Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 3 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024 | 19:34

Đầu tư bắt kịp xu thế, DN nỗ lực gia tăng giá trị nông sản

Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến sâu để gia tăng tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu tinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng chất lượng và giá trị cho nông sản xuất khẩu là giải pháp bền vững mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện.

Sơ chế và đóng gói sản phẩm vải thiều xuất khẩu của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam.

Nhiều lợi ích từ đầu tư chế biến sâu

Những năm qua, nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, chinh phục được các thị trường khó tính nên sản phẩm rau quả của Việt Nam có giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm thông thường.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê chia sẻ: công ty đã xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung và các nhà máy chế biến rau quả hiện đại. Đơn cử, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai có thể chế biến 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày và 200 tấn xoài/ngày, và hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang… Nhờ chế biến sâu, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Israel.

Nói về lợi ích của chế biến sâu, Tổng Thư ký Hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá: Chế biến sâu giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng nhờ bảo quản lâu hơn. Từ đó, xóa dần áp lực bán nhanh do tính chất thời vụ và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu.

Còn theo bà Kim Thu - chuyên gia thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong năm 2024, các mặt hàng  thủy sản chủ lực, nhất là mặt hàng tôm cần phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách lựa chọn giải pháp thúc đẩy hoạt động chế biến sâu. Đơn cử như sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng hiện chiếm 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đang ở mức cao trên thế giới. Đây là những lợi thế cạnh tranh lớn các sản phẩm tôm Việt.

Thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, thứ nhất về hạt tiêu, và thứ ba về gạo. Các hiệp định thương mại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đầu tư bắt kịp xu thế

Dù đã có nhiều nỗ lực song hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Thống kê của Hiệp Hội Rau quả Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế là 1 triệu tấn nguyên liệu/năm. Con số này mới chỉ chiếm hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Vì vậy, ngành rau quả cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và cạnh tranh xuất khẩu bền vững.

Một dây chuyền chế biến chah leo xuất khẩu.

Hoặc đối với ngành chè, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mức giá bình quân chè xuất khẩu trong tháng 7/2024 đạt 1.796,3 USD/ tấn, mức giá này mới chỉ bằng chưa tới 70% so với giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân toàn cầu trong năm 2023 đạt 2.600 USD/tấn. Nguyên nhân là do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp, trong khi nhu cầu tiêu dùng chè trên thế giới đã thay đổi rất nhanh, chuyển từ các sản phẩm chè thông thường, sang các sản phẩm chè chế biến sâu, chè đặc sản.

Đề cập về giải pháp chế biến sâu, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa khuyến cáo, các doanh nghiệp chế biến cần không ngừng tiếp cận xu thế và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như của thị trường để có những sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến sẽ ngày càng được chú ý.

Ở góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh Phạm Minh Thông cho rằng, để ngành cà phê và hồ tiêu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào khâu chế biến sâu. Doanh nghiệp cần nhìn nhận thẳng vấn đề là không thể mãi kinh doanh theo kiểu thương mại thuần túy mà cần xây nhà máy, đầu tư chế biến sâu và năm nào cũng phải chú trọng cập nhật công nghệ. Bởi đó là điểm mấu chốt, lợi thế để giúp Việt Nam có thể xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao hơn.

Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đây là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh chế biến sâu, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Thương hiệu quốc gia là chìa khóa nâng tầm nông sản Việt

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho hay ông cực kỳ tâm đắc với triết lý “đi cùng nhau” của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Đã nhiều lần, Bộ trưởng mời các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đến để cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt. Đó không còn là câu chuyện mạnh ai nấy làm, không còn là câu chuyện doanh nghiệp này mở rộng được bao nhiêu thị trường, doanh nghiệp kia bán được bao nhiêu sản phẩm mà chính là phải cùng nhau xây dựng chiến lược dài hạn, bền vững cho câu chuyện nông sản Việt Nam. Bởi vì tôi nghĩ rằng, xét cho cùng, xây dựng thương hiệu quốc gia chính là chìa khóa mở ra cánh cửa, mở ra con đường nâng tầm giá trị của nông sản Việt.

Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam luôn tâm niệm rằng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không đơn giản chỉ là “mua tận gốc, bán tận ngọn” đâu. 

Rõ ràng thời gian qua, từ nỗ lực của cơ quan quản lý, nỗ lực của doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, các địa phương, câu chuyện hình ảnh nông sản Việt Nam đã được nâng lên một vị thế rất khác. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn còn nhiều nút thắt, rào cản cần tháo gỡ. Đó là vấn đề của chuỗi liên kết, vai trò của các hiệp hội ngành hàng, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã.

Chỉ khi nào mỗi người, mỗi khâu trong chuỗi liên kết nhận thức được trách nhiệm của mình trong câu chuyện bền vững và dài hạn, lúc đó câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt mới thành công.

Tháng 6 năm 2020, trước khi xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Ameii cùng với 2 doanh nghiệp khác được mời đến Bộ Nông nghiệp và PTNT để cùng bàn cách tối ưu các đơn hàng, phân công nhiệm vụ làm sao để câu chuyện xuất khẩu không chỉ vải thiều mà còn nhiều mặt hàng trái cây khác có sự liên kết chặt chẽ, làm sao để “miếng bánh” ngày càng to hơn, mang lại lợi ích cho nhiều người hơn… Tuy nhiên, sau khi rời khỏi cổng số 2 Ngọc Hà, mỗi doanh nghiệp lại tiếp tục với tính toán của riêng mình.

Nói như thế để thấy chúng ta cần sự liên kết, cần hiện thực triết lý “đi cùng nhau” của Bộ trưởng Lê Minh Hoan có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, cần phải xác định rõ đối thủ cạnh tranh của mình là ai, để ít nhất “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” trước khi bàn đến câu chuyện cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bài học này đã rất rõ ràng, bất cứ thị trường nào cũng đã dạy cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta rồi. Tuy nhiên, sự thức tỉnh dường như vẫn còn chưa được như mong muốn.

Tiếp đó mới đến câu chuyện hoàn thiện chuỗi liên kết bền vững, tháo gỡ 2 nút thắt lớn nhất của nông sản hiện nay là chế biến sâu và xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn.

Thực tiễn ở Ameii cho thấy, một quả chuối nếu được chế biến bằng công nghệ sấy có thể tăng giá trị gấp 10 lần, nếu phủ thêm matcha hoặc cà phê, sô cô la có thể tăng giá trị thêm 2-3 lần nữa. Nghĩa là tiềm năng, lợi thế để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam vẫn còn rất rộng lớn, nếu không muốn nói là vô biên. Vấn đề là đầu tư khoa học công nghệ, hỗ trợ vay vốn, thay đổi tư duy liên kết.

Tương tự là câu chuyện trách nhiệm ở vùng nguyên liệu. Ameii cũng đã từng tốn rất nhiều tiền từ những bài học vùng nguyên liệu không được đảm bảo nên hơn ai hết, tôi nghĩ rằng, cần phải xác định tinh hoa nông sản Việt phải đáp ứng được tiêu chuẩn ở những thị trường cao cấp nhất, các địa phương và người dân phải thay đổi tư duy rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm ra những sản phẩm bán ở những thị trường cao cấp nhất, với giá trị gia tăng tốt nhất. Nghĩa là, cần sự đồng hành một cách đồng bộ để cùng nhau xây dựng thương hiệu nông sản Việt, cần sự chung tay của tất cả mọi người thực sự có khát vọng và trách nhiệm.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, đã nhiều lần Ameii kiến nghị, muốn hoàn thiện chuỗi liên kết, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam cần sự vào cuộc của tất cả các khâu trong chuỗi liên kết, cần vai trò của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hành, các địa phương…

Đó là xây dựng những Trung tâm tư vấn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, giúp người dân về quy trình canh tác, xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất. Bởi vì thị trường cao cấp là con đường tất yếu, không thể khác, chưa nói đến xu thế nông nghiệp xanh, tiêu chuẩn organic…

Câu chuyện tư duy nhỏ lẻ, manh mún ở đây không còn đơn thuần ở khâu sản xuất mà cả khâu quản lý, nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin, tìm kiếm và mở rộng thị trường… Như tôi đã phân tích ở trên, cần sự vào cuộc đồng bộ để xây dựng chuỗi liên kết bền vững nhất, lợi ích hài hòa nhất, để cùng nhau đi đến đích xa nhất.

Cuối cùng, từ câu chuyện của quả vải thiều, sản vật của Hải Dương, Bắc Giang và một số địa phương, khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường, nếu chúng ta biết kể thêm câu chuyện về văn hóa xứ sở, về vùng đất, con người làm nên những mặt hàng nông sản đó, chắc chắn giá trị nông sản Việt sẽ được nâng cao, gia tăng giá trị cạnh tranh hơn nữa./.

 

Thanh Tâm (t/h theo kinhtedothi.vn, nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Từ nguồn vốn vay tín chấp của Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Quảng Nam, thông qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã có điều kiện đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Top