Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 10 năm 2023 | 15:7

Trồng cà phê, nông dân Sơn La thành triệu phú

Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho nông dân Sơn La.

Những năm trở lại đây, những nương ngô, nương sắn kém hiệu quả ở Sơn La đã được người dân chuyển đổi thành những nương cà phê xanh ngát. Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho nông dân Sơn La. 

Những ngày này, bà con xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La tất bật thu hái cà phê. Trên khắp các nương, vườn rộn rã tiếng cười vui của bà con. Nhanh tay hái từng quả cà phê chín đỏ, chị Lèo Thị Thảo, bản Hùn, xã Chiềng Cọ cho hay, gia đình đã chuyển đổi từ nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cà phê hơn 20 năm nay. Đến nay gia đình đã có hơn 1 ha cà phê, cho sản lượng từ 10 - 12 tấn/năm. Năm nay, cà phê được mùa, được giá, mặc dù mới đầu mùa nhưng thương lái đã đến tận vườn mua khiến gia đình rất phấn khởi.

“Trước đây gia đình trồng ngô và các loại lương thực kém hiệu quả nên điều kiện kinh tế khó khăn, bán ngô cũng không được giá. Từ năm 2000, gia đình chuyển sang trồng cà phê, từ đó tình hình kinh tế của gia đình ngày càng được cải thiện, gia đình yên tâm về hướng trồng cà phê”, chị Thảo cho biết.

Đã có nhiều hợp tác xã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến

Là một trong những hộ gia đình thuộc diện di dân tái định cư đến bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ sinh sống từ năm 2010, thời điểm ấy, sau một thời gian loay hoay với cây sắn, cây ngô, bà Nguyễn Thị Xuyên đã trồng cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Không phụ công người trồng, nương cà phê hơn 1 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định từ 100 - 150 triệu đồng/năm, từng bước giúp gia đình vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá trong bản, trong xã.

“Gia đình di chuyển từ lòng hồ chuyển ra đây, ban đầu trồng sắn và trồng ngô nhưng năng suất cao vì đất xấu. Sau này gia đình chuyển sang trồng cà phê hợp đất nên năng suất cao, thu nhập cao hơn giúp ổn định kinh tế gia đình, có điều kiện lo cho các cháu ăn học đàng hoàng hơn”, bà Xuyên vui vẻ cho biết.

Qua hơn 30 năm phát triển vùng nguyên liệu chuyên canh cây cà phê, thành phố Sơn La hiện có gần 5.000 ha, sản lượng ước đạt gần 40.000 tấn quả, đem lại giá trị kinh tế trên 500 tỷ đồng, chiếm 46% trong tổng giá trị sản xuất các loại cây trồng chính.

Ông Hà Trung Chiến, Bí thư thành ủy Sơn La cho biết, cà phê thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết, không phải "giải cứu" như các loại quả khác. Hiện địa phương đã có các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La; sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

“Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng vùng trồng, thành phố Sơn La đang đặc biệt quan tâm đến mô hình liên kết giữa các DN, các hộ dân phát triển các HTX để làm sao kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất cà phê, từ đó đưa ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”, ông Chiến cho hay.

Được mùa, được giá nên vụ cà phê năm nay thắng lợi sẽ giúp người nông dân Sơn La có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng cà phê, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên giảm nghèo bền vững và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top