Mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng không chỉ đem lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, mà còn góp phần giúp người nông dân hướng đến mô hình nông nghiệp sạch và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình chị Đàm Thị Thảo (xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án dựng nhà màng để trồng các loại dưa. Với hơn 100 triệu đồng có sẵn, cùng sự hỗ trợ lên đến 150 triệu đồng của Nhà nước, gia đình chị đầu tư trang thiết bị và một số vật tư nông nghiệp để xây dựng mô hình trồng dưa trong nhà lưới.
Dưa trồng trong nhà màng quả to đều và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, được thị trường ưa chuộng.
Chị Đàm Thị Thảo cho biết, mô hình có diện tích 1.000m2 ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với 2.000 gốc dưa lưới, dưa lê, dưa hấu. Qua quá trình trồng thử nghiệm nhận thấy cây phát triển rất tốt, ra hoa đều và trái to, tỷ lệ đậu trái đạt trên 90%.
“Thời điểm chính vụ nhà màng sẽ trồng dưa gang với dưa lưới, còn vụ phụ sẽ trồng dưa chuột bao tử, thường là vụ Đông. Mỗi năm nhà màng canh tác 3 vụ, trừ chi phí thì được lãi hơn 200 triệu đồng. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về canh tác trong nhà màng, gia đình biết được những thời điểm thích hợp chăm bón cho dưa đạt năng suất cao, về cơ bản dưa cũng như cây ngô, cây lúa”, chị Thảo chia sẻ.
Hình thức canh tác trong nhà lưới và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, giúp cây trồng không phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên và hạn chế sâu bệnh gây hại. Không những thế, nông dân còn giảm được chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch và an toàn với sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Hiệu quả ban đầu của mô hình tạo động lực cho người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Cũng là một trong những hộ được hỗ trợ làm nhà màng trồng dưa, anh Nguyễn Văn Quảng (xóm Bản Chá, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết, gia đình trồng dưa gang, dưa leo và cây giống ban đầu được dự án hỗ trợ, các vụ tiếp theo gia đình tự mua.
“Khi mới bắt đầu trồng dưa trong nhà màng, cán bộ kỹ thuật của dự án xuống tận nơi hướng dẫn trồng và quy trình chăm bón. Canh tác trong nhà màng nếu mình làm theo hướng dẫn kỹ thuật sẽ rất đơn giản. Trồng dưa trong nhà màng mỗi năm được 3 vụ, nếu chăm bón tốt hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác”, anh Quảng nói.
Từ những kết quả tích cực mà mô hình đạt được, nhiều hộ dân ở các xã khác trong huyện đến học hỏi, mạnh dạn đầu tư, bố trí vốn đối ứng với sự hỗ trợ của chính quyền để chuyển đổi mô hình kinh tế. Ông Đàm Quang Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đánh giá, những mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã bắt kịp với xu hướng và nhu cầu của thị trường hiện nay.
“Năm 2022, huyện Hà Quảng hỗ trợ xã Ngọc Đào 3 nhà màng theo hình thức vốn đối ứng nhà nước 50%. Năm đầu thực hiện, nhà nước hỗ trợ giống và kỹ thuật chăm bón. Thời gian tới, Hội Nông dân tiếp tục tuyên truyền bà con mở rộng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu hình thành sản phẩm OCOP”, ông Đạo cho hay.
Mô hình trồng dưa trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.