Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai (663 Quang Trung, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa mở thêm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.
Mô hình sáng tạo
Khu vực núi Cờ (xã Ia Ka) đang được ví là “thủ phủ” trồng nấm linh chi đỏ. Trên thảm thực vật rừng keo lai rộng 40ha có hàng ngàn cây nấm linh chi đang sinh trưởng, phát triển dưới bàn tay chăm chút của người trồng.
Ông Nguyễn Công Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai, cho biết: Khu vực rừng Kbang, Mang Yang có nhiều nấm linh chi. Hàng năm, người dân thường vào rừng hái nấm linh chi về bán cho thương lái vì loại nấm này có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Hiện 1kg bào tử nấm linh chi đỏ có giá 70-80 triệu đồng. Có điều là, thường những cây nấm được bà con thu hái trong rừng bán ra thị trường không còn bào tử do thu hoạch, bảo quản không đúng cách hoặc bị thu hoạch bào tử trước đó. Còn việc trồng nấm trên giá thể thì ở nước ta áp dụng thành công từ lâu. Riêng việc trồng nấm dưới tán rừng còn khá mới mẻ. Và tôi đã áp dụng thành công sau nhiều năm mày mò nghiên cứu trồng thử nghiệm.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nấm linh chi đỏ của Công ty, ông Hiệu tiếp lời: “Trước đây, tôi thử nghiệm trồng linh chi đỏ dưới tán cây bơ, sầu riêng và một số loại cây khác nhưng không thành công. Mãi đến năm 2017, tôi mang phôi trồng thử nghiệm dưới tán rừng keo và đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Sau khi nhận chuyển nhượng 40ha keo lai, tôi phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ trồng đại trà. Phôi nấm linh chi sinh trưởng tốt dưới tán rừng keo, đem lại giá trị kinh tế cao. Cứ 1.000 phôi nấm có giá 60 triệu đồng, sau 3 tháng trồng cho thu hoạch khoảng 120kg nấm, bán với giá 1 triệu đồng/kg. Mỗi phôi sẽ thu hoạch 3 lần/năm. Hiện nay, Công ty đã trồng thành công ở một khu rừng tự nhiên tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Năm 2022, chúng tôi thu 3 tỷ đồng từ trồng nấm linh chi dưới tán rừng. Riêng từ đầu năm đến nay, Công ty có nguồn thu hơn 3,5 tỷ đồng với các dòng sản phẩm như: nấm linh chi thô, trà nấm linh chi, cà phê nấm linh chi, mật ong ngâm nấm linh chi. Đây là những sản phẩm sạch nên được thị trường ưa chuộng”.
Anh Hiệu tiên phong trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo ở Gia Lai.
Chia sẻ về hiệu quả mô hình trồng nấm linh chi đỏ, ông Hồ Văn Hiếu, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ, bộc bạch: “Đầu năm 2022, chúng tôi phối hợp với Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai trồng nấm linh chi tại rừng keo lai ở núi Cờ. Rừng keo có diện tích lớn nên mỗi bên chọn một khoảnh để trồng. Ban đầu chỉ là tổ hợp tác trồng nấm với 7 thành viên, nay chúng tôi thành lập HTX. Tính ra, lợi nhuận thu được từ trồng nấm linh chi cao gấp nhiều lần so với tiền bán cây keo. Sau 5 năm, 1ha keo lai chỉ cho thu khoảng 50-70 triệu đồng. Còn 1ha rừng keo có thể trồng 20.000 phôi nấm linh chi, 1 phôi cho thu hoạch 2-2,2 kg nấm/năm với giá bán từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Chưa kể các dòng sản phẩm tinh chế có mức giá vài triệu đồng/kg. HTX có khoản thu khá cao trong thời gian qua để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.
Mở rộng diện tích và đẩy mạnh liên kết
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và HTX mà còn giúp người dân trên địa bàn có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Công Hiệu cho hay: Cứ mỗi đợt trồng hay thu hoạch, chúng tôi thuê 15-20 người Jrai ở Ia Ka, Ia Pnôn với thù lao 200-220 ngàn đồng/ngày. Hộ gia đình nhận chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của Công ty và HTX được trả thù lao 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thường xuyên có 15 nhân công người Bahnar làm việc tại xưởng sản xuất phôi ở huyện Đak Đoa. Qua đó đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số”.
Hàng ngàn cây nấm linh chi đỏ sinh sôi dưới tán rừng keo ở núi Cờ.
Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại tiếp thêm động lực để Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai và HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ mở rộng quy mô sản xuất. Hai đơn vị đã tự sản xuất được phôi nấm cung cấp cho thị trường với giá bán 40-60 ngàn đồng/phôi. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng nấm để đáp ứng nhu cầu mua dược liệu bồi bổ sức khỏe cũng như cung ứng cho doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ triển khai trồng nấm linh chi ở tỉnh Đắk Lắk; còn Công ty TNHH Minh Khánh Gia Lai đã khảo sát để trồng ở Kon Tum, Quảng Trị và một số huyện trong tỉnh Gia Lai . Điều kiện đặt ra là, địa điểm trồng phải phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của nấm linh chi đỏ với độ che phủ rừng 80% trở lên, nhiệt độ 15-20 độ C.
“Chi phí đầu tư ban đầu để trồng nấm linh chi đỏ khoảng 1 tỷ đồng/ha. Nhưng nhu cầu thị trường lớn, lợi nhuận cao và tiềm năng trồng dược liệu dưới tán rừng ở nước ta rất lớn nên chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích. Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để trồng nấm linh chi đỏ tại 2 huyện Kông Chro, Đức Cơ, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên ở Kbang, Mang Yang. Về cơ bản, các địa phương đều ủng hộ bởi việc này sẽ tạo sinh kế cho người dân và góp phần giữ rừng”, ông Hiệu chia sẻ thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Ka, cho biết: Doanh nghiệp và HTX trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng trên địa bàn xã đã tạo việc làm, thu nhập cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã làm việc với HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ để tới đây liên kết với người dân làng Mrông Ngó 3, Mrông Ngó 4 trồng, bao tiêu sản phẩm nấm linh chi đỏ. Nhiều hộ dân cũng có ý định trồng loại nấm này để tăng thu nhập. Tuy vậy, giá bán phôi nấm còn ở mức cao. Xã đang khảo sát xem có đơn vị cung ứng phôi giá phù hợp, đảm bảo chất lượng để giúp người dân có điều kiện đầu tư trồng nấm linh chi.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.