leo, cà chua, bí đao, bí đỏ, bầu, mướp, cải bẹ xanh,...

Nhân công vườn rau không mất công tưới và diệt trừ sâu bệnh, chỉ gia công các giá thể theo các quy chuẩn và chờ đến ngày thu hoạch. Việc chăm sóc cũng dễ hơn so với trồng trên bờ. Tại đây, anh tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động có thu nhập ổn định.

"Tôi cũng rất muốn giao lưu, giới thiệu mô hình nông nghiệp sạch cũng như triển khai các hoạt động giao lưu, tham quan...", anh Đắc hy vọng.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình trồng rau trên bè nổi của ông Đắc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này cũng mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, rất phù hợp với các vùng sông nước.

Tái sinh rác nhựa và giảm ô nhiễm môi trường

Theo thói quen hiện nay, người dân chỉ phân loại một số nhựa cứng, nhựa có giá trị để bán ve chai; các loại nhựa khác, đặc biệt túi mềm vẫn vứt chung vào rác thải sinh hoạt nên không được tái chế.

Vì vậy, ngày hội thí điểm Tách nhựa để Tái chế tại Quận 7 (TP.HCM) vừa qua đã giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà một cách triệt để, hỗ trợ mang nhựa quay lại phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất thay vì gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân phân loại tốt thì việc tái chế sẽ thuận lợi hơn, đỡ tốn kém hơn.

Sự kiện giúp mang khái niệm Kinh tế Tuần hoàn trở nên gần gũi hơn với người dân

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: "Để thực hiện mô hình này, bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là phân loại tại nguồn, vì chỉ khi rác thải nhựa được phân loại đúng cách, chúng ta mới có thể tiến hành thu gom và có nguồn nhựa đầu vào chất lượng phục vụ cho hoạt động tái chế và sản xuất bao bì tái sinh về sau."

Ngày hội còn là cột mốc quan trọng khởi động cho chương trình hợp tác "Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế Tuần hoàn" giữa Unilever Việt Nam và UBND Quận 7 đến cuối năm 2025, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Hợp tác này sẽ tập trung mang mô hình Kinh tế Tuần hoàn vào đời sống của người dân, tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường rộng khắp tại các cộng đồng địa phương bằng cách xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình.

“Gia đình 5 có, 3 sạch' và mô hình xử lý, thu gom rác thải nhựa

Thực hiện phong trào chung tay bảo vệ môi trường, với chủ đề “Phụ nữ vun trồng tương lai”, Hội LHPN huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã phát động thực hiện “Mỗi cơ sở Hội 01 công trình cây xanh”, “Mỗi phụ nữ 01 cây xanh”… Qua đó, cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động quét dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường trên các tuyến đường; tổ chức trồng các loại cây như: điệp Thái, Quỳnh anh...

Chi hội Phụ nữ ấp Dinh A, xã An Phú Tân ra mắt mô hình chi hội “Gia đình 5 có, 3 sạch” có 30 thành viên.

Qua đó, Hội LHPN huyện Cầu Kè đã thành lập và ra mắt 08 mô hình chi hội “Gia đình 5 có, 3 sạch” (5 có: ngôi nhà an toàn, sinh kế bền vững, sức khỏe, kiến thức, nếp sống văn hóa. 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) gắn với mô hình xử lý, thu gom rác thải nhựa trong phong trào XDNTM. Bên cạnh đó, các cơ sở Hội tuyên truyền, phát động, hướng dẫn hội viên thực hiện cuộc vận động “Gia đình 5 có, 3 sạch”, được 432 cuộc, có 10.700 lượt chị tham dự (trong đó, có 8.135 cán bộ, hội viên); 37/67 ấp - khóm có mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch - đô thị văn minh”.

Hội LHPN các xã duy trì 11 tuyến đường hoa, dài 11,6km; thực hiện ươm 3.000 chậu hoa trồng trên các tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” do Hội đăng ký thực hiện trong năm 2023.

Xu hướng tiêu dùng và thói quen sống xanh

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Intage Việt Nam với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có đến 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…

Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những Công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Hà Nội lan tỏa xu hướng tiêu dùng xanh và thói quen sống xanh. (Ảnh Thanh Tân)

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống tại Hà Nội, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Long Bảo Thịnh Phát cho hay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên sẵn sàng chi trả để mua những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn. Mặt khác, người tiêu dùng cũng cân đối lại vấn đề ăn uống theo xu hướng cắt giảm một số nhu cầu khác để tăng cường mua sắm phục vụ nhu cầu thiết yếu và tăng cường sức khỏe, nên tạo ra cơ hội cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh phát triển.

Cũng tham gia tích cực vào việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, thúc đẩy tiêu dùng xanh bền vững, vừa qua, Tập đoàn Central Retail cũng đã triển khai đồng loạt chương trình "Bring Your Own Shopping Bag - Mang theo túi riêng", đối với các khách hàng khi đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Go! Big C trên địa bàn Hà Nội và các thành phố lớn cả nước.

Ngoài ra, khi khách hàng đến mua sắm tại hệ thống các siêu thị của Central Retail với các sản phẩm tươi sống, thì sẽ được nhân viên sử dụng lá chuối, giấy kraft… để gói sản phẩm thay thế bao nilon và màng bọc thực phẩm. Thông điệp “Mang theo túi riêng”, “Chung tay giảm thải rác nhựa” được truyền thông mạnh mẽ tại siêu thị nhằm tạo sức lan tỏa chương trình ý nghĩa này và truyền cảm hứng cho người tiêu dùng cùng hành động vì một tương lai bền vững hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Baovanhoa.vn)

Ông Nguyễn Minh Tiến - GĐ Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp chia sẻ, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Hiện nay, nhiều DN nông sản đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất nông sản hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước. Việc sản xuất, canh tác hữu cơ tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong 5 năm năm gần đây đã giúp gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu với hơn 300 triệu đô la Mỹ/năm, đáp ứng thị trường nội địa và vươn xa tới thị trường khoảng 180 nước.

Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất cũng ngày một nâng cao hơn khi đã có sự chú trọng về áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý và đặc biệt là nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, nông sản Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu. Thông tin thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thương mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu nước ngoài. Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, cần phải có những giải pháp căn cơ và sát sườn.

 

Đinh Thị Hoa (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top