Cải tạo vườn tạp, chí thú làm ăn và được trợ sức từ chính quyền, nhiều hộ nông dân huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã có những mảnh vườn cây trái xanh tươi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chuyển đổi từ cây lâm nghiệp sang cây ăn trái
Gia đình ông Phùng Văn Lạc (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn) bám trụ quê hương bằng diện tích lớn đất nông nghiệp của ông bà để lại với hy vọng một ngày nào đó đất sẽ không phụ lòng người. Từ nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình này chủ động chuyển sang trồng keo lá tràm nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao. Sau đó, ông Lạc tìm tòi thông tin liên quan đến phát triển kinh tế nông hộ và thử nghiệm ngay tại vườn nhà.
“Bước đầu thực hiện gặp nhiều trở ngại nên có lúc gia đình tôi nản chí. May mắn được những người đi trước chỉ bảo thêm kinh nghiệm trong cải tạo cây tạp, quy hoạch khu đất cho từng loại cây, tiếp thêm động lực để tôi theo đuổi mô hình này” - ông Lạc kể lại.
Vườn nhà ông Lạc mang lại thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đầu tiên gia đình ông Lạc trồng chuối, ổi để lấy ngắn nuôi dài và khi đã có nguồn thu nhập thì trồng thêm cây cam, bưởi. Sau nhiều năm cần mẫn, vườn đã được ông mở rộng với hàng trăm cây trụ (bưởi loại nhỏ), nhiều hàng chuối, và hàng trăm cây cam đang phát triển rất tốt.
Ở những khu đất tơi xốp và xung quanh vườn nhà, ông còn xen canh các loại rau màu khác như đậu đỏ, cải xanh, rau ngót, mồng tơi, rau dền, tía tô... Hiện nay, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm mảnh vườn này cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
“Thời gian tới sẽ được hỗ trợ thêm từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại nên chúng tôi sẽ trồng thêm sầu riêng, măng cụt, mít Thái ruột đỏ, mãng cầu... để đa dạng sản phẩm cũng như tìm tòi hướng đi mới hiệu quả hơn” - ông Lạc nói.
Trợ lực từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam
Theo ông Bùi Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh tạo động lực cho nhiều nông dân thêm vững vàng vào quyết định chọn nông nghiệp làm hướng đi bền vững.
“Bây giờ nhiều hộ nông dân đã tính đến làm vườn quy mô lớn nhưng bài toán nước tưới mùa khô vẫn khá nan giải. Vì vậy, được hỗ trợ khoan giếng, hệ thống tưới… chính là trợ lực kịp thời cho người làm vườn".
Toàn huyện Nông Sơn hiện có hàng chục vườn, trang trại được các địa phương đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết 35. Tuy nhiên, kinh phí UBND tỉnh Quảng Nam phân bổ năm 2022 là có hạn nên trong thực tế đề nghị đã vượt nguồn phân bổ.
Bên cạnh đó, Nông Sơn cũng chưa có tổ chức, cá nhân nào đảm bảo các điều kiện về hồ sơ thiết kế và việc thiết kế giếng khoan khai thác nước dưới đất, thi công giếng khoan phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề thực hiện.
“Ngoài ra, việc lập thiết kế xây dựng trang trại đòi hỏi chủ trang trại, chủ vườn phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng hành nghề thiết kế xây dựng để lập hồ sơ thiết kế xây dựng trang trại và thực hiện một số thủ tục có liên quan đến môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy theo quy định cũng gây khó cho nông dân.
Qua kiểm tra, rà soát, rất nhiều trường hợp chưa có hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu. Nếu tỉnh có văn bản hướng dẫn giải quyết các vướng mắc này thì thực sự Nghị quyết 35 sẽ là trợ lực rất lớn cho người làm vườn” - ông Trần Thiện Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn chia sẻ.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.