Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 10 năm 2022 | 16:8

Tổng thống Kenya quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng BĐG

Tổng thống Kenya William Ruto đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với các giống cây trồng và cho phép nhập khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen (BĐG) tại Kenya sau 10 năm.

Nông dân trồng bông và thu hoạch từ ruộng của mình - Nguồn: Business Daily Africa

Ngày 10/3 vừa qua, sau khi xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến cây trồng biến đổi gen (BĐG) và an toàn thực phẩm, Nội các Kenya đứng đầu là Tổng thống William Ruto đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với các giống cây trồng và cho phép nhập khẩu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ thực vật biến đổi gen (BĐG) tại Kenya sau 10 năm.

Chính thức dỡ bỏ lệnh cấm cây trồng BĐG sau 10 năm

Theo công báo của Văn Phòng Tổng thống: “Theo khuyến nghị của Tổ Công tác về Đánh giá các vấn đề liên quan tới Thực phẩm BĐG và An Toàn Thực Phẩm cũng như tuân thủ các hướng dẫn của Cơ quan An toàn Sinh học Quốc gia đối với tất cả các điều ước quốc tế hiện hành, bao gồm Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (CPB), Nội Các đã huỷ bỏ quyết định trước đó ban hành vào ngày 8 tháng 11 năm 2012 về việc cấm canh tác cây trồng biến đổi gen và nhập khẩu thực phẩm và thức ăn chăn nuôi được tạo ra nhờ các tiến bộ của công nghệ sinh học; chính thức dừng lệnh cấm đối với cây trồng BĐG". Với quyết định này, chính phủ Kenya sẽ cho phép trồng và nhập khẩu ngô Bt trong nước cùng với việc thử nghiệm trên đồng ruộng một số sản phẩm khác như sắn và chuối.

Theo như Công báo, lệnh dỡ bỏ đã được đưa ra từ trước bởi quyết định của Nội các vào ngày 19 tháng 12 năm 2019 thông qua việc cho phép thương mại hoá bông BĐG trong nước với khả năng chống lại sâu đục quả châu Phi - loài gây hại phổ biến để lại những thiệt hại nặng nề nhất trên cây bông.

“Việc chấp thuận trước đó của Nội các đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm kiếm những giải pháp để cải tiến sản xuất ngành công nghiệp dệt, thức ăn chăn nuôi và dầu mỏ hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá; và quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm của nội các lần này tiếp tục củng cố thêm định hướng đó đồng thời thúc đẩy ợi ích ích của công nghệ cho nhiều lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất khác” - nội dung công báo nêu rõ.

Nội các cũng đã xem xét các báo cáo chuyên môn và kỹ thuật khác nhau về việc áp dụng công nghệ sinh học; bao gồm các báo cáo của Cơ quan An toàn Sinh học Quốc gia Kenya (NBA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương (FAO), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA).

Quyết định này được Tổng thống William Ruto đưa ra trong một cuộc họp nội các thảo luận về tình trạng hạn hán đang diễn ra trong khu vực và xem xét việc hỗ trợ nhân đạo và cung cấp lương thực cứu trợ ở những khu vực đó. Động thái này cũng được xem là một phần trong các biện pháp ứng phó trung và dài hạn đối với tình trạng hạn hán đang diễn ra và là một bước đáng kể trong việc định hình lại nền nông nghiệp ở Kenya bằng cách áp dụng các loại cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh. Quyết định cũng sẽ giúp làm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi và áp sản xuất ngô dùng làm thực phẩm trong nước.

Các cây trồng BĐG từ nay sẽ được canh tác và nhập khẩu tại Kenya (Nguồn: The Standard media)

Tăng năng suất và sinh kế cho nông dân

Nhiều tổ chức  khoa học, các nhà nghiên cứu và nông dân trong nước đã hoan nghênh Chính phủ Kenya khi đã tin tưởng vào công nghệ và dựa trên bằng chứng khoa học xác đáng để đưa ra quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng BĐG, đặc biệt, trong bối cảnh an ninh lương thực đang là thách thức ngày càng cấp bách trong khu vực.

Biến đổi khí hậu và các cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng. Nông dân trên toàn cầu ngày càng phải đối mặt với nhu cầu sản xuất nhiều lương thực hơn từ ít tài nguyên hơn và trong các điều kiện trồng trọt khó dự đoán hơn, đồng thời phải có trách nhiệm quản lý toàn cảnh hệ sinh thái rộng lớn mà họ canh tác và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc đảm bảo tất cả nông dân đều được tiếp cận với các cải tiến nông nghiệp và công cụ hỗ trợ, bao gồm cả cây trồng BĐG, để mang lại nền nông nghiệp bền vững là vô cùng quan trọng.

Được biết, kể từ khi cây trồng BĐG được đưa vào thương mại hơn 25 năm trước đã có hơn 3500 đánh giá của cơ quan quản lý độc lập xác nhận tính an toàn của những cây trồng này. Các giống cây BĐG cũng nhận được sự cho phép của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới trong hơn hai thập kỷ thông qua các quy trình bao gồm xem xét kỹ lưỡng và đánh giá an toàn. Việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với cây trồng BĐG sẽ mở ra nhiều mối quan hệ đối tác công tư mới ở Kenya với mục tiêu cung cấp các sản phẩm có lợi cho nông dân, giúp tăng năng suất và sinh kế cho nông dân đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang hệ thống lương thực bền vững tại Kenya./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top