Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022 | 9:50

Tổ chức thực hiện phải là mũi đột phá

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW - nghị quyết chuyên đề về Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ảnh: TTXVN

Đây là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Nghị quyết xác định quan điểm: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và toàn hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; gắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với xây dựng nền kinh tế, quốc gia độc lập tự chủ, dựa trên nội lực của đất nước, coi nội lực là quyết định. Đây là điểm mới về quan điểm của Đảng đối với quá trình  công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn mới. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, từng vùng, từng địa phương. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần lộ trình bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm… 

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ngày 5 -6/12 vừa qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau khi nêu bật những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua, Nghị quyết số 29 đã chỉ ra một số nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Trong đó nêu rõ:  Nhận thức, lý luận, mô hình, mục tiêu, tiêu chí về công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa sát thực tiễn, còn chủ quan, duy ý chí. Chưa xác định rõ trọng tâm ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức còn lạc hậu, không khuyến khích, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ...

Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021-2030, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước... Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.

Để thực hiện mục tiêu, Nghị quyết đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó có một số nội dung trọng tâm, đột phá để thúc đẩy CNH, HĐH trong giai đoạn tới gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Cụ thể hóa các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước với luật pháp, chính sách, hệ thống quy hoạch quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan tiến tới đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng có liên quan đến CNH, HĐH để hoàn thiện cơ bản thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH. Thực hiện phân công, phân cấp triệt để trong quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Nâng cao năng lực dự báo, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả CNH, HĐH trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Theo đó, đối với kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nghị quyết xác định rõ định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ trong quá trình CNH, HĐH bằng các biện pháp cụ thể về cơ chế, chính sách phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng; ưu tiên khoa học-công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn...

Qua nghiên cứu Nghị quyết, nhiều chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn cho rằng, kinh tế nông nghiệp của ta còn nhiều hạn chế, như: sản xuất nhỏ, thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn còn thiếu và yếu trong khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng do đó, Chính phủ, ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cần có kế hoạch cụ thể, sát thực tế với những đột phá mạnh mẽ về tổ chức lại sản xuất, huy động mọi nguồn lực xã hội vào công cuộc quan trọng này. Trước hết, Nhà nước cần tăng đầu tư cho kinh tế nông nghiệp – trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế và là cơ sở các ngành công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học, công nghiệp cơ khí,… phát triển. Các chuyên gia cũng mong muốn: Lâu nay ở ta, khâu tổ chức thực hiện luôn yếu. Để thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết đề ra, cần tập trung vào tổ chức thực hiện. Cần coi tổ chức thực hiện tốt là đột phá chiến lược.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top