Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2023  
Thứ hai, ngày 4 tháng 9 năm 2023 | 10:42

Xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực

Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” đã được định vị là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường. Hiện tỉnh Lâm Đồng đang đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong năm 2022, diện tích gieo trồng hoa tươi của thành phố Đà Lạt đạt 5.926ha. Ảnh: Lê Sơn

Giá trị sản phẩm thu hoạch từ hoa đạt 970 triệu đồng/ha

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2022, toàn tỉnh trồng hơn 9.500ha hoa tươi, với sản lượng trên 3,6 tỉ cành, xuất khẩu ra nước ngoài 470 triệu cành.

Thành phố Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực của tỉnh, chiếm trên 67% diện tích và 75% sản lượng. Diện tích gieo trồng hoa của thành phố Đà Lạt năm 2022 đạt 5.926ha, sản lượng 2,4 tỉ cành. Trong đó, tổng diện tích hoa ứng dụng công nghệ cao 1.986ha.

Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 970 triệu đồng/ha. Một số mô hình canh tác hoa cao cấp có giá trị thu hoạch từ 2,5 - 3 tỉ đồng/ha/năm như: Hoa lily, hoa địa lan...

Năm 2022, ngành hoa xuất khẩu đạt 74 triệu USD. Trong đó Đà Lạt chiếm trên 80 mặt hàng hoa xuất khẩu cả tỉnh. Hiện Festival Hoa Đà Lạt 2 năm tổ chức 1 lần từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Điều này minh chứng cho thành công khi địa phương khai thác tốt lợi thế thiên nhiên, đặc thù thế mạnh của ngành hoa để hướng tới sự phát triển bền vững.

Đặc biệt, việc phát triển ngành hoa với phát triển du lịch, du lịch nông nghiệp, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được chú trọng. Do đó, thương hiệu “Hoa Đà Lạt” đã được định vị là sản phẩm kinh tế hàng hóa có giá trị ngày càng cao trên thị trường.

Nâng cao tỷ lệ xuất khẩu hoa

Trong chiến lược phát triển ngành hoa đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu sẽ sản xuất được 200 triệu cây giống/năm theo công nghệ nuôi cấy mô invitro, nâng tỷ lệ hoa xuất khẩu từ 9,7% như hiện nay lên 30%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 217 triệu USD/năm.

Dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng rất lớn về đất đai, nhân lực nông nghiệp công nghệ cao... nhưng sản phẩm hoa Đà Lạt xuất khẩu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số công ty có tiềm lực mạnh, xuất sang thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một lượng nhỏ sang Hàn Quốc, Bỉ, Hà Lan, Nga và Campuchia...

Trong khi đó, công nghệ bảo quản ngoài các doanh nghiệp lớn trồng và tiêu thụ hoa trong và ngoài nước thực hiện tốt còn lại đa số còn theo phương pháp truyền thống, kém hiệu quả...

Mặt khác, ngành hoa Đà Lạt vẫn còn tình trạng mất cân đối lớn về cơ cấu chủng loại hoa. Trong các loài hoa thương phẩm được trồng tại thành phố Đà Lạt thì hoa cúc, hồng, lay ơn, cẩm chướng, đồng tiền,... vẫn chiếm tỷ lệ lớn về diện tích.

Các loại hoa nêu trên mặc dù cho năng suất, dễ trồng, sản lượng cao nhưng hầu hết là các giống cũ, dễ bị thoái hóa, nhiễm bệnh, giá trị thấp hơn nhiều so với các loại hoa có bản quyền, ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh của hoa Đà Lạt.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian tới, ngành Nông nghiệp địa phương sẽ tiến hành cơ cấu lại ngành hoa nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng khu vực và năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ bố trí sử dụng hợp lý công nghệ nhà kính bảo đảm cảnh quan đô thị, nông thôn hướng đến hình thành các mô hình điểm về làng hoa xanh.

Phấn đấu hiện đại hóa khâu sản xuất hoa thông qua nhập nội và sử dụng giống mới đạt trên 3.000ha gieo trồng hàng năm (26% tổng diện tích canh tác hoa) với tỷ lệ diện tích hoa từ các giống mới có bản quyền đạt 35 - 40% phù hợp với các quy định để phát triển thị trường xuất khẩu.

Thực hiện đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại các thị trường chủ lực trên thế giới và nhiều giải pháp thúc đẩy hiện đại hóa quy trình sản xuất, canh tác khác.

Theo laodong.vn

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng

    Khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng

    Với mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, chị Nguyễn Gia Hoàng Diễm ở khu vực Thạnh Lợi, phường Phú Thứ, quận Cái Răng (Cần Thơ) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trụ đứng trong nhà kính.

  • Khởi nghiệp với mô hình nước bưởi lên men và rượu bưởi da xanh

    Khởi nghiệp với mô hình nước bưởi lên men và rượu bưởi da xanh

    Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu bưởi da xanh có sẵn tại gia đình để tạo ra những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe, chị Lê Thị Minh Tâm (ấp Bình An, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với mô hình Nước bưởi lên men và rượu bưởi da xanh.

  • Làm giàu nhờ đa canh trên vùng đất U Minh

    Làm giàu nhờ đa canh trên vùng đất U Minh

    Không chấp nhận cứ mãi khó khăn ở vùng đất rừng U Minh Hạ, ông Nguyễn Hồng Ánh đi nhiều nơi học hỏi mô hình mới để về địa phương thực hiện và nhanh chóng vươn lên khấm khá.

Top