Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 4 năm 2023 | 15:26

Xuất khẩu trái cây, bài học từ thị trường Hoa Kỳ

Mục tiêu của Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 là, đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên; công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020.

Năm 2022 vừa qua, dù gặp rất nhiều khó khăn, từ cả yếu tố chủ quan và khách quan nhưng xuất khẩu rau quả của ta vẫn ghi những dấu ấn tích cực về mở rộng thị trường và thêm nhiều sản phẩm được phép vào những thị trường quan trọng bậc nhất của trái cây Việt (hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; yến, chanh leo, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc. Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ), đạt kim ngạch 3,34 tỷ USD, trong đó xuất khẩu rau quả chế biến vượt mốc 1 tỷ USD.

Rau quả Việt có mặt tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, có 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào.  

Vườn vải thiều trĩu quả tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Trong số các nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Hoa Kỳ mua nhiều nhất hạt điều, thủy sản, gỗ, trái cây của Việt Nam. Hoa Kỳ được xác định là thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản, trái cây nhiệt đới chất lượng cao của ta, như: trái vải tươi, thanh long, xoài, bưởi. Tính đến thời điểm hiện tại, có 7 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài và bưởi).

Báo cáo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp  Hoa Kỳ (USDA) dự báo, nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ năm 2023 có thể đạt 199 tỷ USD, cao hơn 5 tỷ USD so với năm 2022. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, trong đó có trái cây.

Tuy nhiên, việc khai thác thị trường cao cấp này chưa đáp ứng kỳ vọng, mong muốn của cả Nhà nước, doanh nghiệp, nhà vườn.

Nói vậy vì, năm 2017, lô vú sữa Lò Rèn (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đầu tiên đã được xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Đây được xem là thành công lớn của ngành cây ăn trái trong việc “chinh phục” thị trường cao cấp như Hoa Kỳ. Tuy vậy, năm 2021, sau 4 năm được xuất sang Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Hoa Kỳ cũng chỉ là trên 2 triệu USD. 

Không riêng vú sữa, trái xoài cát Hoà Lộc cũng từng kỳ vọng tạo “đột phá” cho ngành cây ăn trái, nhưng kết quả khai thác thị trường Hoa Kỳ cũng không như kỳ vọng. Năm 2020, chỉ có 2.100 tấn xoài vào Hoa Kỳ, kim ngạch 4,61 triệu USD. Trái chôm chôm cũng tương tự, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thì xuất khẩu chôm chôm từ Việt Nam đến Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 74.000 USD, giảm mạnh so với mức 450.000 USD của cùng kỳ năm 2021. Sau nhiều thành công, hiện không còn đơn vị nào xuất khẩu thanh long ruột trắng vào Hoa Kỳ...

Theo những người trong cuộc (cơ sở sản xuất, đơn vị xuất khẩu,...) và các chuyên gia, nguyên nhân khai thác thị trường giàu tiềm năng Hoa Kỳ chưa như mong muốn có nhiều, cả từ cơ quan quản lý, cả vấn đề hạ tầng, cả điều kiện địa lý, cả sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những nhà sản xuất khác.

Điều đầu tiên phải nêu là, do khoảng cách địa lý giữa ta và Hoa Kỳ quá xa nên nếu đưa trái cây tươi vào Hoa Kỳ thì vấn đề công nghệ bảo quản dài ngày phải được ưu tiên hàng đầu. Vì nếu đi bằng máy bay thì giá không cạnh tranh, còn đi bằng đường biển thì đến được Hoa Kỳ, số hàng hỏng rất nhiều. Việc này ta còn yếu. Do đó việc nâng cao năng lực bảo quản dài ngày và chế biến để tăng lượng trái cây chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của từng chuỗi ngành hàng và giảm chi phí vận chuyển (thay đường biển cho đường hàng không) cần được xác định là đột phá để khơi thông thị trường.

Thứ hai, trái cây của ta xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện mới hướng đến đối tượng tiêu dùng là người châu Á, trong đó, cộng đồng người Việt ở Mỹ là chính. Đây là một nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam vào Mỹ chưa nhiều. Cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các cộng đồng khác vì Hoa Kỳ là quốc gia hợp chúng quốc. Thứ ba, việc thực hiện yêu cầu chiếu sạ với sản phẩm xuất tươi trong khi cơ sở chiếu sạ của ta đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ còn quá ít, đã làm tăng chi phí vận chuyển và không ít loại trái cây bị hỏng ngay sau chiếu. Thứ tư, kinh doanh thương mại là việc của doanh nghiệp, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng, ban ngành liên quan cần có chương trình tập huấn, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn thực hiện yêu cầu của đối tác cũng như quảng bá, tiếp thị sản phẩm rộng rãi hơn.

Thứ năm, hiện chúng ta mới quan tâm đến mở cửa thị trường chứ chưa quan tâm nhiều đến năng lực cũng như những giải pháp để khai thác thị trường hiệu quả, nhất là vấn đề hạ tầng (giao thông, khoa học công nghệ, thương mại điện tử, logicstics, công nghệ giống, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, quảng bá tiếp thị,…) và xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt.

Hy vọng, những điều rút ra từ việc khai thác thị trường Hoa Kỳ giúp ích cho cả nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà vườn trong thực hiện mục tiêu Đề án  Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top