Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01/01/2022, quy định việc loại bỏ thuế đối với khoảng 90% nhóm hàng trong vòng 20 năm.
Mặc dù mang lại nhiều cơ hội trong việc mở rộng thị trường, tuy nhiên, vấn đề chất lượng đang là điểm nghẽn của các mặt hàng nông sản nước ta.
Tiềm năng lớn
RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand; dân số 2,2 tỷ dân, GDP trên 26.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Theo Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang khu vực RCEP đạt khoảng 146,5 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 72,9 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tôm là một trong những loại thuỷ sản được thị trường Australia ưa chuộng.
Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi Hiệp định), các mặt hàng nông - lâm - thủy sản đều có tăng trưởng so với năm 2021 (Australia tăng 49,2%; Nhật Bản tăng 27,5%; ASEAN tăng 20,4%...). Năm 2023, Indonesia tăng 4,5 lần so với năm 2022; Philippines tăng 15,7%; Trung Quốc tăng 15,8%... 6 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ 03 nước trong ASEAN (Lào, Myanmar, Brunei), kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản sang các thị trường còn lại trong khối đều có kết quả tích cực.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong RCEP, với 12 sản phẩm. Trong đó có một số loại trái cây như: xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long. Mới đây, Trung Quốc mở cửa cho dừa tươi, cá sấu và sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vào thị trường nước này.
Kế tiếp là New Zealand, có 5 sản phẩm. Mới nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng quả bưởi tươi.
Dù có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, không ít mặt hàng nông - lâm - thủy sản Việt Nam vi phạm các Quy định An toàn thực phẩm và An toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của nước nhập khẩu.
Ông Lò Xuân Quyết, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất, bao gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại...
Các lỗi bị cảnh báo thường là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; hồ sơ kèm theo hàng hóa như: thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu; tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do DN xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định SPS ở các thị trường nhập khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam thay đổi liên tục. Trong khi quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của người dân, DN Việt còn nhiều khâu chưa kiểm soát được 100% như nguồn nước tưới, đất, bình tưới…, tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Lưu ý từ thị trường nhập khẩu
RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và ASEAN, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn; giúp mở cánh cửa xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản Việt.
Do vậy, khi xuất khẩu hàng hóa, DN Việt cần tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ các quy định này không chỉ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu mà còn giúp tránh các rủi ro tại cảng đến. Đảm bảo làm thủ tục kiểm dịch và an toàn thực phẩm đầy đủ giúp DN yên tâm hơn về quá trình xuất - nhập khẩu.
Đơn cử, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO và yêu cầu của Trung Quốc. Ngoài ra, yêu cầu mới là khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói đối với các sản phẩm nông sản. Một số mặt hàng nông sản cũng cần thực hiện đăng ký theo các lệnh 248 và 249 của Trung Quốc.
Khai thác thị trường RCEP là việc làm lâu dài, DN cần đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
Thời gian tới, DN, HTX cần đầu tư cho cải tiến kỹ thuật, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm (thông qua liên doanh, liên kết với các nhà nghiên cứu, DN trong nước và nước ngoài; nâng cấp, mua lại các quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại…). Đồng thời, nghiên cứu để nâng cao chất lượng, mẫu mã… của sản phẩm nhằm phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Ông Lò Xuân Quyết cho rằng, DN, HTX nên tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng, nhu cầu của các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
“DN cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu. Cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu. Hàng Việt cần sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản, thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Quyết nhấn mạnh.
Về khâu sản xuất, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị, các vùng trồng, vùng nuôi cần tuân thủ các quy định của Việt Nam về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh; tuân thủ và cập nhật biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh (SPS) của thị trường nhập khẩu; tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi mô hình canh tác phù hợp với xu thế….
Bên cạnh đó, ngoài quan tâm đến chất lượng, hương vị, sản phẩm cần có yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ Tín trong cam kết. Đảm bảo được các yếu tố này, DN sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.