Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 10 năm 2023 | 16:9

Ứng phó với thiên tai, nông dân linh hoạt sản xuất

Với thực trạng mưa bão kéo dài trong những ngày qua đã gây thiệt hại về người và thiệt hại nặng nề về hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Để kịp có đất tầng mặt tươi xốp, phục vụ canh tác, người nông dân cần có những giải pháp ứng phó và khắc phục.

Vận động hộ dân di chuyển  vật nuôi và người đến nơi an toàn

Theo báo cáo của UBND xã Ia Ga lên UBND huyện Chư Prông, vừa qua, trên địa bàn xã mưa to với lưu lượng lớn, lượng nước từ thượng nguồn suối Ia Gle về gây ngập lụt cục bộ và trôi đất, đá về phía hạ lưu.

Tại vị trí đập Ia Glae 2A (Công trình Nhà máy thủy điện Ia Glae 2, do Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng làm Chủ đầu tư), có triển khai xây dựng tường chắn tạm trong quá quá trình thi công, bằng bê tông, tuy nhiên lưu lượng nước lớn đã đẩy trôi bức tường này.

Việc ngập úng cục bộ gây ảnh hưởng tới cây trồng, hoa màu và tài sản của người dân dọc hai bên suối.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã và Công ty Khải Hoàng đã thông báo tới thôn trưởng các thôn, làng cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn xã thống kê, lập danh sách các hộ bị thiệt hại. 

Đến tối ngày 10/10, UBND xã và Công ty Khải Hoàng thống kê ban đầu về tài sản của 19 hộ dân (07 hộ dân xã Ia Ga; 09 hộ dân xã Ia Pia xâm canh; 03 hộ dân xã Ia Lâu xâm canh) với tổng diện tích 23,83 ha.

Trong đó, có 2,8 ha sắn; 0,4 ha cây dâu; 5,55 ha ngô; 1,2 ha đậu các loại; 6,6 ha cây điều; 1,8 ha cây tiêu; 5,06 ha cây cà phê; 0,4 ha cây cao su; 0,02 ha cây chuối; bị trôi tổng cộng 4 máy phát cỏ, 13 máy nổ bơm nước cùng vòi rồng; 17 cuộn ống; không thiệt hại về người.

UBND xã và Công ty đang tiếp tục thông báo thống kê các diện tích bị thiệt hại và chỉ đạo hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ dân có nguy cơ ngập lụt di chuyển tài sản, vật nuôi và người đến nơi an toàn; tiếp tục nắm chắc tình hình mưa bão, ngập lụt và kịp thời thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Đập Ia Glae 2A, thuộc công trình Nhà máy thủy điện Ia Glae 2 bị nước cuốn trôi

Chỉ đạo kiểm tra tất cả các biển báo, bố trí lực lượng trực các đoạn đường ngập sâu, cầu cống để cảnh báo không cho người dân tự do đi lại. Chỉ đạo nhân dân kịp thời thu hoạch diện tích hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ngoài thiệt hại do sự cố ở Nhà máy Thủy điện, trên địa bàn huyện Chư Prông cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa, lũ.

Cụ thể: Tại xã Ia Piơr: Gần 142 ha cây trồng bị ảnh hưởng (gồm: Chanh dây 55,5 ha; nhãn 22,2 ha; lúa nước 16,8 ha; sắn 4,7 ha; chuối 12 ha; ngô 15,9 ha; đậu các loại 14,3 ha; ớt 0,5 ha) và 10,6 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; xã Ia Bang: Có 0,1 ha hồ tiêu và khoảng 0,25 ha cà phê bị ảnh hưởng; xã Ia Pia: Có 14,5 ha cây trồng bị ảnh hưởng (gồm: Lúa 8,3 ha; cà phê 3,5 ha; ngô 0,8 ha; sắn 1,6 ha; điều 0,3 ha).

Thiệt hại về hạ tầng, giao thông: Xã Ia Piơr có 24 ngôi nhà bị ngập (thôn Đoàn kết 07 nhà, Yên Hưng 17 nhà). Tuyến đường từ thôn Yên Hưng đi thôn Đoàn Kết bị xói mòn 1 bên lề đường kéo dài khoảng 30 m; tuyến đường từ Làng Sâm đi Suối khôn có 01 điểm bị chia cắt hoàn toàn, nước chảy qua tạo thành 01 rãnh cắt ngang đường, dài khoảng 50 m, sâu 2-3,5 m.

Tuyến đường liên xã Ia Tôr – Ia Bang: Nước lớn từ thượng nguồn đổ về kết hợp cây cối gây tắc cống qua đường tại vị trí ranh giới xã Ia Tôr – Ia Bang, nước tràn qua đường gây sạt lở bờ hạ lưu; chiều dài vị trí sạt lở khoảng 10 m, sâu khoảng 3 m.

Tại xã Ia Me: Tại đường dân cư nội làng Siu, nước cuốn trôi cống, làm sạt lở một số điểm đường giao thông. Tại xã Ia Ga: Một cầu gỗ dân sinh bị sập...

Di chuyển ra khỏi khu vực làng rau

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, nguồn nước nhiễm mặn khiến một phần lớn diện tích trồng rau tại Làng rau La Hường, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng sụt giảm. Vừa mới chăm sóc được một thời gian, rau lên chưa kịp thu hoạch, thì mưa lớn trong ba ngày qua tại Đà Nẵng lại xuất hiện đã gây thiệt hại lớn. Cả làng rau ngập trong mưa lũ, người dân mất trắng.

Diện tích rau màu hư hại gồm các loại rau như: muống, cải, mùng tơi, dền đỏ, rau má, rau thơm các loại. Nước lũ tiếp tục dâng cao, nhiều ruộng rau xác xơ. Mấy ngày qua, các hộ dân tranh thủ chạy đua với nước lũ để thu hoạch chút ít rau màu còn sót lại.

Để vào sâu trong Làng rau La Hường, người dân phải lội qua khu vực nước ngập sâu gần 1m. Toàn bộ lượng rau vớt vát được, nông dân cho vào thùng xốp để mang ra ngoài, đưa đến chợ bán.

Toàn bộ ruộng rau muống của gia đình ông Thái Đình Quân hư hại nặng. Ảnh ANH ĐÀO

Ghi nhận tại làng rau La Hường, nhiều hộ dân vẫn túc trực tại đây, đội mưa để cố gắng thu hoạch phần rau màu còn lại. Ngồi ngẩn người trước bốn luống rau muống nằm trơ gốc, xác xơ, ông Thái Đình Quân và vợ, nhẫn nại cột từng bó rau muống cuối cùng khi toàn bộ diện tích trồng rau của gia đình tại Làng rau La Hường. Mưa lớn kéo dài, trong khi vườn nhà nằm ngay khu vực đầu cửa sông Cầu Đỏ nên hư hại hết.

“Mùa mưa lũ tháng này là mùa của ông trời rồi, nhưng mưa lớn quá, ngập sâu nên rau nát hết rồi. Vợ chồng tôi mất trắng vì hết tiền vốn, tiền công đều đổ dồn vào đây. Nếu thu hoạch đúng thời gian, đúng vụ, cũng thu được tầm 4 triệu đồng, nhưng bây giờ mót để bán, kiếm được vài ba trăm ngàn, đã khó”, ông Quân nói.

Hái được gần 40kg mướp hương, vợ chồng ông Mai Văn Toàn (60 tuổi, trú phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vội vã di chuyển ra khỏi khu vực làng rau vì nước lũ tiếp tục dâng cao.

Ông Toàn cho biết, gia đình làm 2 sào rau mồng tơi, 3 sào rau lang, và 7 sào mướp hương nhưng hư hại hết. Hai ngày qua, gia đình ông đang cố gắng thu hoạch gấp nhưng vẫn lo sợ do mưa lụt diễn biến phức tạp.

“Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước vô nhanh, dẫn đến rễ rau màu thúi, úng hết. Nếu nước rút thì sẽ héo và chết ngay. Chúng tôi đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì thiên tai, bão lụt".

Làng rau La Hường là làng chuyên canh lớn nhất thành phố Đà Nẵng. Với diện tích gần 10ha với khoảng 50 hộ dân tham gia sản xuất, trong đó có 30 hộ chuyên canh, hằng năm, làng rau cung ứng khoảng 500 tấn rau sạch cho thị trường thành phố Đà Nẵng. Các loại rau củ quả ở vườn đa dạng về chủng loại, từ các loại rau ăn lá cho đến các loại củ quả như mồng tơi, rau cải, rau lang, muống, mướp, dưa leo, khổ qua, bầu, bí…

Tuy nhiên, do nguồn nước sông nhiễm mặn ảnh hưởng rất lớn đến trồng trọt nên làng rau này chỉ vườn rau còn khoảng 2ha trồng trọt. Đến mùa mưa lũ, nông dân làng rau lại mất trắng.

Linh hoạt sản xuất vụ đông né tránh thiên tai

Những ngày sau mưa lớn, ông Nguyễn Văn Khoản ở tổ dân phố Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà- Hà Tĩnh) khẩn trương ra xứ Đồng Eo vun lại 3 sào khoai lang ruột vàng (khoai lang Nhật Bản) mới trồng 10 ngày đã bị mưa trôi sạt luống. Ông Khoản cũng tăng cường độ lao động để kịp có đất tầng mặt tươi xốp, phục vụ cho việc xuống giống 1 – 2 lứa cải mầm xen canh với khoai nhằm kiếm thêm thu nhập hằng ngày. Người nông dân này cũng dự tính, làm xong rau cải mầm thì trồng xen ngô với khoai (khoảng 1 tháng nữa) để có thêm nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Khoản nhẩm tính: “Mỗi sào khoai lang xen canh với rau và ngô chi phí sản xuất khoảng 5 triệu đồng, bao gồm cả công cày, bừa, phân bón, giống... Nếu thuận lợi, sau khoảng 4 tháng sẽ cho thu hoạch 6 - 7 tạ củ, có trị giá khoảng 8,5 triệu đồng; cộng thêm cả tiền rau mầm và ngô thì cho tổng thu hoạch gần 10 triệu đồng, lãi gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thêm ngọn khoai, ngô bắp, lá ngô... phục vụ chăn nuôi gia súc trong giai đoạn thức ăn khan hiếm”.

Ông Nguyễn Văn Khoản vun lại các luống khoai bị sạt do mưa lớn để tiếp tục xuống giống cải mầm xen canh.

Ông Nguyễn Văn Tình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà cho biết: “Vụ đông năm nay, thị trấn sản xuất hơn 54 ha hoa màu, trong đó có 30 ha rau các loại (phấn đâúnăng suất đạt 58 tạ/ha), 21 ha khoai lang (phấn đấu năng suất đạt 55 tạ/ha), hơn 3 ha ngô (phấn đấu năng suất đạt 20 tạ/ha). Hiện nay, bà con đang tập trung khắc phục khó khăn để xuống giống (đã đạt khoảng 76% diện tích) và sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch đề ra trong thời gian sớm nhất”.

Cùng với thị trấn, bà con nông dân ở các địa phương trong toàn huyện cũng đang khắc phục khó khăn, sớm phủ kín diện tích cây trồng vụ đông theo lịch thời vụ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Lộc Nguyễn Văn Thành cho biết: “Vụ này, toàn xã phấn đấu hoàn thành 170 ha cây trồng các loại, trong đó khoai lang 85 ha, rau 80 ha và ngô 5 ha. Nhờ tập trung chỉ đạo, bà con nông dân chủ động và tích cực sản xuất nên đến thời điểm này, khoai lang đã hoàn thành 100% kế hoạch và khoảng 80% diện tích các loại rau, quả. Hiện nay, ngoài nỗ lực phủ kín diện tích rau, chuẩn bị xuống giống ngô thì bà con đang tập trung chăm sóc, cào lại luống, vùn gốc, bảo vệ cây trồng trước mưa bão và sâu bệnh để hướng tới một vụ mùa thắng lợi”.

Vụ đông năm 2023, huyện Lộc Hà sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thành cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng với phương châm đa dạng sản phẩm, linh hoạt thời vụ, an toàn, hiệu quả cao để góp phần gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Các địa phương phấn đấu phủ kín 473 ha đất màu, mang về tổng sản lượng khoảng 3.200 tấn sản phẩm; trong đó: các loại rau 211 ha (phấn đấu năng suất đạt gần 65 tạ/ha), khoai lang 241,5ha (phấn đấu năng suất đạt gần 75 tạ/ha), ngô 20 ha (phấn đấu năng suất đạt 27 tạ/ha). Những địa phương có nhiều đất màu, lợi thế sản xuất, diện tích lớn là: Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà, Thạch Châu, Thạch Mỹ, Mai Phụ...

Nông dân thị trấn Lộc Hà chăm sóc khoai vụ đông.

Bà Phan Thị Hương – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: Để đảm bảo vụ đông thắng lợi, ngành chuyên môn cùng các địa phương tổ chức sản xuất theo hướng làm cả ruộng lẫn vườn, nhất là trong nhà màng để tăng diện tích. Giải pháp sản xuất chủ yếu dựa trên khung thời vụ, đặc trưng các loại giống, điều kiện cụ thể của từng vùng và diễn biến mưa lũ để có kế hoạch gieo trồng sát thực tế nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo năng suất cao. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng sẽ tăng cường công tác bảo vệ thực vật, quản lý vật tư nông nghiệp, thực hiện các biện pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai...

“Trong quá trình sản xuất, các cấp, ngành cũng khuyến khích bà con làm khoai lang Chiêm Bông, Hoàng Long, KTB1... đảm bảo thời vụ, năng suất và phục vụ chăn nuôi. Cây ngô thì chủ yếu làm xen canh, bằng các giống HN88, HN68, LVN10... Đối với các loại rau thân lá (su hào, cải bắp, súp lơ, ngò, hẹ, cải...) ưu tiên làm ở các vùng chuyên canh, vườn hộ theo hướng đa vụ, gối vụ; các loại rau lấy củ (cà rốt, hành, kiệu...) khuyến khích trồng ở những vùng đất cao, vùng dễ thoát nước, có phủ rơm rạ trên luống; nhóm rau lấy quả (dưa chuột, cà chua, đậu, bí, bầu, ớt, cà...) ưu tiên các vùng chuyên canh, vườn hộ, nhà màng” - bà Phan Thị Hương thông tin thêm.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top