Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 9 năm 2023 | 10:28

Tìm giải pháp phát triển bền vững cho thanh long

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả và sự bền vững cho sản phẩm thanh long trong bối cảnh thị trường biến động là nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị "Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam" do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Diện tích thanh long Việt Nam hiện nay đạt gần 55.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Nhiều thách thức

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả, Cục Trồng trọt cho biết, diện tích thanh long Việt Nam hiện nay đạt gần 55.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/ năm. Việt Nam từng là nước dẫn đầu thế giới về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thanh long. Điều kiện tự nhiên từ đất đai, khí hậu Việt Nam phù hợp để sản xuất thanh long hàng hoá và có khả năng rải vụ cho thu hoạch quanh năm. 

Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Giống chủ lực của Việt Nam là thanh long vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng, nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu dẫn đến sự phát sinh, phát triển của nhiều loại sâu bệnh, dịch hại cùng với giá vật tư phân bón tăng cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, giá thành, an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh.

Cũng cần nhìn nhận vấn đề là liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn, khó tính. Hệ thống cơ sở sơ chế, đóng gói và kho bảo quản tiên tiến, sản phẩm chế biến sâu còn thiếu, hạn chế về công nghệ...

Về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Trong khi đó, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới như Ấn Độ và các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ... cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao.

Song song đó, diện tích trồng thanh long thế giới có xu hướng tăng; đặc biệt Trung Quốc thị trường truyền thống, chủ lực đã tăng nhanh, vượt quy mô diện tích, sản lượng của Việt Nam. Ấn Độ, thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng diện tích trồng thanh long phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.

Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tăng diện tích thanh long, không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Cùng chung nhận định, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng xuất nhập khẩu hàng nông lâm thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 đạt 3,55 tỷ USD. Thanh long là một trong số những loại trái cây xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp nhiều địa phương thời gian qua.

Về tiêu thụ, khoảng 80 - 85% sản lượng thanh long Việt Nam phục vụ xuất khẩu; 15 -20% tiêu dùng trong nước thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ và các nhà máy chế biến làm nguyên liệu. Thanh long từng góp mặt trong nhóm các sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu thanh long giảm dần trong 3 năm trở lại đây. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. 

Bà Trần Thanh Bình lý giải, khó khăn, thách thức trong tiêu thụ thanh long Việt Nam là phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, chiếm trên 80% lượng thanh long xuất khẩu, lại xuất khẩu qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới phía bắc. Trong khi đi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi nhiều nước tham gia sản xuất thanh long. Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan vốn là những thị trường xuất khẩu thanh long lớn của Việt Nam, Mexico là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đều đã chủ động canh tác thanh long. Đáng chú ý nhất, sản lượng thanh long của Trung Quốc đã đạt 1,6 triệu tấn/ năm, do đó nhu cầu nhập khẩu thanh long giảm dần so với những năm trước. 

Mặt khác, sản xuất thanh long của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế về tiêu chuẩn, chất lượng; canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết và thống nhất; chưa bám sát tín hiệu nhu cầu thị trường. Một số lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, EU đã bị cảnh báo về kiểm dịch thực vật hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thêm vào đó, công nghệ chế biến, bảo quản của Việt Nam cũng còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái thanh long tươi, khó xuất khẩu đi các thị trường xa.

Tập trung nâng cao chất lượng

Trong bối cảnh nhiều quốc gia mở rộng diện tích, tăng sản lượng thanh long, ông Nguyễn Quốc Mạnh nhấn mạnh, để tránh tình trạng cung vượt cầu, ngành nông nghiệp chủ trương không gia tăng diện tích thanh long, đặc biệt là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng ảnh hưởng của ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ổn định diện tích thanh long trong khoảng khoảng 60.000 - 65.000 ha, duy trì sản lượng 1,3 - 1,5 triệu tấn. 

Đồng thời, các địa phương sản xuất thanh long tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến; đảm bảo năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nghiên cứu, bố trí cơ cấu giống thanh long đa dạng, ruột trắng, ruột đỏ, vỏ vàng có chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường. Từng bước hình thành các vùng sản xuất thanh long theo thị trường xuất khẩu có chứng nhận hoặc cấp mã số vùng trồng. Tổ chức liên kết giữa vùng sản xuất tập trung với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới cũng như đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến đặc biệt là chế biến sâu, bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm.

Bà Trần Thanh Bình cho rằng, bên cạnh thách thức, vẫn có những cơ hội thị trường ngành hàng thanh long khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang góp phần thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đi nhiều khu vực khác nhau. Nhu cầu tiêu dùng nông sản thế giới phục hồi và giá cước vận tải đường biển hạ nhiệt giúp việc vận chuyển nông sản; trong đó có thanh long thuận lợi hơn giai đoạn trước.

"Để tiêu thụ thanh long bền vững, các bộ, ngành cần phối hợp địa phương hỗ trợ tiêu thụ nông sản nội địa; đồng thời, tập trung giải pháp tạo thuận lợi khi xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, tránh ùn tắc; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch để giảm rủi ro. Quan trọng nhất là phải khẩn trương nâng tầm sản phẩm để đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tận dụng tốt các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, thị trường theo nhiều kênh khác nhau", bà Trần Thanh Bình đề xuất.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, muốn thanh long phát triển bền vững thì phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Yêu cầu tất yếu là tổ chức lại sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết vì có giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì không hiệu quả, không đem lại giá trị gia tăng. 

Trái thanh long Việt Nam hiện nay vẫn đạt chuẩn, vẫn có chất lượng nhưng chưa có nhiều giá trị gia tăng nên chưa bán được giá cao. Trong liên kết sản xuất, vai trò của hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp cần được xác định cụ và có tính cam kết để đảm bảo cho ra sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng tốt nhất. 

Gợi ý các giải pháp để phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng thanh long hơn là sản lượng, số lượng; cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung ở các địa phương như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang để có thể áp dụng các biện pháp canh tác đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GAP) tích hợp các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

"Để làm được điều đó, người sản xuất trực tiếp và các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng thanh long phải chuyển sang tư duy sản xuất hướng đến thị trường và thiết lập các vùng sản xuất chuyên biệt phù hợp với nhu cầu ở các thị trường chính; đồng thời, nâng cấp được mối liên kết trong chuỗi giá trị từ nhà sản xuất, chế biến đến hệ thống logictis phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, xu hướng phổ biến của người tiêu dùng thời gian tới là ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp có nhãn giảm phát thải. Vì vậy, ngành thanh long Việt Nam cũng cần xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất xanh, giảm tối đa lượng phát thải và vật tư đầu vào nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh", ông Patrick Haverman chia sẻ.

Xuân Anh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-cho-thanh-long-20230929173810984.htm
 
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An tăng tốc sản xuất vụ đông

    Nghệ An tăng tốc sản xuất vụ đông

    Vụ đông năm nay, tỉnh Nghệ An phấn đấu gieo trồng 34.690 ha cây trồng vụ đông các loại. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng gần 5.000 ha.

  • Nương nhờ vào biển, khôi phục diện tích thủy hải sản

    Nương nhờ vào biển, khôi phục diện tích thủy hải sản

    Trắng tay sau siêu bão Yagi nhưng người dân nuôi trồng thủy hải sản ở biển Quảng Ninh vẫn quyết bám trụ với nghề. Bởi họ yêu biển, hiểu biển và bao đời này sống nhờ biển. Với hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, tạo ra cơ hội lớn cho người dân phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

  • Nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ

    Nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ

    Siêu bão Yagi càn quét đã gây thiệt hại rất lớn tại nhiều tỉnh và thành phố, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất ngành nông nghiệp, hiện các địa phương đang tích cực tiến hành nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.

  • Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Đó là thành quả mà ông Đàm Duy Từ, sinh năm 1963, ở xóm 10, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt được.

  • Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Với diện tích 2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.

  • “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Top