Thực hiện chủ trương về xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là giải pháp để nâng tầm chất lượng NTM.
Thay đổi tư duy sản xuất
Tại Hội thảo “Hệ thống tiêu chí và giải pháp phát triển vườn mẫu hàng hoá theo chuỗi giá trị, góp phần xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”, PGS. TS Nguyễn Xuân Hồng , Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khẳng định: Phát triển kinh tế vườn chính là giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa thu nhập, hoàn thiện thêm tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Đặc biệt, vườn hộ, vườn mẫu đã trở thành hạt nhân trong xây dựng NTM ở nhiều địa phương.
Chủ tịch HLV Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng (người đứng giữa bên trái)tham quan vườn mẫu ở Diễn Châu, Nghệ An.
Điển hình như ở Hà Tĩnh, từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM với quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải đi vào chiều sâu, nhất là những yếu tố sát thực nhất với người dân, vừa phải quan tâm cao phát triển kinh tế, đồng thời phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và cảnh quan môi trường. Vì vậy, tỉnh này đã sớm ban hành tiêu chí vườn mẫu với 5 tiêu chí, bao gồm các tiêu chí: quy hoạch, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh quan môi trường, thu nhập.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hà Tĩnh xây dựng thí điểm một số mô hình phù hợp từng vùng miền; sau đó tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng và chính những mô hình này là điểm để các địa phương khác đến tham quan học tập. Trong quá trình tổ chức thực hiện kể cả giai đoạn làm mẫu và phát triển phong trào diện rộng, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy cao vai trò của mình, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các tổ chức hội và chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, cán bộ thôn vào cuộc, tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể, như: tập huấn hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, xây dựng khung kế hoạch, phương án chi tiết để thực hiện; hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức sản xuất, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tư vấn hướng dẫn thực tế tại từng vườn hộ từ thiết kế quy hoạch vườn hộ đến lựa chọn cây trồng - vật nuôi phù hợp... Từ đó làm thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất, tạo ra phong trào tự giác trong cộng đồng dân cư.
Đến nay, xây dựng vườn mẫu đã trở thành phong trào lớn trên tất cả các địa phương. Tại Hà Tĩnh, trên 80% số vườn hộ đều đã được chỉnh trang, cải tạo; đã có hơn 9.000 vườn mẫu đạt chuẩn, bình quân có gần 50 vườn đạt chuẩn/xã.
Nhiều vườn mẫu mang lại hiệu quả cao, như: vườn cây ăn quả ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc; vườn ở thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà)... Những vườn mẫu này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn rất rõ nét về cảnh quan, môi trường.
Thực hiện xây dựng vườn chuẩn NTM, đến nay, Nghệ An đã có hơn 700 vườn đăng ký thực hiện, có 256 vườn đã thẩm định và được công nhận vườn chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Các vườn chuẩn NTM được thiết kế có bản đồ, bản vẽ, quy trình, đề án một cách khoa học; quy hoạch các loại cây, con chủ lực trong vườn để đảm bảo tiêu chí thu nhập tối thiểu và nâng cao thu nhập. Ứng dụng khoa học – kỹ thuật, khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản… đóng góp rất lớn vào quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, đồng thời duy trì các yêu cầu mang tính chiến lược như phát triển bền vững của môi trường, sản xuất sản phẩm an toàn, áp dụng và tiến tới phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn sẽ là bộ tiêu chí hướng tới nền nông nghiệp của tương lai, nhưng được áp dụng linh hoạt, bắt đầu từ mức khởi điểm phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Đặc biệt, để thay đổi tư duy sản xuất cho các hộ nông dân vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận nhiều với thông tin kỹ thuật và công nghệ, các địa phương cần có cách tiếp cận mắt thấy tai nghe, thông qua mô hình tại chỗ và những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực tế.
Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, ngành Nông nghiệp đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc xây dựng vườn kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang là cái đích nhằm phát triển vườn hàng hóa theo chuỗi giá trị, góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, xây dựng vườn kiểu mẫu vẫn còn gặp phải không ít khó khăn.
Thực tế tại nhiều địa phương, khuôn viên hộ gia đình đã hình thành từ lâu, cơ sở hạ tầng đã được kiên cố hóa. Việc thực hiện quy hoạch mới là không dễ dàng vì tốn kém do phải đầu tư sắp xếp lại các công trình phụ đã được xây dựng từ trước nếu không phù hợp với quy hoạch. Hơn nữa, việc phá dỡ vườn tạp để trồng theo quy hoạch cũng không dễ dàng. Lâu nay, người dân ở các địa phương, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, cứ có đất là trồng bất cứ loại cây gì họ đã quen canh tác. Hơn nữa, để có được vườn mẫu thì người dân phải đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo giá trị thu nhập, tạo cảnh quan môi trường của khu khuôn viên gia đình; số lượng, chủng loại hàng hóa sản xuất ở vườn mẫu thường ít lại đa dạng do nhiều gia đình làm, tổ chức thu gom và tiêu thụ là việc khó khăn. Các sản phẩm làm ra chưa được bảo quản, chế biến và chủ yếu do thương lái tiêu thụ tươi trực tiếp tại vườn nên thiếu ổn định và hiệu quả kinh tế chưa cao.
Theo đánh giá chung, trong tổng số 5 tiêu chí vườn kiểu mẫu làm kinh tế VAC, tiêu chí sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường là thách thức lớn, kiến thức của người dân còn hạn chế về lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hữu cơ và người sản xuất phải chịu chi phí lớn hơn; và chưa hình thành được kênh tiêu thụ sản phẩm sản xuất an toàn theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ra văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng tiêu chí vườn kiểu mẫu theo “Bộ tiêu chí khung vườn mẫu” theo hướng nông nghiệp hữu cơ với các nội dung chủ yếu cho từng vùng sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường, năng lực quản lý và nguồn lực, bao gồm tài chính, vật tư, công nghệ, thông tin, thị trường.
Cụ thể: Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021- 2025, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang xây dựng, ban hành các tiêu chí cụ thể trong Bộ tiêu chí của Chính phủ để triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đặc biệt là các tiêu chí về thu nhập, về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, về môi trường và an toàn thực phẩm…, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, các mô hình vườn mẫu, vườn chuẩn, trang trại mẫu để góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, cải thiện cảnh môi trường nông thôn.
Tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Xuân Hồng nhấn mạnh: Từ thực tiễn triển khai xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tại các địa phương trong thời gian qua, Hội thảo đã thống nhất đánh giá, nội dung khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu chính là giải pháp quan trọng nhằm trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân nông thôn; và nâng cao chất lượng, tính bền vững, hiệu quả xây dựng NTM.
Việc phát triển vườn mẫu không là chỉ làm ở một số vườn được lựa chọn, mà quan trọng hơn là triển khai ở diện rộng, các địa phương chủ động học tập kinh nghiệm để nhân rộng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đề xuất Khung tiêu chí xây dựngvườn mẫu (vườn chuẩn NTM), trang trại kiểu mẫu để các địa phương tham khảo, ban hành áp dụng phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, thông qua tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các các giải pháp chủ yếu tháo gỡ rào cản nhằm phát triển, nâng cao hiệu quả của kinh tế vườn theo hướng sản xuất hàng hóa đa chức năng, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm…, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM nâng cao trong thời gian tới.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.