Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 11 năm 2023 | 13:21

Vài nét về mô hình trồng hoa lan hồ điệp đầu tiên ở Hà Tĩnh

Với niềm đam mê làm nông nghiệp, nhận thấy tiềm năng lớn của việc trồng lan hồ điệp, anh Phạm Văn Huy ở thôn Thanh Lan, xã Thạch Khê (Thạch Hà - Hà Tĩnh) quyết định đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 2.500m2.

Lan hồ điệp là loại hoa cao cấp, có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm này có sức tiêu thụ lớn, giá bán cao, mang lại nguồn lợi kinh tế khá cao cho người trồng. Nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm hoa lan cao cấp, tháng 3/2022, anh Phạm Văn Huy bắt tay xây dựng mô hình.

Anh Phạm Văn Huy mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp đầu tiên ở Hà Tĩnh.

Trên diện tích hơn 2.500m2, anh đầu tư hơn 10 tỷ đồng cải tạo, san lấp mặt bằng, xây dựng và lắp đặt nhà kính (với các lớp: cách nhiệt, giữ nhiệt, cắt nắng, nylon); ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại như: hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, ánh sáng tự động; hệ thống quạt đảo gió; máy điều hòa công nghiệp; tường nước.

Sau khi hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất, anh Huy  tiến hành trồng 7 vạn cây hoa lan với 20 màu sắc khác nhau nhằm tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm, đáp ứng sở thích riêng của khách hàng.

Để phát triển mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Huy phải mất 2 năm học hỏi công nghệ, trau dồi kỹ thuật, kinh nghiệm. Quy trình khép kín, từ nhiệt độ, ánh sáng đến việc chăm sóc, tưới nước cho lan… đều được anh đầu tư bài bản, khoa học, thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật cao.

Chia sẻ về sự khác biệt của mô hình trồng lan công nghệ cao, anh Huy cho biết: “Thực tế, hoa lan hồ điệp đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm, ánh sáng; quy trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; thời điểm sốc nhiệt, phân hóa mầm hoa... Tại đây, chúng tôi trồng lan trong nhà kính, có hệ thống quan trắc. Con người thiết lập được thông số nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; hệ thống sẽ tự động điều chỉnh. Từ đó, giúp cây phát triển tốt và có điều khiển để hoa ra theo ý muốn”.

Lan hồ điệp từ khi cấy mô đến lúc nở hoa phải mất khoảng 24 tháng. Vì thế, để có hoa bán vào đúng dịp Tết, lễ, anh Huy phải tiến hành xây dựng nhiều dãy nhà trồng gối với nhiều thời vụ theo tỉ lệ thời gian khác nhau. Loạt cây lớn thu hoạch bán hết lại gối cây nhỏ vào, đảm bảo lúc nào cũng có lan bán vào thời điểm cần thiết theo ý muốn.

Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp vườn lan của anh Huy chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, hạn chế sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đồng thời giúp giảm chi phí nhân công lao động, từ đó hạ giá thành sản xuất.

Hiện tại, mặc dù diện tích  trồng lớn nhưng vườn lan của anh Huy chỉ duy trì 4 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ.

Anh Huy cho rằng, nhu cầu chơi hoa lan hồ điệp còn rất lớn, Việt Nam mới cung cấp được cho thị trường 20 - 30%, còn lại vẫn phải nhập từ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc. Chính vì vậy, việc phát triển loại cây này song song với ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sẽ đón được thị trường rộng mở và cho hiệu quả kinh tế cao.

Việc ứng dụng công nghệ cao không những giúp vườn lan của anh Huy chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, hạn chế sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.

Tết Nguyên đán 2024, cơ sở sẽ xuất bán lứa lan đầu tiên. Dự kiến, anh Huy sẽ thu hoạch hơn 6,65 vạn cây, giá bán trung bình 120.000 - 130.000 đồng/cây; doanh thu ước gần 8 tỷ đồng.

Ông Trương Quốc Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạch Khê,  cho biết: “Mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao của anh Phạm Văn Huy là mô hình đầu tiên ở Hà Tĩnh, mở ra hướng đi mới, đáp ứng nhu cầu về sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững trong tương lai. Đây cũng chính là điểm nhấn của kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Mô hình kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao khi được đầu tư bài bản, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến và thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng”.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Làm giàu từ trang trại VAC

    Làm giàu từ trang trại VAC

    Với sự linh hoạt, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Trung Hiếu đã dồn hết vốn liếng sau bao năm kinh doanh để bắt tay vào cải tạo vùng đất đầm lầy, chua phèn thành trang trại VAC trù phú. Hiện, mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn cá các loại cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

  • Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Mục tiêu Quảng Nam đến năm 2030 là xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế.

  • Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Tới thăm mô hình dưa lưới (giống Huỳnh Long) công nghệ cao của gia đình anh Hoàng Văn Trang (xóm 6, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ai cũng phải trầm trồ. Màu vàng óng ả của những trái dưa sắp chín, mọng nước, thơm lừng báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Top