Tiềm năng lớn, cơ hội xuất khẩu cao, nhưng để sản phẩm chủ lực là tôm phát triển bền vững, Cà Mau đặt mục tiêu phát triển ngành tôm theo mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Tiềm năng lớn
Cà Mau có diện tích nuôi tôm trên 280.000 ha, diện tích ao nuôi tôm công nghiệp đạt 9.473 ha, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 2.251 ha, tăng 29,6% so cùng kỳ.
Sản lượng tôm nuôi hàng năm đạt trên 220 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm khoảng 25% cả nước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh vượt trên 1 tỷ USD, đóng góp quan trọng giúp Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức cho đoàn Trung tâm Thuỷ sản có trách nhiệm của Hoa Kỳ và các chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài tham quan mô hình nuôi tôm rừng của Công ty TNHH Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Hiện, Cà Mau có 41 nhà máy chế biến thuỷ sản của 38 doanh nghiệp, với lực lượng công nhân lên đến 20 ngàn người. Tổng công suất sản xuất, chế biến của các nhà máy ước đạt gần 250 ngàn tấn/năm. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản rất nhạy bén, thích ứng nhanh với biến đổi khí hậu, tiếp cận nhanh với thị trường, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong xuất khẩu. Máy móc thiết bị của các nhà máy chế biến thuỷ sản đã được đầu tư xứng tầm khu vực; tay nghề công nhân được nâng cao, chế biến được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng.
Nhiều loại hình nuôi tôm
Cà Mau có nhiều loại hình nuôi tôm gồm: quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh (STC); sản lượng tôm sú khoảng 125 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, trong đó có khoảng 25 ngàn tấn tôm sinh thái có chất lượng và giá trị cao từ hình thức nuôi xen canh tôm - rừng, luân canh tôm - lúa, đây là thế mạnh không nơi nào có được, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng thế giới.
Nuôi xen canh tôm - rừng là lợi thế riêng có của Cà Mau, không đâu sánh bằng. Mô hình này tập trung chủ yếu tại các vùng ven biển, nơi có rừng ngập mặn. Đã có 7 công ty chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau tham gia xây dựng liên kết chuỗi sản xuất tôm - rừng cùng với người dân, gắn với các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu trong phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Các dự án được triển khai từ năm 2013, đến nay qua 10 năm kiên trì thực hiện, mô hình này đã phát triển trên diện tích 9.500ha, với 2.100 hộ nuôi, đạt được 7 chứng nhận quốc tế trong chuỗi sản xuất tôm - rừng.
Chế biến tôm tại Công ty TNHH Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho biết: “Về tôm sú, Việt Nam chứng nhận được tôm sinh thái và tôm hữu cơ. Về chứng nhận BAP tôm - rừng, được cấp vào ngày 26/6/2023, đây là chứng nhận đầu tiên trên thế giới về mô hình BAP của Mỹ, được xem là lợi thế của tôm Cà Mau khi cạnh tranh với thị trường thế giới. Hy vọng đến năm 2030, chúng tôi sẽ tăng gấp 3 lần diện tích hiện tại”.
“Từ năm 2023, huyện Ngọc Hiển sẽ phát triển thêm 9.000 ha nữa, số diện tích còn lại sẽ phát triển trong những năm 2024, 2025. Chúng tôi vận động, tuyên truyền người dân phải đảm bảo về tỷ lệ rừng, đảm bảo về mặt vệ sinh môi trường, đồng thời chấp hành lịch thời vụ nuôi, áp dụng khoa học công nghệ để nuôi tôm đảm bảo được năng suất, chất lượng”, ông Lê Văn Quang chia sẻ.
Ngoài ra, thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang chuyển dần từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao đất trải bạt sang nuôi trong ao nổi trải bạt, góp phần giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Anh Võ Văn Đỏ ở ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái (Phú Tân) đã có 3 vụ nuôi tôm siêu thâm canh trong ao nổi trải bạt và thành công cả 3 vụ. Ao nuôi được thiết kế hình tròn, khung được làm bằng sắt, phủ bạt, đặt trên mặt đất bằng phẳng. Anh Đỏ cho biết: “Từ khi chuyển từ mô hình nuôi tôm trong ao đất trải bạt sang nuôi tôm trong ao nổi trải bạt lợi nhuận cao hơn nhiều, do chi phí đầu tư thấp, giảm 50% nhân công”.
Trước tình hình giá điện, giá vật tư đầu vào tăng như hiện nay, trong khi đó giá tôm nguyên liệu bấp bênh và có chiều hướng sụt giảm thì mô hình nuôi tôm trong ao nổi trải bạt là lựa chọn khá phù hợp cho người nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường liên kết
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ngành tôm toàn cầu 2023, đoàn chuyên gia, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia đánh giá cao mô hình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Cà Mau.
Tiến sĩ George Chamberlain, Chủ tịch Trung tâm Thủy sản có trách nhiệm (TCRS) của Hoa Kỳ nhận định: “Tiềm năng để phát triển thị trường tôm của Cà Mau rất lớn. Cà Mau đang có hệ thống nuôi và chế biến tôm rất chặt chẽ. Chúng tôi cũng đang tham khảo quy trình bảo quản tôm của Cà Mau. Sau khi nghe các nhà sản xuất của Cà Mau nói về sản phẩm, tôi thấy Cà Mau rất nghiêm túc với hình thức nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, ít tác động đến môi trường. Với hình thức này, con tôm có giá trị cao, mẫu mã đẹp hơn, mang lại những giá trị lớn. Chính vì vậy, đây là lúc các bên cần hợp tác đưa ra những hành động cụ thể và cải thiện những hạn chế để cùng nhau liên kết đưa ngành tôm tiến xa hơn”.
Ông Lê Văn Sử cho biết: “Cuối năm nay, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Festival tôm nhằm giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chủ lực là con tôm, góp phần kết nối giao thương giữa các vùng, trong và ngoài nước. Qua đó, khẳng định vị thế con tôm là ngành hàng chủ lực, là động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh Cà Mau phát triển bền vững”. |
Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,65 tỷ USD; đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.
Để đạt mục tiêu đề ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, để ngành tôm Cà Mau phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, địa phương đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giống, thức ăn, thuốc thú y đầu vào cho sản xuất; liên kết giữa người nuôi tôm với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, thậm chí liên kết với các nhà phân phối, nhà bán lẻ để bảo đảm sản xuất, chế biến, phân phối tôm nằm trong chuỗi khép kín.
Thời gian tới, Cà Mau sẽ tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình nuôi có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, các mô hình nuôi ít thay nước, nuôi 2-3 giai đoạn, nuôi trồng thủy sản hữu cơ, tiết kiệm năng lượng...
Tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các vùng nuôi quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.