Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 5 năm 2023 | 17:9

Xây dựng thương hiệu và các trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP

Việc xây dựng mô hình trung tâm quảng bá các sản phẩm OCOP tại các địa phương không khó. Nhưng điều quan trọng là mô hình đó phải đạt được hiệu quả. Do đó, việc triển khai thực hiện phải được các sở, ngành, quận, huyện tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm, tránh lãng phí trong đầu tư.

Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP tại huyện Mê Linh.

Hà Nội: “Phất cờ” thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông thôn

Để Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, thành phố Hà Nội đang tập trung xây dựng các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã. Đây là việc làm mới, quá trình thực hiện đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng, phù hợp để phát huy hiệu quả, góp phần tạo sức bật mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá 2.167 sản phẩm OCOP, trong đó có 1.871 sản phẩm còn hiệu lực. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô có hơn 300 làng nghề, làng nghề truyền thống được thành phố công nhận và nhiều làng nghề là điểm du lịch…

Hằng năm, thành phố đều tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP như hội chợ, hội thảo, tuần hàng; hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng được 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.

Dù đã làm được khá nhiều việc, song Chương trình OCOP vẫn bộc lộ những hạn chế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) Trần Thị Ngọc Lan cho biết, ngoài các mẫu hoa văn trên lụa do cha ông để lại, các mẫu mới của làng rất ít và người biết thiết kế mẫu cũng chỉ có duy nhất 1 người, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Còn theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung ở làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ trong làng vẫn phân tán theo quy mô từng gia đình, chưa có trung tâm quảng bá, giao dịch sản phẩm chung cho cả làng…

Để xây dựng chu trình khép kín từ khâu thiết kế đến khâu tiêu thụ sản phẩm gắn với dịch vụ du lịch cho sản phẩm OCOP, làng nghề, tháng 10-2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND về phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề (trung tâm) gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2025. Mục tiêu của thành phố là phát triển 18 mô hình trung tâm tại các huyện, thị xã. Tháng 2-2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND để thực hiện cho riêng năm 2023.

Theo kế hoạch này, đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển từ 5 đến 9 mô hình trung tâm tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Đức), Vân Hà (huyện Đông Anh), Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), Vạn Phúc (quận Hà Đông) hoặc địa điểm khác phù hợp.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mô hình trung tâm sẽ gồm các không gian có chức năng cơ bản: Trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm; không gian giao dịch, hội thảo nhóm; trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm; chụp ảnh sản phẩm… Việc hình thành các trung tâm sẽ mang lại nhiều lợi ích, như: Hỗ trợ nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ các nhà thiết kế trẻ có tinh thần khởi nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã hoàn thành công tác khảo sát 9 địa điểm để xây dựng mô hình theo kế hoạch của thành phố năm 2023 và đang hoàn thiện bộ tiêu chí để công nhận mô hình, tổ chức đánh giá công nhận các trung tâm… Sở Công Thương sẽ lựa chọn nhà tư vấn để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu chung, quảng bá giới thiệu các trung tâm; tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các nghệ nhân, nhà thiết kế trẻ về hoạt động thiết kế sáng tạo…

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, Phú Xuyên đã chọn xây dựng mô hình tại xã Chuyên Mỹ với diện tích rộng 1,3ha, hướng đến mục tiêu giúp cho làng nghề Chuyên Mỹ nói riêng và các làng nghề trên địa bàn huyện nói chung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

Việc xây dựng mô hình trung tâm tại các địa phương không khó. Nhưng điều quan trọng là mô hình đó phải đạt được hiệu quả. Do đó, việc triển khai thực hiện phải được các sở, ngành, quận, huyện tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm, tránh lãng phí trong đầu tư.

Tại cuộc họp của UBND thành phố diễn ra vào tháng 3-2023 để xem xét, phê duyệt sản phẩm OCOP năm 2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các quận, huyện, thị xã “phất cờ”, chủ động trong xây dựng mô hình các trung tâm. Tiến tới, mỗi địa phương phải có một mô hình trung tâm. Làm tốt từ khâu thiết kế mẫu mã, ý tưởng cho sản phẩm, đến khâu quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng và trở thành điểm "check in" du lịch cho khách tham quan...

Bắc Ninh: Sức bật từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Hơn 56 nghìn lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp; hàng nghìn hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; hàng trăm hộ nông dân đã được giúp đỡ và tự mình vươn lên thoát nghèo… là những kết quả nổi bật của thành phố Từ Sơn đã đạt được trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Với mô hình nuôi gà công nghệ cao, ông Trần Văn Tường vinh dự là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng ông Đỗ Tá Đạo ở khu phố Hạ, (phường Đình Bảng) vẫn muốn trở về gắn bó với mảnh đất quê hương vốn có truyền thống trồng đào tết. Bởi vậy, ông Đạo lựa chọn cây hoa đào làm cây trồng chủ lực bên cạnh các loại cây ăn quả khác. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân thành phố Từ Sơn, ông được tham gia học tập kinh nghiệm từ các buổi tập huấn, thăm quan những mô hình thực tế ở địa phương, nắm bắt những, đặc tính của cây đào để chủ động chăm sóc. Hiện trung bình mỗi năm, mô hình trồng đào có quy mô gần 1ha của ông Đạo có khoảng 1.500 cây cung cấp cho thị trường đào tết. Ngoài ra, ông Đạo xây dựng thêm mô hình nuôi lợn rừng với quy mô 30 con. Mỗi năm, trừ các chi phí, mô hình kinh tế của ông Đỗ Tá Đạo thu về khoảng 300 riệu đồng.

Khởi nghiệp từ việc nuôi gà đến nay đã gần 30 năm, ban đầu khi chưa có kinh nghiệm, ông Trần Văn Tường (phường Trang Hạ) không ít lần thất bại do nhiều nguyên nhân dịch bệnh, mất giá, xuất bán không đúng thời điểm dự kiến…Sau khi học tập kinh nghiệm từ Viện Chăn nuôi, ông từng bước áp dụng những kỹ thuật mới, con giống mới và nắm bắt nhu cầu của thị trường để phát triển mô hình của gia đình. Năm 2021, ông Tường quyết định đầu tư hơn 20 tỷ đồng (mua và thuê đất tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài) xây dựng hệ thống chuồng lạnh nuôi 4 vạn gà bố mẹ theo quy trình khép kín, sửa dụng máy cho ăn và uống nước tự động nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh, giảm chi phí nhân công. Cùng với đó là hệ thống tường bao, điện, máy phát điện dự phòng, máy ấp trứng… Toàn bộ thiết bị đều được nhập khẩu, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm chuồng luôn duy trì ở mức phù hợp giúp đàn gà phát triển ổn định. Hiện mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường hơn 300.000 con gia cầm giống chất lượng, cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/tháng. Năm 2021, ông Trần Văn Tường  vinh sự là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Đó chỉ là hai tấm gương trong hàng nghìn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn Thành phố Từ Sơn. Xác định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là một trong ba phong trào trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, Hội nông dân thành phố Từ Sơn triển khai, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn hội viên đăng ký các danh hiệu thi đua. Thông qua bình xét, tổng kết từ cơ sở, toàn Thành phố đã có 56.187 lượt hộ đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như: mô hình nuôi nhím của hội viên Nguyễn Ngọc Tuấn (Đồng Nguyên); nuôi gà đẻ, gà giống của hội viên Trần Văn Tường (Trang Hạ); sản xuất đỗ gỗ mỹ nghệ của hội viên Vũ Thị Mai (Đồng Kỵ), hội viên Ngô Ngọc Bích (Hương Mạc), dệt may của hội viên Nguyễn Thị Hào, làm màn chụp của hội viên Nguyễn Hữu Thảo (Tương Giang); siêu thị, đồ gỗ mỹ nghệ của hội viên Nguyễn Thị Hòa (Hương Mạc)...

Để thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi phát triển bền vững, chất lượng hiệu quả, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội Nông dân từ thành phố Từ Sơn triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: Phối hợp các tổ chức Ngân hàng, tín dụng giúp gần 5.000 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền trên 250 tỷ đồng; xây dựng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp giúp 477 lượt hộ vay, với tổng số tiền hơn 32 tỷ đồng; tổ chức 42 lớp đào tạo, dạy nghề cho hơn 1.300 lao động; cung ứng được 94,8 tấn phân bón các loại, gần 37,1 tấn thóc giống, 3,3 kg thuốc BVTV, 3,8 tấn thức ăn chăn nuôi, 5 máy gặt lúa liên hoàn theo hình thức trả chậm, giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trị giá 3,3 tỷ đồng. Tổ chức 243 buổi chuyển giao KHKT, 76 lớp tập huấn cho 32.600 lượt hội viên về các chủ trương, chính sách, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Nhà nước; thành lập mới 13 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHKT, trong đó có 7 mô hình trồng trọt, 6 mô hình chăn nuôi; hướng dẫn đưa 6 sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử để  quảng bá và tiêu thụ; hỗ trợ, hướng dẫn 2 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP… Hàng năm, Hội lựa chọn, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tham gia tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và các hội chợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình điển hình tiêu biểu trong và ngoài địa phương để học tập và áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tần, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Từ Sơn đánh giá: “Phong trào, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa, lôi cuốn, khích lệ nhiều hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố đến cuối nhiệm kỳ là 0,73%. Thời gian tới, Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, hỗ trợ vốn… nhằm thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển”.

Thanh Hóa: Chú trọng xây dựng thương hiệu, chìa khóa tăng giá trị sản phẩm

Tuy là một dạng tài sản vô hình, nhưng thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp (DN). Tại Thanh Hóa, nhiều DN đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, xem đây là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm và giá trị DN.

Sơ chế dứa trước khi đưa vào chế biến tại Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, Khu Công nghiệp đô thị Hoàng Long, TP Thanh Hóa.

Gần 16 năm có mặt trên thị trường phân bón, Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị (TP Thanh Hóa) luôn nỗ lực, bền bỉ tạo dựng thương hiệu. Theo Tổng Giám đốc công ty - ông Lê Hùng Mạnh, ngoài việc chú trọng xây dựng hình ảnh, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu như logo nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, công ty luôn quan tâm chuẩn hóa các quy trình sản xuất và các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm, từ đó tạo dựng uy tín cho sản phẩm và niềm tin cho khách hàng. Nhờ vậy, trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh COVID-19 vừa qua và những ảnh hưởng của tình hình thế giới khiến giá cả các nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, công ty vẫn duy trì hoạt động ổn định, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương.

Với Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt ở Khu Công nghiệp đô thị Hoàng Long (TP Thanh Hóa) thì hành trình trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản tại Việt Nam, với những mặt hàng như: dứa đóng hộp, vải thiều đóng hộp, dưa chuột ngâm dấm... cũng không dễ dàng.

Theo giám đốc công ty Nguyễn Văn Quỳnh, trong bước đường phát triển của DN, công ty luôn chú trọng các giải pháp nhằm định vị thương hiệu cho DN, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm tới uy tín mọi mặt của nhà sản xuất để phát triển lớn mạnh. Từ những vùng nguyên liệu nhỏ trong tỉnh và ở các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang... người dân đã chấp nhận liên kết, bắt tay với công ty để sản xuất dứa nguyên liệu với quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Công ty cũng đầu tư hệ thống nhà xưởng quy mô hơn 3.000m2 áp dụng công nghệ hiện đại, tuyển chọn nhân lực giàu kinh nghiệm, có năng lực quản lý sản xuất chuyên nghiệp. Vì vậy, DN đã “vượt bão” dịch COVID-19, tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ có mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm của DN đã được xuất khẩu với số lượng lớn sang nhiều nước trên thế giới, như: châu Á, EU, Nga, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan và nhiều nước phát triển khác.

Sau 5 năm thành lập, thương hiệu Medlatec cũng được Công ty TNHH Medlatec Thanh Hóa tạo dựng những thành công nhất định trên thị trường Thanh Hóa. Được thành lập dựa trên thương hiệu về chuỗi bệnh viện đã nổi tiếng trên cả nước, bằng dịch vụ chất lượng và tận tâm, hiện nay Medlatec đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu tại Thanh Hóa trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ y tế gia đình và dịch vụ bác sĩ tại nhà, với 84 cán bộ trực tiếp và hơn 300 cộng tác viên tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hàng năm, Medlatec Thanh Hóa đạt doanh thu khoảng 40 - 50 tỷ đồng, đóng góp hàng tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Năm 2021, Medlatec Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen, tôn vinh DN tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa. Giám đốc Nguyễn Văn Hiệu trở thành 1 trong 86 cá nhân trong cả nước được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021 và năm 2022 trở thành 1 trong 3 doanh nhân trẻ của Thanh Hóa đạt giải thưởng Sao Đỏ.

Đại diện Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 DN đang hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi DN sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng. Nhưng tất cả các DN đều chú trọng đến những giá trị cốt lõi như: chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chiến lược truyền thông hình ảnh, quảng bá thương hiệu.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu như: khuyến khích, hỗ trợ DN đổi mới dây chuyền công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm. Đến nay, nhiều thương hiệu DN ở Thanh Hóa đã và đang không ngừng lớn mạnh, với các sản phẩm dịch vụ hàng hóa được người tiêu dùng đánh giá cao, được vinh danh ở nhiều giải thưởng lớn như Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Giải thưởng Sao Đỏ, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Được biết, năm 2022, Việt Nam có 172 DN với 325 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam hiện xếp thứ 32 trong top 100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 được Bộ Công Thương xác định mục tiêu: Đến năm 2030 sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam; mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Làm giàu từ mô hình VAC

    Làm giàu từ mô hình VAC

    Với quyết tâm phát triển kinh tế, năm 2016, ông Nguyễn Văn Bích ở khu Xuân Quang, phường Yên Thọ (TX. Đông Triều - Quảng Ninh) mạnh dạn chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp VAC (nuôi lợn, cá chạch và cây ăn quả).

  • Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

    Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

    Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nuôi thành công cá Koi ở vùng chiêm trũng

    Nhiều lần thất bại trong việc đầu tư nuôi các loại cá cảnh khác nhau, nhưng với niềm đam mê của mình, anh Vũ Văn Tăng đã vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thành công mô hình nuôi cá Koi.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Top