Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024 | 14:52

Phú Yên: Nhiều thay đổi trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 27/9, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc thiểu số đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; Phát huy lợi thế tiềm năng hội nhập và phát triển bền vững”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên với sự tham dự của 249 đại biểu chính thức là những người tiêu biểu đại diện cho hơn 60.000 đồng bào của 32 dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Chú trọng ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất

Tỉnh Phú Yên là vùng đất trù phú, bình yên, nơi có nhiều dân tộc anh em, trong đó có 32 dân tộc thiểu số, chiếm 6,9% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân, nơi có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương hỏi thăm, động viên các đại biểu

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Nhiều con em người dân tộc thiểu số đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh, cống hiến máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu.

Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực thi đua phấn đấu vươn lên, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã triển khai thực hiện đạt kết quả các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc và miền núi. Từ các phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện ngày càng nhiều các điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Quang cảnh đại hội

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung các nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; chú trọng công tác bảo vệ thực vật, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tín dụng ưu đãi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, từng bước đưa sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển toàn diện, hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây mía cho năng suất cao, góp phần vươn lên làm giàu.

Trong 5 năm (2019-2024), diện tích các loại cây trồng chủ yếu của 3 huyện miền núi đều tăng khá: cây sắn tăng 2.494 ha, tăng 11,57%; diện tích trồng mía giữ ổn định ở mức 23.092 ha với sản lượng 22.295 tấn; cây lâu năm 7.672 ha, tăng 11,12% so với năm 2019; cây cao su tăng 27,57% thành tăng 15,41%; lúa nước tăng 6,8% đạt bình quân 61,6 tạ/ha. Chăn nuôi gia súc trong những năm qua tiếp tục ổn định về số lượng, phát triển về chất lượng: tổng đàn bò hiện có khoảng 54.800 con, chiếm 33,60% tổng đàn bò của tỉnh, đàn heo hơn 58.754 con, chiếm 38,22% tổng đàn heo của tỉnh và tăng 17,51% so với năm 2019. Mô hình kinh tế trang trại tiếp tục nhân rộng trong vùng đồng bào DTTS&MN, hiện nay có 71 trang trại (tăng 12,7% so với năm 2019). Nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp, nương rẫy, đồi núi trọc, lập gia trại, trang trại trồng trọt với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây sầu riêng, mắc ca, cao su...

Nhiều gương điển hình tiên tiến trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực lao động sản xuất.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh, cơ sở chế biến có quy mô nhỏ đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến hệ thống sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn và được công nhận là sản phẩm OCOP. Hiện trên địa bàn huyện Đồng Xuân có 3 làng nghề, gồm: Làng nghề đan lát Thạnh Đức (thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3), Làng nghề bánh tráng Long Bình (KP Long Bình, TT La Hai) và Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại (xã Xuân Lãnh).

Làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân).

Đến nay, số xã vùng đồng bào DTTS&MN được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 6/23 xã, chiếm tỷ lệ 26,08%; 7/7 xã có thôn vùng đồng bào DTTS&MN được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 100% (trong đó, có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 là xã Đức Bình Tây - huyện Sông Hinh và xã Hòa Hội - huyện Phú Hòa). Chương trình nông thôn mới góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; đời sống của người dân được cải thiện.

Khơi dậy động lực để đồng bào vươn lên thoát nghèo

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên chia sẻ, trong những năm qua vùng đồng bào DTTS&MN kinh tế có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững, việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tiềm năng chưa được khai thác đúng mức, còn có khoảng cách lớn về phát triển giữa vùng đồng bào DTTS&MN và vùng đồng bằng. Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các địa phương còn lúng túng…

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên phát biểu

Ông Trương Văn Phương cho biết thêm, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác dân tộc trong thời gian qua đối chiếu với những kết quả, hạn chế, nguyên nhân cần rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, nâng cao nhận thức đúng đắn cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc…

Hai là, thực hiện chính sách dân tộc phải kiên trì, nhất quán quan điểm, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị với vùng dân tộc.

Ba là, phải tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao trong đồng bào các DTTS, khơi dậy động lực mạnh mẽ, phát huy ý chí nội lực để họ tự vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn tồn tại ở một số bộ phận đồng bào.

Bốn là, cán bộ làm công tác dân tộc trong hệ thống chính trị phải có tâm huyết, nắm vững các chủ trương, chính sách dân tộc.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động chăm lo lợi ích thiết thực cho đồng bào, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Khi xử lý các vấn đề có liên quan đến dân tộc phải kiên trì vận động, thuyết phục.

Sáu là, coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách; kịp thời kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn chung.

Bảy là, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn có hiệu quả âm mưu của các thế lực thù địch kích động nhân dân biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Từ nguồn vốn vay tín chấp của Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Quảng Nam, thông qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã có điều kiện đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Top