Trong hơn 80 năm kể từ khi Thực dân Pháp đem quân xâm lược nước ta (9/1858), cho đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2/1930), mặc dù khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, nhưng Pháp không thể khuất phục ý chí giành Độc lập của dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của nhiều võ tướng, văn nhân và các sĩ phu yêu nước đã đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược với hàng chục cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Cùng với đó và những phong trào yêu nước, như: Cần Vương, Đông Du, Duy Tân...
Tất cả đều chung khát vọng giành Độc lập cho Dân tộc, cho đất nước. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu lịch sử cả trong và ngoài nước, các cuộc khởi nghĩa cũng như các phong trào yêu nước lần lượt thất bại vì nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất là thiếu đường lối đúng đắn, chưa chặt chẽ trong tổ chức và nhất là, đó là các cuộc khởi nghĩa rời rạc, không có sự kết nối với nhau nên không tạo được sức mạnh của toàn dân tộc.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu
Vậy nhưng, chỉ sau 15 năm thành lập và chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó chỉ có 5.000 đảng viên), 25 triệu dân Việt Nam không phân biệt giai cấp, trẻ già, trai gái, tôn giáo,… nhất tề đứng lên lật đổ chế độ thực dân và phong kiến, giành Độc lập cho dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Trong 78 năm qua, giới sử học cả trong nước và quốc tế đã nghiên cứu sâu về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của chúng ta và đều chung nhận định: Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập có đường lối cách mạng đúng đắn, có cương lĩnh phù hợp với Dân tộc nên khơi dậy được lòng yêu nước của toàn dân tộc. Thứ hai, khả năng nắm bắt và tận dụng thời cơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ ba, sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai hành động sáng tạo với phương pháp đấu tranh, chiến lược, chiến thuật linh hoạt, thống nhất và đồng bộ của Đảng. Thứ tư, sức mạnh Đoàn kết của toàn dân tộc được dẫn dắt bởi một tổ chức Đảng mà mọi lợi ích đều thuộc về Nhân dân đã tạo nên sức mạnh không gì cản nổi…
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác phải tiếp tục thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ kéo dài 30 năm để hoàn thành khát vọng Độc lập và Thống nhất đất nước trước các thế lực Thực dân, Đế quốc.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc - kể từ đó, dân tộc Việt Nam, Đất nước Việt Nam hòa trong một trong dòng chảy - tiến tới Thịnh vượng.
Thực hiện khát vọng Thịnh vượng, Đảng ta đã khởi xướng đường lối đổi mới với quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, từng bước chuyển sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Đảng ta xác định, nội lực là cơ bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Hội nhập quốc tế là một động lực quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước. Kết quả là, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về tất cả các mặt, nhất là tăng trưởng nhanh gắn với giảm nghèo bền vững.
Tuy vậy, trên tinh thần nhìn thẳng, đánh giá đúng, thấy chúng ta còn ở trình độ phát triển thấp, tuy đã thoát khỏi danh sách nước có thu nhập thấp nhưng vẫn là nước nghèo, đang phát triển. Để đưa đất nước tiến nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn, sớm tiệm cận các quốc gia phát triển, thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng: đến năm 2030 vào nhóm các nước thu nhập trung bình cao, năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trở thành quốc gia thịnh vượng.
Công nghiệp 4.0 ứng dụng trong nông nghiệp.
Cơ hội đã xuất hiện. Đó là việc thế giới bước vào giai đoạn công nghiệp lần thứ tư - thường gọi là cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số. Đây là “cơ hội vàng” để chúng ta thu hẹp khoảng cách và tiến tới sánh vai với các cường quốc năm châu.
Vấn đề đặt ra là, chúng ta tận dụng cơ hội như thế nào?
Trên thực tế, bài học tận dụng thời cơ của Cách mạng Tháng Tám 1945 luôn được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào phát triển kinh tế, đưa đất nước vươn lên. Nói vậy vì, Nghị quyết Đại hội Đảng nhiều khóa khẳng định quan điểm: Giáo dục, đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển. Bởi đây là hai vấn đề căn bản, cốt lõi và là nền tảng cho việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng xã hội số, kinh tế số ở nước ta.
Để tận dụng thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh: “Kinh tế số phải là một động lực của nền kinh tế; xã hội số phải là một trong những nền tảng của xã hội ta. Văn hóa số phải là văn hóa cấu thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Thủ tướng cho rằng, phải nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và từng người dân. Đồng thời tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung. Thủ tướng lưu ý, thể chế phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn.
Hy vọng rằng, với trí tuệ Việt cùng truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam ta sẽ đứng trong nhóm những quốc gia tận dụng tốt nhất cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cách mạng số để hoàn thành khát vọng Thịnh vượng.